“Sóng” ở biển Tây

14/06/2013 - 16:17

PNO - PN - Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (còn gọi là biển Tây) tàu bè tấp nập, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc. Cuộc sống nơi đây luôn nhộn nhịp, nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn… Biển Tây đang trở mình với...

 “Song” o bien Tay 

21 tuổi, Lưu Thị Mi không tin vào hôn nhân bền vững nữa! 

THAY DA…

Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, biển Tây đã hình thành hơn 1.350 nhà máy xí nghiệp, cơ sở chế biến thủy hải sản. Chị Lưu Thị Mi, 21 tuổi, ở khóm 2, nói cả bốn đời nhà chị sống ở vùng đất này. Xưa bà và mẹ chị vá lưới “không công” cho chồng rồi ngồi vò võ chờ chồng mang cá tôm về, đem ra chợ hay ra vựa đổi gạo, mắm. Khi người đàn ông không mang được tôm cá về, phụ nữ phải đi mò ba khía ở Rạch Gốc, Năm Căn, kiếm tiền mua gạo. Thời của Mi đã khác, ngày ngày, Mi vá lưới thuê, thu nhập từ 65.000 đến cả trăm ngàn, đủ lo cơm nước cho ba mẹ con. Chồng Mi đi biển, trúng vụ được chia, thất vụ coi như về tay trắng, Mi vẫn có cái đảm bảo cuộc sống. Nhưng, Mi lo lắng: “Xưa mấy ông đi ghe, về chỉ nhậu. Giờ tàu cặp bến, nhiều ông lần khần chẳng chịu về nhà!”.

Sát nhà Mi, chị Nguyễn Thị Trà, 37 tuổi, có chồng bốn con. Thời gian đầu cũng hạnh phúc nhưng mấy năm nay, mỗi lần anh đi biển về chẳng những không có tiền, mà còn mang bệnh xã hội về lây cho vợ. Má chồng thương con dâu, lần nào cũng móc tiền dành dụm đưa chị đi trị bệnh. Nhưng, chị chữa khỏi tháng này, tháng sau anh lại lây tiếp. Sợ bị chồng lây cả sida, chị Trà quyết ly hôn. Anh Minh - chồng chị, kiếm chuyện đánh vợ một trận tơi bời. Giờ chị Trà ly hôn đã hai năm. Hai con trai theo anh đi biển, chị ở nhà cùng hai con gái, vá lưới nuôi má chồng. Cạnh nhà chị Trà, chị Nguyễn Thị Mười cũng luôn bị anh chồng đánh đập sau mỗi chuyến đi biển về. Chị Mười là tay vá lưới cừ khôi của xóm, mỗi ngày có thể kiếm được gần hai trăm ngàn. Nhưng lần nào chồng về, cũng gây gổ, đánh vợ sưng tay. Anh Mười biện bạch: “Nó ỷ làm ra tiền khi dễ chồng, nên phải đánh”. Tháng 2/2013, chị Mười đưa hai con đi trốn.

Chị Lê Thị Thanh, nhà ở khóm 1, khu kiểm lâm kể: “Phụ nữ chúng tôi quá chán mấy ông chồng quanh năm đi biển, rời tàu ra là nhậu, coi vợ con không ra gì. Giờ không cần mấy ổng, chúng tôi vẫn sống được!”. Nhiều người vợ ở biển Tây cũng có suy nghĩ đó. Các chị cho biết, cuộc sống giờ là bình đẳng, chồng tốt thì sống, không tốt thì chia tay, tìm cuộc sống mới. Xưa cả khóm mấy chục năm nhà nào cũng chồng kèo vợ cột, giờ mới đi vài nhà đã thấy cảnh rổ rá cạp nhau, thấy phụ nữ đơn thân chỉ vì “quyết” đi tìm “bình đẳng”.

“Song” o bien Tay

Chị Nguyễn Thị Trà - một nạn nhân của bạo lực gia đình ở biển Tây

…XÉ THỊT!

Nhưng, không phải ai cũng nghĩ vậy. Ông Lê Văn Quang, trưởng khóm 1 nói: “Mỗi năm ở khóm có đến vài vụ ly hôn. Năm 2012, có bốn vụ thì trong đó hết hai chị bỏ nhà đi vì không chịu nổi cách sống của chồng! Bình đẳng là một khái niệm tốt, nhưng trong những trường hợp cụ thể ở Sông Đốc này, sự rạch ròi trong quan hệ vợ chồng, theo tôi là coi chưa được. Nhiều em gái trẻ lấy chồng một, hai năm hễ giận một tí là bỏ về nhà mẹ đẻ. Cậy làm ra đồng tiền, khi có chuyện cần chút hy sinh là nhiều em đã thoái lui. Đâu rồi đức tính chịu đựng, hy sinh của người phụ nữ? Nhiều người đàn ông xứ này giờ cũng chẳng coi trọng gì chuyện giữ nếp nhà!”.

Để chứng minh, ông Quang đưa chúng tôi đến thăm những người đàn ông bị vợ bỏ. Anh Võ Đức Cường, nhà ở xóm Cháo, ngao ngán kể: “Tự dưng đang chung sống vui vẻ, bà ấy đòi ly hôn để đi lấy chồng Đài Loan. Thấy người cạn tình nghĩa, tôi cho đi luôn!”. Cạnh nhà anh Cường, anh Nguyễn Văn Thắng cũng bị vợ bỏ đi lấy chồng nước ngoài. Anh Thắng “tự kiểm”: “Tôi chỉ ham nhậu, chứ có làm gì bả đâu, tại bả muốn bỏ nên kiếm cớ. Bao nhiêu người đàn ông xứ này nhậu, đâu riêng mình tôi?”. Khi hỏi vặn các anh về trách nhiệm với gia đình như chuyện cơm nước, nhà cửa… anh nào cũng nói "việc đó của đàn bà…”.

“Song” o bien Tay

Chín tuổi, bé Phạm Bảo Trâm vừa biết bồng em, vừa giỏi nghề vá lưới

Sự phát triển của cảng cá tôm ở vùng Sông Đốc khoảng 10 năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Cứ mỗi tháng hai lần nước ròng, hay gió biển thổi mạnh, tàu thuyền lại tấp vào trú ẩn. Nhiều phụ nữ từ xứ khác theo tàu ghe cặp bến, xí phần “vá lưới” trên thuyền của phụ nữ địa phương. Không biết họ có vá lưới thật không hay lên tàu làm việc gì, nhưng chị em từ nơi khác tới áo quần lượt là, xinh đẹp, cuốn hút các ông, dù tàu cặp bến một hai ngày vẫn không chịu về nhà! Bà Lê Thanh Bình - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Đốc nói: “Chị em mình nhận vá lưới ở xưởng, tiền công chỉ vài chục đến trăm ngoài, nhưng phụ nữ nơi khác lên tàu thuyền, số tiền gọi là “vá lưới” họ khoe lên đến hai ba trăm ngàn… Do vậy, nhiều chị em cũng đua đòi ăn mặc, trang điểm, theo lên ghe “vá lưới”, làm sao gia đình không tan vỡ. Hai năm qua, đã có hơn chục nhà gả con gái lấy chồng nước ngoài hy vọng đổi đời nhờ con. Làn sóng này đang tăng dần ở thị trấn”.

Đáng lo hơn là cứ đua nhau kiếm tiền, dân biển Tây không mảy may quan tâm đến chuyện học hành. Trẻ con Sông Đốc, tới tuổi học, được chính quyền địa phương nỗ lực “lùa” tới trường, nhưng chỉ học đến lớp 3, lớp 4, con gái cầm cây kim vá lưới rành, con trai có thể chống sào, theo ghe ra biển là coi như trường học mất học trò. Vì tiếc khoản tiền công mà con cái có thể làm ra ngang bằng với mình trong một ngày vá lưới, lựa tôm hay đi biển, nhiều bà mẹ đã lơ chuyện học của con. Vì thế, cái giàu có, trù phú của Sông Đốc, nói như bà Thanh Bình, chỉ là bề nổi, là chưa có “căn cơ”, vẫn còn những xóm nhà lá rách nát, tạm bợ như khu kiểm lâm.

Sự nôn nóng đổi đời đã làm tan nát bao mái gia đình ở biển Tây. Theo số liệu của TAND huyện Trần Văn Thời, trong bốn năm qua, mỗi năm địa phương này tăng gần 100 vụ ly hôn, trong đó, 35% vụ việc thuộc về cư dân thị trấn Sông Đốc (trên tổng số 13 xã, thị trấn của huyện). Nhiều giá trị gia đình bị đảo lộn. Sự học hạn chế, nhận thức lệch lạc về sự bình đẳng... đã khiến nếp nhà ở biển Tây lung lay, đang là một thách thức với những người làm công tác xã hội, đoàn thể của địa phương.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI