Thả gàu xuống giếng

25/09/2021 - 19:38

PNO - Xách gàu nước giếng gội rửa sạch uất ức đớn đau, đợi mai này rồi sẽ thấy mọi chuyện nhẹ như không.

Giếng đá ong giữa vườn có từ thời nào chẳng ai rõ. Chỉ biết tuổi giếng bằng mấy đời người. Mảnh đất đổi chủ bao lần, theo năm tháng người về với trời, cái giếng thì vẫn còn ở đó.

Ông bà hay bảo, long mạch rất khó tìm. Trong xóm hiếm nhà có giếng nước. Thường là giếng làng dùng chung. Đất nào đào được giếng nước phun chảy ròng ròng, đó là đất lành huyệt tốt, trồng cây đậu trái, hoa lá tốt tươi.

Mạch nước ngầm nuôi giếng trong trẻo sẽ nuôi cây mướt xanh. Người phúc đức mới sở hữu được mảnh đất có cái giếng nước trong.

Cây vú sữa mọc lên bên giếng, thân to hai vòng người ôm, soi bóng mát rượi. Mùa cây chín thơm lừng, con nít khoèo trái rơi xuống giếng, lấy gàu múc lên, ăn ngọt lịm. Đứa nào vắt vẻo trên chạc cây, ăn xong nghịch ngợm thả vỏ rơi tõm nơi giếng nước, bị ba bắt được sẽ ăn trận đòn no.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giếng nước gắn với chiếc gàu nan tre đan tròn miệng, quét dầu rái bên trong, rồi qua gàu tôn, cuối cùng đổi gàu nhựa. Tra gàu tưởng đơn giản, lại là cái mẹo truyền đời, bởi làm không khéo thì thanh gỗ ngang miệng gàu sứt đinh mấy lần, sợi dây gàu đứt bục.

Giữa trưa hè, xách một gàu nước giếng rửa mặt, cảm thấy cái lạnh sướng rơn tê tái thấm vào da thịt. Uống thử mấy ngụm, rồi ngửa cổ ừng ực tu sạch, cơn khát như dịu hẳn.

Nước giếng mát lạnh mùa hè, lại âm ấm khi vào đông, cứ uống vậy chẳng sợ đau bụng. Giếng đá ong có thể lọc cho dòng nước ngọt lành, không còn phèn chua như giếng xây gạch. 

Nước giếng chưa từng đổi màu đục, trong lành ngọt thanh quanh năm. Những mùa giếng cạn gần đáy, ba tôi bắc thang trèo xuống giếng, vét lên từng gàu cát trắng.

Cát chất đầy đáy, chặn dòng nước ngầm tuôn ra. Làm sạch cát, giếng nước lại chứa chan. Mùa mưa giếng trữ nước giùm người, dâng cao lên miệng thành. “Năng mưa thì giếng năng đầy” (ca dao), dành nước cho mùa hạn năm sau.

Ngày ly chén trong chạn khua vỡ, có kẻ trẻ dại nông nổi đứng cạnh thành giếng toan lao mình. Giếng soi người thấy bóng người giữa bóng trời sâu thẳm.

Tuổi ngây khờ, đời mới dăm ba năm đã không chịu nổi, thì bao sóng gió phía trước biết làm sao qua. Xách gàu nước giếng gội rửa sạch uất ức đớn đau, đợi mai này rồi sẽ thấy mọi chuyện nhẹ như không.

Tụi con nít lớn lên, chẳng còn xách nước bằng gàu. Máy bơm đặt xuống đáy giếng, đưa nước lên theo đường ống. Miệng giếng đậy kín bằng tấm bê tông đúc. Giếng vẫn trong nhưng nào có soi gì được nữa.

Thảng hoặc, người già nhớ bạn cũ, nặng nhọc đẩy tấm bê tông qua, thả chiếc gàu xuống chạm nước, giếng mừng reo tung tẩy. Âm thanh chiếc gàu rơi tõm chìm sâu kéo bao thương yêu quay về.

Làng quê xoay mình mặc lớp áo mới, nước máy về thị trấn, phải nấu sôi để bay bớt mùi clo nồng ngái. Nước máy tiện lợi hơn, mê hoặc người bằng niềm tin sẽ sạch hơn nước giếng.

Những đứa con uống nước giếng mà thành người, nay quay lại chê giếng. Hệt như đứa con thỉnh thoảng cứ nghĩ ba má quê mùa. Người quên mất giếng. Quên những tháng ngày chạy vòng quanh, tựa vào giếng trưởng thành.

Căn nhà xây rộng, cây vú sữa đổ sập đau đớn theo vết cưa, đào. Nhưng người không thể lấp giếng. Tuổi giếng hơn tuổi người, bao dấu yêu đâu dễ dàng gì rũ bỏ được. Nếu người kéo nắp đậy giếng đá ong giữa vườn ra, vẫn thấy mạch nước ngầm trong trẻo ở đó trọn vẹn bao dung.

Như tôi chiều nay thả chiếc gàu xuống giếng, thấy cả thời ngây dại ùa về. 

Ny An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI