Suy thận ở trẻ em

10/09/2015 - 14:12

PNO - Nhiều người lầm tưởng, chỉ có người lớn mới bị suy thận. Nhưng, điều khó ngờ là ngày càng có nhiều trẻ bị suy thận nhập viện.

 Bác sĩ (BS) Hoàng Thị Diễm Thúy, Khoa Thận - nội tiết Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị suy thận phải chạy thận nhân tạo như: viêm cầu thận cấp gây suy thận mạn, dị tật bẩm sinh tại thận, hội chứng thận hư, và nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Suy than o tre em

Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ

Mẹ một bệnh nhi tâm sự: “Bé phát triển bình thường nhưng đến khi được chín tuổi thì người bị phù, đi lại một chút là mệt. Tôi đưa con lên thành phố khám, phát hiện suy thận giai đoạn cuối. Bé chạy thận một tuần ba lần".

Một trường hợp khác, bé gái 12 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ thó bằng đứa trẻ chừng bảy tuổi. Cứ sau một đợt chạy thận, bé mệt lả. Chăm cháu ở BV, bà ngoại chỉ biết cõng cho cháu đỡ mệt. 95% bé mắc bệnh suy thận bị suy dinh dưỡng.

Tại lớp học dành cho các bé bị suy thận, điều ai cũng nhận thấy là các bé dù 14-15 tuổi, nhưng hầu như không có dấu hiệu dậy thì, người ốm yếu.

Bệnh nhi suy thận thường phải hạn chế ăn ngọt, ăn quá mặn, hoặc chất béo và hạn chế uống nước. Những món ăn (snack, xúc xích, cơm chiên, tôm chiên, gà rán…) mà các bé sức khỏe bình thường có thể ăn bất kỳ lúc nào, thì đối với các bé bệnh thận là những món gần như cấm kỵ.

Trong thời gian chạy thận, bệnh nhi được ăn món yêu thích, nhưng cũng chỉ được một giờ đầu trong suốt ba giờ chạy thận.

Vì sao trẻ bị suy thận?

Ngoài những nguyên nhân như đã nêu, theo BS Diễm Thúy, bệnh thận bẩm sinh khó phát hiện vì các triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh khác.

Cụ thể như: biếng ăn, hay ói, chiều cao không tăng. Khi thấy các triệu chứng này, cha mẹ thường cho con đi khám dinh dưỡng rồi “miệt mài” với các chế độ ăn uống và thuốc bổ, đến khi tìm đến BV thì đã vào giai đoạn suy thận mạn tính.

Cần lưu ý, với bệnh thận bẩm sinh, nguyên nhân phần lớn là do di truyền từ người cha hoặc người mẹ mang gen lặn (cả hai người không bị bệnh thận, nhưng lại có thể truyền cho con căn bệnh này).

Khám thai định kỳ và chẩn đoán tiền sản chỉ phát hiện được bệnh thận ứ nước, chứ không phát hiện được bệnh từ gen. Do đó, nhiều trường hợp đến khi phát hiện trẻ bị bệnh thận, thường đã vào giai đoạn muộn.

Trong thiểu sản thận bẩm sinh, thời điểm khởi phát suy thận mạn thường có hai mốc. Nếu bất thường nặng, trẻ sẽ bị suy thận trước ba tuổi. Nếu vượt qua giai đoạn này, trẻ có thể chung sống hòa bình với bệnh.

Suy thận giai đoạn cuối thường bùng phát ở tuổi dậy thì, lúc các cơ quan trong cơ thể phải làm việc gấp đôi nhằm phục vụ cho quá trình tăng trưởng.

Hội chứng thận hư có các triệu chứng: phù quanh mi mắt, bụng, chân, tiểu đạm, tăng cân… Hiện, Khoa Thận - nội tiết BV Nhi Đồng 2, trẻ bị hội chứng thận hư chiếm tỷ lệ 2/3 trong tổng số khoảng 90 bé. Có khoảng 500 bé điều trị ngoại trú. Nếu điều trị tốt bệnh không diễn tiến đến suy thận.

Tuy nhiên, việc điều trị đòi hỏi phải kiên trì dùng thuốc trên 10 năm. Bệnh khởi phát lúc ba tuổi, đến khoảng 16-17 mới có thể hết. Nếu bỏ điều trị, nguy cơ dẫn đến suy thận rất cao. Điều đáng ngại là không ít phụ huynh khi thấy bệnh tình con tạm ổn định đã vội vàng ngưng thuốc.

Nhiễm trùng tiểu là bệnh với các triệu chứng: sốt, tiểu gắt… Nhiễm trùng tiểu ở trẻ em thường do bé có dị tật đường tiết niệu tiềm ẩn. Mỗi lần nhiễm trùng tiểu sẽ tạo ra sẹo ở thận, khi bị nhiều lần trẻ sẽ bị suy thận.

Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc điều trị bằng kháng sinh, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát hiện dị tật bẩm sinh và bảo vệ thận cho bé. Trong những trường hợp này, phụ huynh nên cho bé đi khám chuyên khoa thận nhi để được điều trị đúng phác đồ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI