Quốc hội Ấn Độ cáo buộc chính phủ phản ứng chống dịch yếu kém

18/04/2021 - 09:51

PNO - Quốc hội Ấn Độ hôm 17/4 cáo buộc chính phủ nước này không cung cấp đủ nguồn vốn cho các chính quyền bang “đang chiến đấu giữa hai mặt trận - chống dịch và chống suy thoái kinh tế”, mặc dù quỹ hỗ trợ nạn nhân COVID-19 của Thủ tướng - PM CARES Fund - đang quản lý hàng tỷ rupee.

Quốc hội Ấn Độ cáo buộc chính quyền Modi quản lý yếu kém trong cuộc khủng hoảng COVID-19 - Ảnh: Business Today
Quốc hội Ấn Độ cáo buộc chính phủ nước này quản lý yếu kém trong cuộc khủng hoảng COVID-19 - Ảnh: Business Today

Ủy ban Công tác (CWC) của đảng Quốc đại Ấn Độ (INC), chính đảng đối lập lớn nhất ở Ấn Độ, đã lên tiếng cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ứng phó yếu kém khi bùng nổ làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19. CWC nói rằng, mặc dù đã nhận được cảnh báo đầy đủ từ các chuyên gia và bài học cụ thể của một số quốc gia châu Âu và Đông Nam Á, nhưng chính phủ đã “không có biện pháp chuẩn bị” để đối phó với làn sóng thứ 2 của đại dịch.

CWC cho biết chính phủ đã không tạo ra được nhận thức đầy đủ trong công chúng rằng đại dịch tạm lắng có thể là dấu hiệu báo trước cho một làn sóng thứ 2, tàn khốc hơn làn sóng đầu tiên. Chính phủ cũng không nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất và cung cấp hai loại vắc-xin đã được phê duyệt ở Ấn Độ bằng cách cung cấp đủ nguồn vốn và các điều kiện ưu đãi cần thiết khác.

Tuyên bố hôm 17/4 của CWC cho biết chính phủ đã không sử dụng việc cấp phép và sản xuất bắt buộc hai loại vắc-xin đã được phê duyệt cho các cơ sở sản xuất dược phẩm khác ở Ấn Độ và không phổ cập tiêm chủng sau khi các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu đã được tiêm vắc-xin trong giai đoạn I.

Bất chấp nguy cơ lây lan của virus COVID-19, những tín đồ Ấn giáo sùng đạo vẫn tập trung trên bờ sông Hằng trong ngày lễ Kumbh Mela, còn gọi là lễ hội Pitcher - Ảnh: Reuters
Bất chấp nguy cơ lây lan của virus COVID-19, nhiều người vẫn tập trung trên bờ sông Hằng trong ngày lễ Kumbh Mela, còn gọi là lễ hội Pitcher - Ảnh: Reuters

Quốc hội cũng cáo buộc chính phủ đã không cung cấp đầy đủ ngân quỹ cho “chính quyền các bang đang căng mình chiến đấu trên hai mặt trận - chống dịch và chống suy thoái kinh tế - mặc dù chính phủ đang nắm trong tay hàng tỷ rupee của Quỹ PM-CARES “không công khai”.

Ủy ban CWC cho rằng chính phủ lẽ ra phải cho phép chính quyền bang và các bệnh viện công cũng như tư xử lý việc triển khai tiêm chủng. Chính phủ đã thất bại trong việc ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm thiểu sự lãng phí liều lượng vắc-xin đang ở mức hơn 2.300.000 liều như hiện nay; không duy trì được quy mô và đà thử nghiệm, theo dõi và truy vết người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc với họ; không cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vắc-xin khác đã được phê duyệt ở Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản; không cho phép nhập khẩu các loại vắc-xin khác đã được phê duyệt (được sản xuất ở các quốc gia khác) để tăng nguồn cung vắc-xin.

Ủy ban cũng đổ lỗi cho chính phủ đã không áp dụng việc phân bổ liều vắc-xin dựa trên nhu cầu, công bằng và hợp lý cho các bang khác nhau. "Chúng tôi rất tiếc phải nói rằng đất nước đang phải trả một cái giá quá đắt cho sự thiếu suy nghĩ và thiếu chuẩn bị của chính phủ Liên minh Quốc gia Dân chủ (NDA) trong việc giải quyết thảm họa nặng nề nhất đang xảy ra trên đất nước và ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình, cướp đi sinh mạng của 1.75.673 người Ấn cho đến nay.

Thật hổ thẹn cho một đất nước có năng lực sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới bị chê bai vì nằm trong số các quốc gia bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Nếu không có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, đất nước này sẽ đối mặt với thảm họa chưa từng có".

Hoàng Diệu (theo Business Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI