Sau cơn bạo bệnh

21/11/2018 - 12:00

PNO - Người ta hay nói, đời người cần nhất là sức khỏe, nhưng một khi tai nạn hoặc bệnh tật ập đến bất ngờ, sức khỏe không còn, điều gì sẽ neo bạn lại, để không nghĩ mọi thứ đã chấm hết?

Tất cả đều sẽ ở lại (hoặc sẽ trở lại) nếu ta còn một mối chân tình đủ lớn làm điểm tựa. Nếu ngay cả điểm tựa cũng không có thì bạn cũng chớ vội buông xuôi, còn chỗ dựa chắc chắn và không bao giờ phản bội lại mình: chính mình.

Sau con bao benh
 

Chị Nhật Linh có một gia đình nhiều người mơ ước: công việc ổn định và không quá áp lực, một cậu con trai lanh lợi và tình cảm, chồng chị có một công ty nhỏ khá thành công. Ngoài công việc, anh chỉ dành thời gian cho đam mê nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm, tìm hiểu văn tự cổ, đàm đạo Phật pháp và thỉnh thoảng chén tạc chén thù với bạn bè. Chị Linh thấy chồng có sở thích lành mạnh, văn minh nên rất hài lòng. Chị ủng hộ anh bằng cách chu toàn hết việc nhà. Chị chăm con, dạy con đâu ra đó, khiến anh rất an tâm. Anh chỉ việc đi làm, kiếm tiền, còn việc vun vén hạnh phúc cho tổ ấm đã có vợ lo. Mỗi lần bạn bè đến thăm đều khen nhà xinh, cơm ngon, không gian ấm cúng. Anh chị đều vui.

Rồi một ngày, chị phát hiện bị ung thư tuyến giáp. Bác sĩ khuyên nên xạ trị sớm. Ung thư tuyến giáp thuộc loại nhẹ nhất trong các loại ung thư, nhưng giai đoạn xạ trị thì bệnh nhân phải ở trong phòng cách ly, phải chịu đựng sự khó chịu, vật vã. Quan trọng hơn cả là chế độ ăn uống phải kỹ lưỡng. Tốt nhất là phải ăn chín uống sôi, nguyên vật liệu phải sạch, phải tươi, chế biến không được nêm nếm nhiều... Lúc này thì mọi thứ trong gia đình đảo lộn.

Nhà neo người, không thể nhờ ai giúp, cũng không thể đặt cơm ngoài, anh phải tự đi chợ, loay hoay nấu nướng và dạy con học hành. Những việc ấy đều là lần đầu nên anh rất căng thẳng, mọi thứ cứ lộn tùng phèo. Chị Nhật Linh càng thấy thương chồng, vì anh vừa phải giải quyết công việc ở công ty vừa phải lo nội trợ. Chị thấy hình như lâu nay mình thương chồng không đúng cách - không để cho anh làm việc gì trong nhà nên ngay cả việc đơn giản như bấm nút máy giặt anh cũng không biết, không biết cách rã đông nguyên liệu để nấu ăn. Anh cảm thấy mọi thứ quá khó khăn mà nhà cửa vẫn ngổn ngang. Chị Linh nhận ra, tập cho người đàn ông biết nấu nướng và làm việc nhà chính mới là thương yêu họ. Họ sẽ tự biết cách chăm sóc bản thân khi không có mình bên cạnh. Đó cũng là cách giúp người đàn ông biết cách chăm sóc người họ thương. Sau bệnh tật, chị quyết định huấn luyện chồng và con trai làm việc nhà.

Sau con bao benh
Ảnh minh họa

 Thế nhưng, khi tỉnh lại trên giường cấp cứu, với cánh tay không thể cử động và toàn thân bầm giập, anh chỉ nhìn thấy mỗi người vợ vừa khóc vừa mếu máo: "Rồi anh sẽ khỏe lại, có em đây". Những tháng ngày sau đó, cũng chỉ có vợ bên cạnh chăm sóc anh, giúp anh tập vật lý trị liệu. Bạn bè có đến thăm hỏi cho biết tình hình, nói vài câu chia sẻ suông, chứ có ai hằng ngày cơm bưng nước rót, có ai an ủi, cười đùa cho anh phấn chấn tinh thần, lạc quan mà tập luyện để hồi phục.

Anh Thanh Phong cũng từng trải qua vụ tai nạn thập tử nhất sinh do đi nhậu về khuya, không làm chủ được tay lái. Anh vốn rất quý trọng bạn bè. Sau giờ làm hoặc cuối tuần, ai hú đi đâu cũng đi. Anh giao con cho vợ và giao vợ cho… vợ tự quản, anh chẳng quan tâm. Anh luôn sợ bạn bè mất vui, mất lòng, luôn nghĩ bạn bè chính là niềm vui và bạn bè đem lại nhiều cơ hội làm việc; còn vợ con có không vui hay không hài lòng thì vẫn là vợ, chẳng thay đổi được; buồn giận vài hôm rồi cũng làm lành thôi.

Qua tai nạn, anh thấy đời mình quan trọng nhất là sức khỏe. Khỏe thì mới có thể kiếm tiền. Khỏe để bảo vệ và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho vợ con, người thân. Còn đối với bạn bè, anh hạn chế ở mức chừng mực, để không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Cơ hội làm việc tất nhiên cũng quan trọng, nhưng đó không còn là ưu tiên số một để anh phải bất chấp chạy theo, đánh đổi cả hạnh phúc. Anh cũng đã bắt đầu thu xếp lại đời mình: tinh giản, loại bớt những gì không quan trọng và hướng sự chú ý vào gia đình, vợ con, cha mẹ. Nhìn hình ảnh vui tươi, phấn khởi của họ, anh cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.

Khi tai nạn, bệnh tật ập đến, ta thường cảm thấy sao bản thân mình xui xẻo, lắm lúc trách đời, chán người; nhưng một khi đã bước qua, có thể chúng ta sẽ cảm ơn biến cố ấy, vì đã giúp bản thân nhận ra đâu mới là điều quan trọng trong đời mình, thức tỉnh mình kịp thời để sống tiếp một cách đúng đắn và an vui. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI