Thương Thương handmade – nơi tình thương ở lại

19/05/2025 - 17:32

PNO - Chị Nguyễn Thị Thu Thương, một người khuyết tật đã vượt qua số phận để trở thành người sáng lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp hàng thủ công Thương Thương Handmade.

Tháng 10/2022 tôi ra Hà Nội tham dự chương trình “Vươn lên mạnh mẽ” dành cho người khuyết tật. Tại đây, tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Thu Thương – sáng lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp hàng thủ công đang được nhiều người biết đến với thương hiệu: Thương Thương Handmade (ngõ 11, phố Lương Định Của, phường Kim Liên – TP Hà Nội).

Chị Nguyễn Thị Thu Thương bên sản phẩm của mình (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Nguyễn Thị Thu Thương bên sản phẩm của mình (ảnh do nhân vật cung cấp)

Vẫn là chị, thân hình bé nhỏ nằm gọn trong chiếc xe đẩy. Giọng nói “lảnh lót” như rót những thanh âm trong trẻo vào tai người đối diện. Chúng tôi nắm tay, cười nói thân tình sau nhiều năm không gặp.

Tuổi thơ chưa trọn vẹn

Từ lúc chào đời, chiếc áo số phận đã ướm vào chị căn bệnh mang cái tên mĩ miều: “xương thủy tinh” hay còn gọi hội chứng “xương giòn” – va chạm nhẹ là xương vụn gãy bất cứ lúc nào. Chị không thể đi, đứng được, chỉ có thể trườn lăn “nhè nhẹ” từ góc này đến góc nọ như chú ốc sên.
Bệnh tật, không cho chị cơ hội đến trường học chữ, nhưng nhờ mẹ và các bạn tình nguyện viên nơi chị sống hỗ trợ, nên chị có thể đọc và học các phép tính cộng trừ cơ bản.

Các bạn nhân viên làm tại Thương Thương Handmade (ảnh do nhân vật cung cấp)
Các bạn nhân viên làm tại Thương Thương Handmade (ảnh do nhân vật cung cấp)

Là con thứ hai sinh ra trong gia đình có 4 chị em. Khi mới chỉ là đứa trẻ lên 10, chị đã có suy nghĩ “già trước tuổi”, luôn trăn trở làm sao đỡ đần bố mẹ. Bởi với đồng lương công nhân ít ỏi của bố tại công ty xây dựng và công việc may vá tại nhà của mẹ, chẳng thấm vào đâu với rất nhiều khoản chi: tiền học các con, tiền sinh hoạt phí trong ngoài và cả tiền chữa chạy cho chị những lúc ốm đau... Mặc dù khi ấy, thân hình bé mỏng như kẹo bông gòn, cùng những mảnh xương mong manh dễ vỡ chị chưa biết mình có thể làm được công việc gì.

Mong muốn khẳng định giá trị “tàn nhưng không phế” đã luôn là ngọn lửa âm ỉ thôi thúc chị. Chị không ngừng kiên trì tìm hiểu xem công việc phù hợp với bản thân mình nhất. Năm 2005, chị thỏ thẻ với mẹ ý định đi học nghề tại Trung tâm “Vì ngày mai” ở huyện Đông Anh (Hà Nội), cách nhà tầm 18km.

Lúc bấy giờ, dù rất thương con nhưng bà Viên – mẹ chị vô cùng băn khoăn “Liệu con mình có thể học được nghề gì và học xong nơi nào chịu nhận? Rồi ai chăm sóc vệ sinh cá nhân cho nó?”. Thế nhưng, trái tim quảng đại của người mẹ ấy không nỡ dập tắt hy vọng nhỏ nhoi của đứa con gái thiệt thòi, phần cũng muốn bù đắp cho con nên bà bàn với chồng để bà tạm gác lại hết mọi công việc thường nhật, đồng hành cùng con trong thời gian con học nghề.

Sau 5 tháng học nghề len cùng các sản phẩm làm từ những chất liệu phù hợp với đôi tay yếu ớt của mình. Chị trở về nhà. Mỗi ngày, chị tỉ mẩn thực hành những sản phẩm be bé, xinh xinh.
Ban đầu, sản phẩm của chị còn khá vụng về nhưng nhờ vào sự quyết tâm, ý chí kiên định, trui rèn, học hỏi thêm qua các kênh hướng dẫn trên mạng internet nên sản phẩm của chị ngày một chỉn chu và đẹp mắt hơn.

“Muốn bán cái gì thì phải cho khách hàng trải nghiệm thử” – đó là cách nghĩ của chị, nên sau khi hoàn thiện xong một sản phẩm mà chị tạm gọi là “ưng bụng”, chị đem tặng những người mà chị quen biết. Đó có thể là bạn bè của bố mẹ, họ hàng hay các cô bác, anh chị hàng xóm...

Thông qua kênh “truyền miệng”, giúp chị từng bước có được những đơn hàng đầu tiên. “Nhưng nếu chỉ dừng lại ở tệp khách hàng thân cận thì không khả thi”, nghĩ vậy nên năm 2009, chị quyết tâm thành lập website: www.thuongthuong.net để tự quảng bá sản phẩm của chính mình.

Từ ngày đăng bán sản phẩm trên web, mở rộng đối tượng khách hàng chị lại nghĩ đến việc tìm thêm những bạn cùng hoàn cảnh để nâng đỡ, giúp nhau cùng phát triển.

Năm 2012, chị mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật và đã có 5 học viên theo học. Ngày 16/3/2014 chị quyết định thành lập “Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật” (hiện đổi tên là Công ty cổ phần thương mại và sản xuất thủ công Thương Thương Handmade).

Chị Thương cùng các bạn của Thương Thương Handmade chụp cùng khách đến thăm (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Thương cùng các bạn của Thương Thương Handmade chụp cùng khách đến thăm (ảnh do nhân vật cung cấp)

“Trong mỗi sản phẩm đều có độ khó và thời gian hoàn thành khác nhau. Mẫu đơn giản có thể hoàn thành trong vài tiếng đến một ngày, những bức tranh có chi tiết phức tạp, kích thước lớn hoặc yêu cầu kỹ thuật cao, có khi phải mất vài tuần, thậm chí cả tháng để hoàn thành. Bức tranh “Phố giấy cuốn” là một trong những sản phẩm khó như thế. Tuy tốn khá nhiều thời gian, nhưng sau khi hoàn thành một sản phẩm là niềm vui, sự tự hào không gì tả được. Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là công sức và tâm huyết của chị cùng các em học viên”, chị tự hào chia sẻ.

Theo chị, muốn thành công trong bất kỳ công việc nào, đam mê là yếu tố then chốt. Nếu không có đam mê, rất dễ bỏ cuộc khi gặp trở ngại. Kinh doanh, ngoài đam mê thì địa điểm cũng vô cùng quan trọng. Sở dĩ chị luôn mong được về khu Trung tâm Hà Nội vì đó là nơi tập trung chính về kinh tế, văn hóa; mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tìm nhà tài trợ hoặc kết nối với cộng đồng yêu thích đồ thủ công; việc quảng bá thương hiệu cũng dễ dàng hơn, thông qua việc đăng ký trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện lớn nhỏ khác nhau.

Thương Thương Handmade đào tạo và dạy nghề cho nhiều đối tượng yếu thế khác nhau: người khuyết tật, bệnh nhân chạy thận, thiếu máu bẩm sinh... Trong số đó, nhiều bạn ra nghề về làm việc tại nhà hoặc tự mở cơ sở riêng. Một số khác xin ở lại để kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, Thương Thương Handmade có khoảng 20 thành viên. Mức lương trung bình các bạn nhận được hàng tháng, dao động khoảng 4 - 5 triệu/tháng, tùy theo tay nghề và số lượng sản phẩm hoàn thành. Ngoài lương, xưởng còn cố gắng tạo điều kiện để các bạn có một môi trường làm việc phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Bên cạnh thuận lợi, thì cũng gặp không ít khó khăn, do sản phẩm làm thủ công nên không thể sản xuất nhanh chóng hoặc khi thợ gặp vấn đề sức khỏe thì số lượng giảm sút...

Đóa hoa thủy tinh tận hiến

Từ ý niệm “muốn giúp người cùng cảnh” có được cuộc sống ổn định, chị đã phải nỗ lực hơn người không khuyết tật gấp nhiều lần. Cả một quá trình dài miệt mài tận hiến. Nhưng, chắc hẳn thành công mà chị có được hôm nay, không thể nào thiếu bóng dáng thầm lặng của hai tình yêu vĩ đại đời chị.

Nhắc về bố mẹ, ánh mắt của chị vương niềm thương và sự hàm ơn khôn xiết. Chị xúc động chia sẻ: “Chị luôn khắc ghi hình ảnh gầy gò tất tả của bố mỗi khi bế chị vào bệnh viện trong những ngày Hà Nội rét căm căm hay ngày hạ nắng như rang. Đôi mắt thương con mỗi khi nhìn thấy chị đau đớn lúc xương rạn gãy và cả hình ảnh tươi cười khi nhìn thấy chị được nhận bằng khen, được ghi nhận thành quả từ các cấp, ban ngành trao tặng. Hay những lúc máy móc ở xưởng không hoạt động, bố lại hì hục tự tay sửa, nhất quyết không thuê thợ bên ngoài. Còn mẹ chị, như người tri kỷ luôn bên cạnh động viên. Món quà mà bố mẹ dành cho chị ở kiếp này, ngoài tình yêu thương bao la, còn chất đầy sự hy sinh bất tận...”

Với chị, bố mẹ và những người thân trong gia đình là quan trọng nhất. Và khi bố mẹ về già, mỗi người sẽ có cách báo hiếu khác nhau. Còn chị, chị biết kiếp này mình chẳng thể chu toàn chữ hiếu theo cách mà bất cứ người con lành lặn, khỏe mạnh nào cũng có thể làm được: rót ly nước, nấu tô cháo dâng cho bố mẹ. Vậy nên chị lựa chọn đền đáp công ơn trời biển đó bằng những gì chị có – trong khả năng hữu hạn của mình – sống vui, sống khỏe để bố mẹ an tâm hơn về những ngày tháng sau này của chị.

Có lẽ, câu chuyện về chị – đóa hoa thủy tinh vươn mình sống đẹp, dù có viết bao nhiêu từ ngữ cũng khó lòng chuyển tải hết những điều muốn nói. Tôi chỉ xin khép lại bài viết này với câu danh ngôn mà tôi rất tâm đắc “Nếu có gì mạnh hơn số phận, thì đó là lòng dũng cảm”. Với tôi, chị đến với thế giới này trong sứ mệnh của một siêu anh hùng dũng cảm, mang đầy tình thương, như chính ý nghĩa cái tên của chị.

Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, chị Nguyễn Thị Thu Thương đã gặt hái được nhiều giải thưởng, như: Bằng khen: “Gương thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi” (2014) do Trung Ương Đoàn trao tặng, bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội. Khách mời trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt tôn vinh “Tấm gương nghị lực” (2014), Danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” của Tập đoàn Microsoft và chị cũng là một trong top 24 gương mặt Hạt giống tâm hồn Việt Nam...

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 096618272


Én Nhỏ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI