Tại sao tôi phải hy sinh làm “ông nội trợ”?

16/02/2017 - 16:00

PNO - Trong xã hội vốn còn nhiều định kiến, một ông bố “giúp vợ chăm con” thì đáng quý, nhưng một ông bố “thay vợ chăm con” thì lại bị xem là lập dị.

Sau khi cưới, vợ chồng tôi thống nhất cả hai cùng có vai trò ngang nhau trong việc nuôi dạy con cái. Chúng tôi có thể chia sẻ công việc, hay thay phiên nhau dạy dỗ con trẻ. Tôi không muốn vợ mình chỉ là người nội trợ, lo chăm con suốt ngày. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao vừa có thể chăm con, tổ chức tốt cuộc sống gia đình nhưng vẫn đảm bảo sự nghiệp của cả hai thăng tiến suôn sẻ.

Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trải qua nhiều gập ghềnh, tôi buộc phải quyết định hy sinh, trở thành một “ông bố nội trợ”, chăm con để vợ mình có thể an tâm tập trung cho sự nghiệp đầy áp lực của cô ấy. Kể thì đơn giản nhưng tôi đã có những  trải nghiệm thú vị để đi đến quyết định nắm giữ vai trò này.

Tại sao toi phai hy sinh làm “ong nọi trọ”?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ban đầu kế hoạch cùng nhau nuôi dạy con và phát triển sự nghiệp có vẻ thuận lợi. Tôi là giảng viên trường đại học, vợ tôi làm kinh doanh. Thu nhập cao nên hai con trai của chúng tôi được gửi vào các trường mầm non tốt, ở nhà có thêm sự hỗ trợ của người giúp việc. Nhờ có sự phân công hợp lý, chúng tôi có thể tổ chức cuộc sống gia đình êm thấm, con cái ngoan ngoãn mà không ảnh hưởng đến công việc, dự án và các chuyến công tác dài ngày.

Nhưng thời gian ấy hai đứa trẻ còn nhỏ. Những năm sau đã nảy sinh nhiều rắc rối. Kế hoạch thay phiên nhau chăm con, nói thì dễ hơn làm. Trách nhiệm công việc của một người không tự thu nhỏ lại khi trách nhiệm của người kia trương phồng lên. Và không phải nghề nghiệp nào cũng như nhau. Thông minh, năng động, vợ tôi nhanh chóng được thăng chức từ trưởng phòng lên vị trí phó giám đốc công ty. Trong khi đó con cái ngày càng lớn, mang theo nhiều thử thách phức tạp hơn.

Các vấn đề của tuổi teen gây áp lực cho cả cha mẹ cũng như con trẻ. Đứa con đầu của tôi gặp nhiều vấn đề ở trường lớp. Ngoài việc vật lộn với chương trình học quá tải, thằng bé còn chơi với những bạn bè xấu, thường xuyên rủ rê trốn học, quậy phá, khiến nhà trường liên tục mời vợ chồng tôi đến làm việc. Nỗ lực hết sức vợ chồng tôi mới có thể kiểm soát được thằng bé. Không thể chạy theo sự nghiệp mà bỏ con chông chênh ở tuổi dậy thì, tôi quyết định đảm nhận vai trò “ông bố nội trợ”, dành thời gian nuôi dạy hai con.

Đừng hiểu lầm rằng vợ tôi không còn tham gia vào việc nuôi con, cô ấy vẫn kết nối chặt chẽ về mặt tinh thần, tình cảm với các con, nhưng tôi mới là người nuôi dưỡng chính: thúc giục các con đi ngủ, gọi dậy vào buổi sáng, quản lý thời gian giải trí, học tập cũng như khuyến khích tụi trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa và quan sát các mối quan hệ của chúng. Tôi là người lùi lại, có thể bỏ công việc để lo cho con trong các trường hợp cần thiết. Vai trò này dĩ nhiên đã gây cản trở lớn đến tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp của tôi. Nhưng với vợ chồng tôi, đó là một quyết định hợp lý.

Tính chất công việc lãnh đạo với những cuộc họp, phỏng vấn đột xuất, công tác xa... của vợ tôi khiến cô ấy khó có thể đảm đương việc chăm lo cho con cái. Trong khi đó, việc chăm con tuy làm chất lượng công việc của tôi giảm xuống đáng kể, nhưng hậu quả không nặng nề so với việc vợ tôi phải bỏ hẳn sự nghiệp. Vả chăng, từ khi yêu nhau ở trường đại học, tôi vẫn đánh giá cao năng lực của cô ấy, sẽ thật đáng tiếc nếu để một người phụ nữ tài năng và có chí hướng phải rời bỏ đam mê của mình. Dù tôi cũng rất tâm huyết với công việc, nhưng quyết định mình làm người nuôi dưỡng chính là lựa chọn hợp lý hơn cả.

Có thể quyết định của tôi là điều hiếm có trong xã hội. Trong các gia đình mà cả hai vợ chồng đều có sự nghiệp riêng, gần như việc chăm sóc, nuôi dạy con đều đổ lên vai người vợ. Họ không thể cạnh tranh được với các đồng nghiệp nam khi phải gánh vác hai trách nhiệm lớn ở nhà và công sở. Vì thế, sự nghiệp của họ bị hạn chế rất nhiều.

Dĩ nhiên nhiều ông chồng cũng giúp vợ chăm con, nhưng chỉ “giúp đỡ” thôi thì không đủ, người chồng phải đóng vai trò chủ đạo trong việc này. Nếu như “đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ”, thì đằng sau người vợ thành công là ông chồng sẵn sàng đóng vai trò người chăm sóc con cái “chuyên nghiệp”. Tôi nghĩ, mục đích khi lựa chọn điều đó không phải những người chồng ủng hộ bình đẳng giới tính, mà vì họ mong muốn thấy vợ mình thành công trong sự nghiệp, dù không phải dễ dàng để quyết định.

Để làm người bố chăm con, làm nội trợ chính trong nhà, là một việc không dễ dàng chút nào. Những trở ngại mà tôi phải đối mặt không đơn giản là trong công việc. Đàn ông thường không được nuôi dưỡng với việc chuẩn bị cho việc chăm sóc con cái. Môi trường làm việc và xã hội cũng không dành sự hỗ trợ cho các ông bố chăm con. Nghĩa là bạn sẽ phải tự học lấy cách chăm con, từ việc nấu ăn thế nào cho hợp với khẩu vị của chúng, đến cách sắp xếp lịch sinh hoạt của gia đình. Trong khi công việc ở cơ quan không kèm theo các đặc quyền như dành cho một người mẹ.

Nhưng khó chịu nhất là những định kiến xã hội mà một người bố chăm con phải gánh chịu. Chỉ riêng ý tưởng một người cha làm “vú em” trong khi người mẹ chịu trách nhiệm chu cấp chính trong gia đình cũng đủ làm nhiều người khó chịu, dù không nói ra. Trong xã hội vốn còn nhiều định kiến, một ông bố “giúp vợ chăm con” thì đáng quý, nhưng một ông bố “thay vợ chăm con” thì lại bị xem là lập dị. Một bà mẹ có thể tìm đến các cuộc hội thảo, các hội nhóm và tổ chức dành cho các… bà mẹ để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, nhưng không có nơi nào như vậy dành cho các ông bố. Tham gia với các hội nhóm như vậy, nếu hên thì họ chào mừng tôi, nếu xui thì tôi phải hứng chịu các lời đàm tiếu sau lưng.

Như lần tham gia tọa đàm “Khi trẻ yêu sớm”, tôi háo hức phát biểu, đưa ra những băn khoăn vì con trai của mình đang để ý cô bạn cùng lớp. Tôi cũng chia sẻ mình đang thay vợ chăm con nên hiểu khá rõ sự thay đổi về tâm sinh lý của trẻ. Thay vì ủng hộ, có mấy chị ngồi phía sau tôi lại xì xào: “Đàn ông vốn khô khan, làm sao nhạy cảm và tinh tế như phụ nữ để nuôi dạy trẻ tốt. Ông này cũng lạ, để vợ đi làm, còn mình làm “vú em”. Sao lạ vậy!”.

Tại sao toi phai hy sinh làm “ong nọi trọ”?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bên lề buổi tọa đàm, khi thấy các chị tụ lại trao đổi thêm chuyện con cái mình, tôi cũng ghé lại, nhưng thay vì trò chuyện về việc nuôi dạy con sao cho tốt hơn, họ lại quay sang vặn vẹo tôi rằng sao không để vợ ở nhà chăm con có tốt hơn không? Đàn ông vốn vụng về, nóng tính lại không chu đáo làm sao chăm con tốt được? Giải thích mấy họ cũng nhìn tôi với ánh mắt dè chừng, thiếu thiện cảm. Trên thực tế cũng không có nhiều người đàn ông khác có hoàn cảnh tương tự để tôi có thể làm bạn.

Tuy vậy, tôi tin rằng hình ảnh một người chồng chăm con sẽ có thể được xã hội chấp nhận. Minh chứng cho việc này là tình cờ trong một sự kiện khi tôi tham gia cùng đồng nghiệp ở các viện nghiên cứu trong một chuyến đi khảo sát. Chủ đề về dinh dưỡng cho con trẻ bỗng dưng chen vào luồng tranh luận. Trước sự ngạc nhiên và thán phục của các đồng nghiệp nam và nữ, tôi đã cho họ thấy một ông bố có thể có kiến thức nuôi con không kém gì một bà mẹ.

Đảm nhận vai trò làm người nuôi dưỡng chính cho con, tôi thấy cũng mang lại rất nhiều lợi ích. Lựa chọn này củng cố mạnh mẽ cho quan hệ vợ chồng. Tôi vẫn có thể dành thời gian cho công việc giảng dạy của mình và đảm bảo sự phát triển của các con, trong khi những thành công của vợ làm tôi tự hào. Đây là một tương tác hai chiều, vợ tôi cũng hiểu thêm và tôn trọng chồng, một sự cân bằng trong hôn nhân mà chúng tôi chưa từng nghĩ mình cần.

Trong thời gian chăm sóc con, tôi đã hình thành được mối quan hệ rất đặc biệt với chúng. Tôi là người đứng sau cổ vũ cho con, là người mà con có thể tin tưởng. Tôi tin rằng cách dạy con cởi mở, thực dụng của một người đàn ông là điều các con tôi cần có. Tôi sẽ không phải tiếc nuối nếu lựa chọn sự nghiệp để đánh mất cơ hội dành nhiều thời gian hơn với con cái.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI