Tết đầu tiên ở nhà chồng

20/02/2016 - 08:04

PNO - Lần đầu đón tết ở nhà chồng, tôi nhận ra mẹ chồng mình tuy bề ngoài có vẻ nghiêm khắc nhưng tính tình rất cởi mở, dễ chịu.

Tet dau tien o nha chong
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Cùng câu hỏi “Mùng Một mình về nhà anh ăn tết rồi mùng Hai về nhà em nhé?”, năm trước tôi dùng dằng, viện mọi lý do để từ chối, còn năm nay lại dễ dàng đồng ý, thậm chí có phần phấn khích. Tôi biết chồng rất vui nhưng vẻ mặt không giấu được sự thảng thốt vì ngạc nhiên.

Tết năm ngoái, chỉ mới nghe chồng gợi ý mùng Một về chúc tết gia đình anh, tôi đã từ chối bằng cách gợi ý ngược lại “Sao mình không ghé nhà em trước rồi mùng Hai mới sang nhà anh?”.

Chồng tôi nói: “Lúc bà ngoại anh còn sống có ra quy định, vào mùng Một tết, người trong gia đình, bất kể lớn nhỏ, dù bận rộn thế nào thì cũng phải về thăm ngoại. Vì thế, ngày đầu năm luôn là ngày đông đủ nhất. Cho đến giờ, dù ngoại anh đã mất thì các cậu, các dì vẫn giữ thói quen về nhà sum họp với anh em con cháu”. Tôi gật đầu: “Chắc vui?”. Chồng tôi trả lời: “Vui chứ! Nhất là lúc xếp hàng nhận tiền lì xì!”. Nghe xong tôi suýt... xỉu vì nhớ ra, cháu nhà chồng hơn chục đứa.

Mới cưới hơn hai tháng đã ở riêng nên tính tình, sở thích của bố mẹ chồng tôi không hiểu lắm. Vì thế, dù đã chuẩn bị quà biếu, tiền mừng kha khá và cả chuẩn bị tâm lý nhưng tôi vẫn sợ sơ sót. Lại thêm những câu chuyện đọc được trên mạng về việc nàng dâu phải nấu cơm, rửa chén đến mệt phờ trong ngày tết khiến tôi càng thêm nản.

Sáng mùng Một tết, chồng tôi phấn khởi chở vợ về nhà mẹ. Mới chạy đến đầu ngõ, tim tôi đã đập thình thịch khi thấy gần chục chiếc xe máy xếp cạnh nhau. Tôi bước vào nhà, lo lắng. Mẹ kéo tay tôi giới thiệu với các cậu, dì. Trong lúc tôi còn ngại ngùng không biết làm gì tiếp theo thì mẹ “rủ” mọi người lên nhà trên chơi lô tô.

Thấy vậy tôi hỏi nhỏ: “Nhà mình có nấu gì không để con phụ?”. Mẹ khoát tay: “Chuyện đó con không phải lo, nhà mình ăn tết thoải mái lắm. Để cho gọn nhẹ và ai cũng được vui, mẹ với các dì nhất trí mua vịt quay, heo quay, cháo gà cũng đặt mua ở ngoài cho tiện. Bày biện nấu nấu nướng nướng hết cả ngày thì còn sức đâu mà vui”. Tôi thầm mừ ng vì mẹ chồng hiện đại.

Sau bữa cơm trưa rộn rã, tôi nhanh nhảu xuống bếp rửa chén. Nhìn chồng tô, chén, ly nhiều đến nỗi tràn kín sàn bếp, tôi cảm thấy rờn rợn. Nhưng chỉ một loáng đã sạch bong vì tất cả phụ nữ đều cùng làm. Thích nhất là dì Năm, vừa làm vừa ca cải lương ngọt thiệt ngọt.

Rửa chén xong, mẹ chồng lên ghế ngồi hỏi lớn: “Có ai muốn lấy tiền lì xì hông?”. Mấy đứa nhỏ hét lên mừng rỡ, vội chạy ra rồng rắn nối nhau xếp hàng chúc tết. Tiếp theo đó, là màn chơi lô tô, chơi cá ngựa, vui đến nỗi tôi cười mỏi cả miệng. Cứ thế mà trời sụp tối lúc nào không ai hay, phải đợi đến lúc mẹ hối thúc mọi người mới lục tục đi về vì ai cũng nấn ná ở lại trò chuyện.

Lần đầu đón tết ở nhà chồng, tôi nhận ra bản thân thiếu sót rất nhiều. Đầu tiên “cục lười” quá lớn khiến tôi sợ những chuyện viể n vông. Thứ hai, tôi quá ích kỷ không biết lo nghĩ cho chồng. Trong khi chồng về nhà vợ cứ thấy việc là làm không cần đợi đến ba má vợ lên tiếng. Còn tôi chỉ biết trốn chạy vì sợ mệt.

Lần đầu đón tết ở nhà chồng, tôi nhận ra mẹ chồng mình tuy bề ngoài có vẻ nghiêm khắc nhưng tính tình rất cởi mở, dễ chịu. Nhìn cách mẹ đối đãi với các mợ, tôi nhận ra mẹ rất tình cảm chứ không chỉ có “vẻ ngoài” như lời dặn dò của những cô bạn “có kinh nghiệm”.

Lần đầu đón tết ở nhà chồng, tôi nhận ra ngày tết thật vui khi tất cả thành viên trong gia đình sum vầy, đoàn tụ. Những lời chúc, tiếng cười, những câu chuyện chia sẻ yêu thương cứ rộn rã nối tiếp. Đó mới là điều quan trọng. Còn việc cùng nhau xuống bếp, cùng nhau dọn dẹp chỉ góp thêm kỷ niệm chan hòa tình thân.

Bút Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI