Tái bản "Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé"

30/03/2021 - 12:57

PNO - Tác phẩm "Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé" vừa được tái bản, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ.

Đây là lần thứ ba tác phẩm Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé được tái bản, với số lượng bản in lần này 2.000 bản.

Tác phẩm được nhà xuất bản (NXB) Trẻ in lần đầu vào năm 2005, tái bản lần thứ hai vào năm 2013.

Bìa sách là tranh của họa sĩ Đinh Cường
Bìa sách là tranh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của họa sĩ Đinh Cường - Ảnh: NXB Trẻ

Trong ấn bản mới lần này có bổ sung bộ tranh quý vẽ chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của họa sĩ Đinh Cường. Ngoài ra còn có thêm nhiều tư liệu về hoạt động của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình của học sinh - sinh viên miền Nam. Ấn bản mới có số lượng 190 trang, chưa kể trang bìa – so với bản in đầu là 150 trang.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người bạn thời niên thiếu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông khởi viết bản thảo vào tháng 2/2004. Sách được viết kết hợp nhiều thể loại văn học (truyện ngắn, tản văn, hồi ức…), khắc họa nên bức chân dung đậm nét về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ. Tác phẩm gồm ba chương, mỗi chương đều mang tên bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Dấu chân địa đàng, Tuổi đá buồn và Theo gió cuốn đi.

Chân dung Trịnh của họa sĩ Đinh Cường. Ảnh do gia đình cố họa sĩ Đinh Cường cung cấp
Chân dung Trịnh của họa sĩ Đinh Cường - Ảnh do gia đình cố họa sĩ Đinh Cường cung cấp

Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé như một cuốn phim chiếu chậm ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc đời của Trịnh. Từ năm tháng thơ ấu, những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời, lựa chọn và âm nhạc; từ những ngày còn đi học đến khi có sáng tác đầu tay và những ngày hoạt động âm nhạc sôi nổi; chiến tranh và những góc tối u uất của thân phận; từ những bài nhạc phản chiến đến tình ca….

“Thế giới Trịnh Công Sơn là một vòng khép kín, giống như một lâu đài bằng đá ngày xưa, tĩnh mịch trong rừng, trong đó bằng sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, Sơn thu nhận mọi thông tin về kiếp người và Sơn lơ đãng ngồi ký tên vào từng viên đá. Gần như quán xuyến tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn diễn ra trong cung la thứ, chuyển tải hết cả biến cố của một đời người” – nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được in trong tác phẩm. Ảnh do gia đình cố họa sĩ Đinh Cường cung cấp
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được in trong tác phẩm - Ảnh do gia đình cố họa sĩ Đinh Cường cung cấp

Tác phẩm cũng kể về giai đoạn viết nhạc phản chiến, người nhạc sĩ ấy đã bị sự truy lùng gắt gao của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Những bản nhạc ông viết cho ca sĩ Khánh Ly hát dần bị tịch thu và việc in ấn cũng trở nên khó khăn. Thế nhưng, âm nhạc của ông vẫn đến được với công chúng, vẫn gây chấn động và lóe lên thứ ánh sáng mạnh mẽ cho con người trong những ngày chiến tranh loạn lạc.

Thời kì dạy học ở B’lao (Lâm Đồng), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã cho ra đời hàng loạt các ca khúc: Phúc âm buồn, Chiều một mình qua phố, Gia tài của mẹ, Người hát bài quê hương, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng...

Một tác phẩm khác của họa sĩ Đinh Cường
Một tác phẩm khác của họa sĩ Đinh Cường

Cùng với Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé, dịp này, NXB Trẻ giới thiệu đến bạn đọc các tác phẩm khác do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: Tôi là ai, là ai; Thư tình gửi một người. Hai tác phẩm này cũng thường xuyên được tái bản trong nhiều năm qua. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI