Tiền cho thuê nhà từ tài sản riêng có được chia khi ly hôn?

06/03/2019 - 10:30

PNO - Năm 2009, chồng tôi cho một công ty nước ngoài thuê căn nhà là tài sản riêng của anh trong thời hạn 10 năm, mỗi năm 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó gửi trong ngân hàng, khi ly hôn tôi có được chia?

Hỏi: Tôi và chồng kết hôn năm 2007. Trước khi kết hôn, chồng tôi có một căn nhà là tài sản riêng. Năm 2009 chồng tôi cho một công ty nước ngoài thuê căn nhà này trong thời hạn 10 năm (từ 2009 – 2019), mỗi năm 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê nhà, chồng tôi đều gửi ngân hàng và không dùng đến. Nếu tôi và anh ấy ly hôn, tôi có thể yêu cầu chia đôi số tiền thuê nhà và lãi suất không?

Nguyễn Thu Sương (Biên Hòa, Đồng Nai)

Tien cho thue nha tu tai san rieng co duoc chia khi ly hon?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau:

Số tiền thuê nhà và lãi suất ngân hàng trên được xem là lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của chồng chị. Theo quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung” và điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình: “Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình”.

Như vậy, số tiền trên được xem là tài sản chung của vợ chồng do nó được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân và đáp ứng các tiêu chí về tài sản chung của vợ chồng theo quy định.

Tien cho thue nha tu tai san rieng co duoc chia khi ly hon?
Ảnh minh họa

Về nguyên tắc, khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau:

“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Như vậy, khoản tiền trên theo nguyên tắc thì được chia đôi nhưng có thể chồng chị sẽ được hưởng phần nhiều hơn do đóng góp công sức nhiều hơn trong việc tạo lập, duy trì và phát triển số tài sản trên.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Hiền (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI