Tân Thủ tướng Nhật Bản và thách thức vấn đề “Womenomics”

15/09/2020 - 11:00

PNO - Các nhà bình luận cho rằng người thay thế vị trí Thủ tướng của ông Abe cần phải có những chính sách tốt hơn dành cho phụ nữ do một nửa dân số của Nhật là nữ.

8 năm trước, khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng, phái nữ ở Nhật Bản được khích lệ bởi tầm nhìn của nhà lãnh đạo mới về vai trò của phụ nữ trong xã hội với những cam kết sẽ có nhiều cơ hội hơn và được trả lương cao hơn. Nhưng cho đến nay, những cam kết của ông Abe vẫn chưa được thực hiện.

Cô Yoshikawa - 37 tuổi, sống ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo - cho biết: “Tôi nghĩ rằng giúp phụ nữ “tỏa sáng” là một ý tưởng rất tuyệt. Tôi tin mình có thể làm tốt công việc công ty, vì đó là công việc tôi thực sự yêu thích và có kỹ năng tốt, nhưng thực sự tôi chưa bao giờ được như mình mong muốn”.

Ông Shinzo Abe
Ông Shinzo Abe đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong xã hội khi lên giữ chức vụ Thủ tướng

Các công ty Nhật Bản thường xuyên bị chỉ trích là chậm chạp trong việc nhận sự thay đổi, cứng nhắc trong việc phân chia cấp bậc và đầy rẫy những ức hiếp, sự ép buộc phải tuân thủ. Cô Yoshikawa nói, khi những phụ nữ trẻ đầy tham vọng và có năng lực không được phép “tỏa sáng” bởi những thái độ lạc hậu, thì sáng kiến ​​của Thủ tướng đã bị đánh bại. 

Bất cứ ai thay thế vị trí ông Abe chắc chắn phải đối mặt với một số thách thức trước mắt, bao gồm việc vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus, đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng và phát triển mối quan hệ với các đồng minh, cũng như đối thủ. 

Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng, bất kỳ ai khi đắc cử vị trí Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do và Thủ tướng của quốc gia này cần phải làm tốt hơn những vấn đề liên quan đến phụ nữ, khi một nửa dân số là nữ. 

Ông Yoshihide Suga - Chánh Văn phòng Nội các - ngay từ khi tranh cử đã cho biết ông có ý định tiếp tục nhiều chiến lược của ông Abe, bao gồm cả "Womenomics", và cam kết sẽ cung cấp dịch vụ điều trị sinh sản cho phụ nữ trong gói bảo hiểm y tế quốc gia. 

“Trong suốt thời gian diễn ra tranh cử, tôi chưa nghe hay thấy bất cứ điều gì khiến tôi nghĩ rằng bất kỳ ai trong số những người đàn ông trở thành tân Thủ tướng sẽ tạo ra sự khác biệt về vấn đề suy giảm dân số và vai trò của phụ nữ trong xã hội, và đó là những mối đe dọa hiện hữu mà chúng ta phải đối mặt”, Noriko Hama - một nhà kinh tế học tại Đại học Doshisha của Kyoto - nói.

Nhât Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số sụt giảm không ngừng
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số sụt giảm không ngừng

Theo Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia, dân số Nhật Bản đạt đỉnh 128 triệu người vào năm 2009 và đã bắt đầu sụt giảm không ngừng. Năm nay, dân số Nhật Bản chỉ còn 126,5 triệu người. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, dân số Nhật Bản sẽ giảm còn 50 triệu người vào cuối thế kỷ XXI và chỉ còn 10 triệu người vào năm 2200. 

Một tính toán của các nhà phân tích tại Đại học Tohoku cho thấy dân số Nhật Bản sẽ chỉ còn một cá thể vào ngày 16/8/3766, khiến Nhật Bản... tuyệt chủng. 

Người Nhật kết hôn muộn hơn và sinh ít con hơn, chủ yếu do áp lực tài chính, trong khi những tiến bộ trong công nghệ và chăm sóc y tế đồng nghĩa với việc họ đang sống lâu hơn bao giờ hết. Tuổi thọ ở Nhật Bản hiện là 84,1 tuổi, thọ hơn đáng kể so với 81,1 tuổi ở Anh; số người cao tuổi đang được trả lương hưu và chăm sóc y tế ngày càng cao.

Ông Abe đã cố gắng giải quyết vấn đề này, thúc đẩy chính sách "Womenomics" giúp nhiều phụ nữ được trao cơ hội ở nơi làm việc và cơ hội "tỏa sáng" trong xã hội.

Mieko Nakabayashi - cựu chính trị gia thuộc đảng Dân chủ đối lập của Nhật Bản, hiện là giáo sư tại Đại học Waseda ở Tokyo - nói rằng: "Quả là có nhiều phụ nữ được tuyển dụng do chính sách của ông Abe, nhưng hầu như họ đều ở những vị trí lương thấp, không có tay nghề cao, vì vậy “Womenomics” chẳng giúp ích cho sự nghiệp của phụ nữ hoặc đưa được nhiều phụ nữ tham gia chính trị hơn".

Tân Thủ tướng Nhật Bản
Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ đối mặt với những thách thức liên quan đến phụ nữ trong nhiệm kỳ mới

"Họ đang hỏi làm thế nào để được "tỏa sáng" khi họ vẫn phải nuôi con, làm việc nhà, chăm sóc người già trong gia đình và vẫn làm công việc bán thời gian với đồng lương thấp", bà nói thêm. "Và đối với nhiều gia đình, ý tưởng sinh hai con trở lên là không thể thực hiện được, chủ yếu là do chi phí giáo dục". 

Nhật Bản xếp hạng 125 trong số 149 quốc gia về các biện pháp trao quyền chính trị cho phụ nữ, một trong những chính sách khác của ông Abe được tuyên bố là tăng tỷ lệ phụ nữ trong Nghị viện 10% năm 2015 lên 30% vào năm 2020. Con số này hiện nay dưới 10% ở Hạ viện và chỉ chiếm 23% trong số 245 ghế ở Thượng viện.

Bà Nakabayashi cho biết: “Đó là một nền văn hóa nam giới thống trị và điều này khiến phụ nữ khó kết nối và xây dựng sự ủng hộ rộng rãi mà họ cần có để đảm nhận nhiều vị trí hơn trong Nội các. Tôi không nghĩ vấn đề này có thể được giải quyết cho đến khi chúng ta có nhiều phụ nữ hơn ở vị trí có sức ảnh hưởng. Chúng ta cần những người phụ nữ thông minh, đồng cảm, tận tâm đưa ra quyết định. Một cách có thể thay đổi vị trí của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản có lẽ là sự xuất hiện của một đảng chính trị toàn phụ nữ. Tôi nghĩ điều đó sẽ là một bước phát triển thú vị trong nền chính trị Nhật Bản và tôi không thấy điều đó là quá xa vời”.

(*)“Womenomics” được Thủ tướng Shinzo Abe phát động tại Nhật Bản trong cam kết thúc đẩy quyền năng của phụ nữ. Sau khi lên nắm quyền lần thứ 2 vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã thi hành một loạt chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và coi đó là trụ cột trong chiến lược phát triển, trong bối cảnh già hóa dân số tại Nhật.

Khánh Vân (theo The Telegraph)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI