Tiếng “cưng” trìu mến

10/05/2025 - 11:34

PNO - Tiếng cưng gói ghém trong đó hỗn hợp các cung bậc tình cảm: có sự quen thân, gần gũi; có cả sự bảo bọc, tử tế, chở che.

Người Sài Gòn hào hiệp, nghĩa tình, luôn san sẻ cho nhau trong cuộc sống. Ảnh chụp chợ rau củ quả 0 đồng tại vùng ven TPHCM  - Ảnh do tác giả cung cấp
Người Sài Gòn hào hiệp, nghĩa tình, luôn san sẻ cho nhau trong cuộc sống. Ảnh chụp chợ rau củ quả 0 đồng tại vùng ven TPHCM - Ảnh do tác giả cung cấp

- Ờ, cưng nộp hồ sơ cho chị rồi về chờ, chừng nào ông chủ nhận là chị gọi liền cho cưng nghen!

- Chợ Bàn Cờ hả? Cưng chạy thẳng 3 ngã tư nữa, dòm bên tay phải chỗ đông đông là tới.

- Cưng về đâu, lên xe anh chở?

Hồi mới vô Sài Gòn, tôi từng… hết hồn khi nghe người ta gọi mình là “cưng”. Trời ơi, lạ hoắc lạ huơ, chưa từng quen nhau mà kêu “cưng” ngon lành, hổng biết có ý đồ gì đây? Mấy lời dặn dò, cảnh báo của người thân ở quê vẫn vang trong đầu: “Thành phố đông người, phức tạp, lừa đảo, giựt dọc dữ lắm, con nhớ hết sức cảnh giác, không tin ai nghe chưa!”. Một thân một mình lên thành phố trọ học, làm thêm, tôi quán triệt tinh thần đề cao cảnh giác.

Một lần, đang đạp xe trên đường, tôi bị người ta quẹt xe, kéo lê một đoạn. Trước khi ngất đi, tai tôi còn loáng thoáng nghe tiếng hô hoán của ai đó trên đường: “Trời ơi, té chết thằng nhỏ rồi…”. Trong cơn mơ hồ, tôi biết có người bồng tôi chạy…

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Vợ chồng chị bán quán nước chỗ tôi bị té đã vội gửi quán cho bà bán bánh mì trước cửa rồi bồng tôi chạy qua bệnh viện cách đó không xa. Ngó tôi đã tỉnh, chị nói liền: “Cưng tỉnh rồi hả? Bác sĩ khám rồi, nói cưng hông sao nhưng cần nằm theo dõi thêm 1 ngày. Cưng có ai thân, nói số điện thoại chị điện giùm cho”. Nghe tôi nói chỉ có một thân một mình giữa Sài Gòn, bạn bè đứa nào cũng bận học, bận đi làm, không muốn phiền ai, chị chép miệng: “Thôi vậy hông sao, chị coi chừng cưng cũng được. Nhà chị gần đây nè. Giờ cưng nằm nghỉ, chờ bác sĩ khám. Ảnh chạy về coi quán, chị nấu cháo, chiều đem vô cho cưng. Có cần gì gấp thì nhờ người gọi chị. Số chị nè”.

Chị chủ quán còn cẩn thận đưa tôi 200.000 đồng tiền dằn túi, lỡ muốn mua gì, cần gì gấp thì có tiền. Xong xuôi chị quày quả về. Lần đó, sau 1 ngày nằm lại bệnh viện, tôi được xuất viện. Viện phí cũng là tiền mượn của cặp vợ chồng tốt bụng ấy. Chiếc xe đạp đã được bà con gần đó giữ giùm. Ai đó còn cẩn thận dắt đi sửa, nắn lại bánh, chỉnh lại ghi đông, coi lại thắng xe giùm tôi. Tôi cảm ơn mà nước mắt trào ra. Lần đầu tiên giữa thành phố xa lạ, tôi cảm nhận được hơi ấm tình người.

Những ngày sau đó, tôi đi làm kiếm tiền, chờ cuối tháng gom lại đem trả. Chị bán nước không nhận với lý do: “Cưng để đó đi, dành tiền mà lo ăn học. Tiền đó coi như chị cho cưng mượn, ra trường, kiếm được việc làm rồi trả chị, chừng nào cũng được”.

Gần 20 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi từ lạ thành quen. Tôi không dám nhận mình đã thành người Sài Gòn chính hiệu nhưng cái chất hào sảng, nhiệt thành của người Sài Gòn đã ngấm dần trong tôi từ hồi nào không rõ. Rồi không biết tự bao giờ, tôi cũng quen miệng gọi mấy bạn trẻ là “cưng”. Tiếng “cưng” mà hồi nào tôi còn thấy “dị dị”, “kỳ kỳ”, nay lại thốt ra thật tự nhiên, trơn tru. Nghe một tiếng “cưng” đã thấy lòng yên tâm, thương mến. Có lẽ cũng vì thế mà mảnh đất này dung nạp được người tứ xứ tìm về.

Người Sài Gòn dễ cưng gì đâu!

Thiếu Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI