Tiền không phải mục đích chính cuộc đời nữa

21/07/2018 - 09:00

PNO - Thời trẻ, người ta ham nhảy việc bao nhiêu, thì khi mấp mé tuổi 40, người ta cần sự yên ổn bấy nhiêu, thậm chí, nếu nơi nào yên ổn mà “sống chậm” được một chút, càng tốt.

Sa thải! Cú giáng chí mạng của số phận đè bẹp đa số những người trong độ tuổi trên dưới 40, lứa tuổi tưởng đã bắt đầu ổn định trong nghề nghiệp của mình, coi việc đi làm như một thói quen của người thành đạt. 

Tien khong phai  muc dich chinh  cuoc doi nua

Suy sụp, mất tinh thần, đối diện với hàng loạt khó khăn khi phải nộp hồ sơ xin việc và tham dự những cuộc phỏng vấn mà người phỏng vấn trẻ hơn mình, xấc xược và hãnh tiến.

Một công việc mới có thể là may mắn, nhưng cũng có thể là thảm họa: làm quen từ đầu với môi trường mới, nhún nhường, thăm dò, tạo dựng các mối quan hệ, chịu đựng những kẻ khó chịu, cúi đầu tuân phục mệnh lệnh của sếp trẻ, còng lưng chạy những chỉ tiêu, những deadline vô lý…

Thời trẻ, người ta ham nhảy việc bao nhiêu, thì khi mấp mé tuổi 40, người ta cần sự yên ổn bấy nhiêu, thậm chí, nếu nơi nào yên ổn mà “sống chậm” được một chút, càng tốt. 

Thật lạ, khi xuất hiện một “dòng chảy ngược” mà với những người trong dòng chảy này, sa thải là một cơ hội, một may mắn để tìm lại cuộc đời mình. Nhiều phụ nữ đang chọn triết lý sống “lấy chồng muộn, nghỉ hưu sớm”: họ cố gắng làm việc đến tuổi 40, sau đó nghỉ việc, tập trung cho gia đình, tập trung cho những niềm say mê của bản thân: học đàn, học vẽ, đi du lịch, làm vườn… toàn quyền sử dụng thời gian sống của mình.

Khác với thế hệ trước, khi phải làm việc đến tuổi 55 để nhận lương hưu, dù chỉ là một khoản tiền nhỏ nhưng ổn định, một số phụ nữ đã chọn làm việc và tiết kiệm đủ để tự lo lương hưu cho mình.

Khi khoản tiền tiết kiệm và đầu tư của họ đủ cho nhu cầu sống, họ dừng lại không làm nữa, dành thời gian thực hiện những sở thích chưa được thỏa mãn. Với họ, sau 50 tuổi sẽ là quá muộn, không còn sức khỏe, không còn niềm khao khát hứng thú đi và khám phá, không còn thời gian để thực sự sống như những gì mình mong muốn.

Đây không đơn giản chỉ là ngừng làm việc để nghỉ ngơi, mà là ngừng làm theo ý muốn của người khác, để sống và làm việc theo ý của mình.

Tien khong phai  muc dich chinh  cuoc doi nua

Tạm đủ về kinh tế, con cái vào đại học, Huyền, vốn làm marketing cho một công ty bán lẻ hàng tiêu dùng, tuyên bố mình dừng công việc. Không cần nhân đôi nhân ba khối tài sản, chị cũng bán lại luôn căn nhà quá rộng để mua căn hộ nhỏ vừa đủ nhu cầu, để dành tiền bạc và thời gian còn lại cho mình.

Huyền bảo chưa quá muộn để tận hưởng cuộc sống này, chưa quá muộn để bắt đầu niềm yêu thích lớn nhất của chị: đi và vẽ, bao giờ xài hết tiền, mình sẽ trở lại đi làm. Huyền nói vậy cùng với nụ cười tươi, bạn bè bảo, bà đó quản lý tiền bạc rất được, chi tiêu tỉnh táo, chắc khó mà hết tiền!

Đối với cô Hoan, giảng viên một trường cao đẳng, lại là một câu chuyện khác. Cô không dừng hẳn công việc, nhưng tâm sự thật lòng: bây giờ mình đi dạy cho vui thôi, dạy ít, chọn lớp, chọn thời khóa biểu đỡ mệt một chút.

Mình đã từng trải qua cảm giác đi dạy để kiếm sống, nhọc nhằn, tủi cực lắm, bây giờ mình đi dạy như một cách chia sẻ niềm cảm hứng với cuộc đời, một năm hai tháng đi dạy, còn lại thời gian để cho mình được nghỉ ngơi, đi đây đi đó, sống cùng ba má nữa. Ông bà cũng sắp sửa trăm tuổi, biết còn được mấy ngày…

Tien khong phai  muc dich chinh  cuoc doi nua

Cũng có người nhắc câu nói của người xưa: “miệng ăn núi lở”, nhưng xem ra câu chuyện của thời nay đã khác rồi. Người ta đâu có dừng lao động, đâu có ngồi không chỉ ăn mà không làm việc, người ta chuyển sang một giai đoạn khác: lao động theo cách của mình, theo mong muốn và niềm yêu thích của mình.

Tiền không phải là tất cả mục đích của cuộc đời nữa. Cao hơn, quan trọng hơn, đó là khả năng biết thế nào là đủ, khả năng dừng lại, khả năng tự làm chủ cuộc đời mình…

 Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI