"Thuốc” trị bệnh... chán sống

20/04/2021 - 05:50

PNO - Phương pháp 4H: hỏi han, hiện diện, hy vọng và hỗ trợ. Chỉ cần một câu hỏi han có khi cũng cho thấy sự thần kỳ của lòng quan tâm. Chỉ cần sự hiện diện trong yên lặng đã là một an ủi lớn, nguồn khích lệ đối với người đang có vấn đề, giúp họ cảm nhận được sự đồng hành của người thân, bạn bè…

Sinh - tử trong gang tấc 

Trong buổi tọa đàm “Nói về tự sát cùng người trẻ” do Trường đại học Hoa Sen tổ chức ngày 17/4, thạc sĩ tâm lý Phạm Tiến Dũng cho biết, rất nhiều người trẻ có vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần. Nhiều người chán sống, có ý định tự sát và thậm chí đã lên kế hoạch tự sát, dù thâm tâm họ không muốn chết.

Mới đây, trang Facebook của tài khoản L.N. đăng dòng trạng thái ngắn gọn: “Tôi mệt mỏi, tôi chán sống, nhưng tôi không muốn chết. Tôi phải làm sao?”, kèm theo đó là hàng chục dấu chấm hỏi như sự bế tắc, tuyệt vọng của nhân vật chính.

Gia đình “lép vế” so với điện thoại khi người trẻ buồn, tuyệt vọng
Gia đình “lép vế” so với điện thoại khi người trẻ buồn, tuyệt vọng

Thạc sĩ, bác sĩ (Bs) chuyên khoa I Nguyễn Trung Nghĩa - chuyên khoa tâm lý tâm thần tại Jio Health Việt Nam and Touching soul center - chia sẻ: “Từ trong sâu thẳm, người trầm cảm vẫn muốn sống, nhưng họ không sao thoát ra được tình trạng bế tắc, tuyệt vọng“. 

“Cảm giác mất đi một người thật ra không tệ bằng cảm giác lẽ ra mình đã có thể cứu được họ”, BS Nghĩa nói.

Chuyện người trẻ bị chìm trong trầm cảm, loay hoay chống chọi, và chọn giải pháp tự sát dù bản thân họ muốn sống khá phổ biến. Trong hơn 200 người có mặt tại buổi tọa đàm, không ít bạn trẻ chia sẻ rằng họ đã và đang nuôi ý định tự sát. 

M., một sinh viên năm nhất, cho biết, từ nhỏ M. đã có cảm giác cô độc, lẻ loi giữa bạn bè. Nỗi buồn lớn theo năm tháng khi M. gánh thêm áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ: “Con trai là phải mạnh mẽ”.

M. luôn ước mơ được sống vui vẻ, hồn nhiên, nhưng không thể. M. muốn quên và trốn chạy thực tại này và uống thuốc ngủ tự sát. Thế nhưng, vào phút cuối, M. hối hận nên lao vào bệnh viện để được cứu sống. 

4H từ gia đình: hỏi han, hiện diện, hy vọng và hỗ trợ

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2021, cả nước có khoảng 20 trường hợp người trẻ tự sát, trong đó hơn một nửa đã tử vong.

Ngày 17/4, trang Facebook của bạn trẻ tên Q.T. đăng dòng trạng thái: “Khi mày buồn, ai thường ở bên cạnh mày vậy?”. Ngay lập tức có 13 bình luận xuất hiện. Trong đó 3 bình luận “chẳng có ai”, 1 bình luận “Pon và Bơ” (tên thú cưng) và 7 bình luận “điện thoại”, và chỉ có 2 bình luận nhắc đến gia đình.

Tại buổi tọa đàm ở Trường đại học Hoa Sen, khi nhà xã hội học Phạm Đỗ Nam khảo sát “Khi buồn bạn thường làm gì?”, hầu hết người có mặt chọn điện thoại, nghe nhạc, đi ăn. Gia đình và trò chuyện với người thân vẫn là lựa chọn thứ yếu.

Từ những trường hợp người trẻ tự tử thời gian qua mà truyền thông phản ánh, hay những câu chuyện từ các chuyên gia, hoặc từ chính người tham dự tọa đàm cho thấy: khi một người tuyệt vọng và muốn tự sát, vai trò của gia đình, người thân rất mờ nhạt. 

Sự “mất sóng” này đến từ hai phía: các bạn trẻ không thể mở lòng  với người thân; còn người thân bận rộn với mưu sinh, cơm áo gạo tiền hoặc vô tư với suy nghĩ “tụi nhỏ chỉ lo ăn học”. Đến khi con uống thuốc ngủ, nhảy lầu, qua thư tuyệt mệnh để lại, cha mẹ mới hay con chịu nhiều áp lực, bế tắc, tuyệt vọng và trầm cảm trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ không tự nhiên buồn rầu và tự sát, mà có quá trình. Do vậy, nếu cha mẹ, người thân để ý, quan tâm, sẽ nhận ra dấu hiệu bất thường. Sự đồng hành cùng con cái của cha mẹ sẽ hạn chế, ngăn chặn được tình trạng muốn tự sát.


Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân - Quyền Trưởng khoa Tâm lý trường đại học Hoa Sen - nhấn mạnh: Cha mẹ phải thật sự thấu hiểu con, không nên thấy con buồn và bảo con “cố lên”, hay khuyên “con đừng quan tâm đến thành tích”.

Gia đình phải thật sự là nơi trú ẩn cho con, giúp con tự đứng trên đôi chân của mình, có kỹ năng về cảm xúc, kỹ năng về xã hội để đối mặt với khó khăn, áp lực... 

Giải pháp đưa ra từ cuộc hội thảo là phương pháp 4H: hỏi han, hiện diện, hy vọng và hỗ trợ. Chỉ cần một câu hỏi han có khi cũng cho thấy sự thần kỳ của lòng quan tâm. Chỉ cần sự hiện diện trong yên lặng đã là một an ủi lớn, nguồn khích lệ đối với người đang có vấn đề, giúp họ cảm nhận được sự đồng hành của người thân, bạn bè… 

Sự quan tâm, đồng hành của gia đình giúp người trẻ đề kháng với áp lực, thử thách của cuộc sống, giúp người trẻ nhận diện, biết rõ mục đích sống, mình cần gì, muốn gì?

Đó sẽ là kim chỉ nam, là chiếc neo để níu giữ người trẻ với cuộc sống, dù rơi vào tuyệt vọng. Và đó chính là “vắc-xin“ để người trẻ ham sống, ngăn họ hủy hoại mạng sống của mình. 

Nhiều người trẻ cho biết họ hoàn toàn mất kết nối với cha mẹ - Ảnh minh họa
Nhiều người trẻ cho biết họ hoàn toàn mất kết nối với cha mẹ - Ảnh minh họa

Dấu hiệu của người chán sống hay có ý định tự sát 

- Có cảm giác bất lực, tuyệt vọng. 

- Luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng.

- Giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: trữ thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, chuẩn bị dây, dao lam...

- Có những hành vi bất thường: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện tình cảm với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh.

Gia Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI