Phụ nữ Úc cần hơn 200 năm để đạt được bình đẳng thu nhập với nam giới

05/12/2022 - 14:48

PNO - Theo báo cáo “Thống kê Tình hình Sức khỏe và Phúc lợi của Phụ nữ: Hướng tới sự bình đẳng cho nữ giới” vừa được công bố ngày 5/12, phụ nữ Úc có sức khỏe kém hơn, mức thu nhập thấp hơn và ít có cơ hội tham gia vào lực lượng lao động hơn nam giới.

 

Nữ giới Úc bị căng thẳng tinh thần hơn nam giới, với tỷ lệ tăng mạnh ở phụ nữ trong khung tuổi 18-24 và 55-64, từ năm 2011
Nữ giới Úc bị căng thẳng tinh thần hơn nam giới, với tỉ lệ tăng mạnh ở phụ nữ trong độ tuổi 18-24 và 55-64

Báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Cải thiện Sức khỏe Monash (MCHRI), trực thuộc Đại học Monash (thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc), chỉ ra rằng với tốc độ hiện tại, “sẽ phải mất 70 năm để đạt được mục tiêu bình đẳng giới về việc làm toàn thời gian và hơn 200 năm để đạt được bình đẳng giới về thu nhập.”

Nghiên cứu cho thấy, vào năm 2020, khoảng chênh lệch giới tính tới 19 % trong việc làm toàn thời gian, nam giới Úc sở hữu thu nhập hàng năm cao hơn nữ giới là 23.767 AUD, sự bất bình đẳng về lương hưu lên tới 44.746 AUD. Cũng theo số liệu năm 2020, sức khỏe nữ giới kém hơn nam giới trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm sức khỏe tâm thần, hoạt động thể chất và xã hội, cùng với nỗi đau thể xác.

Năng lực xã hội, khả năng cảm xúc và thể chất của nữ giới Úc đã suy giảm từ năm 2001 đến năm 2020, liên quan đến sự bất bình đẳng về tài chính. Từ năm 2011 đến nay, phụ nữ nước này bị căng thẳng tâm lý nhiều hơn nam giới, với tỉ lệ tăng mạnh ở phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 24 và từ 55 - 64. Có tới 2,7 triệu phụ nữ Úc không tham gia lực lượng lao động, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này 72 tỉ AUD trong GDP hàng năm, đồng thời dẫn đến mức tích lũy hưu bổng trọn đời của nữ giới thấp hơn nam giới.

Giáo sư Helena Teede - Giám đốc của MCHRI - đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết: “Năng suất lao động của chúng tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tác động đáng kể do dịch vụ chăm sóc trẻ em ở Úc gây ra, bởi vì Úc sở hữu một trong những hệ thống phúc lợi trẻ em đắt đỏ nhất trên thế giới.” Bà Teede giải thích: “Hiện tại, ở Úc, việc lập gia đình hầu như không ảnh hưởng đến thu nhập của người đàn ông hoặc con đường sự nghiệp của họ; nhưng lại tác động nặng nề đến phụ nữ.”

Theo bà Teede, các nhà hoạch định chính sách nước này đang dần nhận ra sự cần thiết phải giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, qua sự kiện Chính phủ liên bang Úc vừa thông báo kế hoạch tăng thời gian nghỉ phép có lương cho các bậc phụ huynh từ 18 lên 26 tuần trong năm 2026, cũng như cuộc đại tu giáo dục mầm non của bang New South Wales và bang Victoria.

Tuy nhiên, bà Teede kêu gọi các cơ quan hữu trách phải hành động nhiều hơn nữa một cách có hệ thống, đặc biệt trong việc hỗ trợ phụ nữ lớn tuổi. Bà cho biết: “Phụ nữ Úc sống rất lâu sau khi nghỉ hưu, trong khi họ thường mắc nhiều bệnh mãn tính. Đáng chú ý là họ có nguồn tài chính thấp hơn nhiều khi họ già đi.” MCHRI đang kêu gọi thành lập 1 viện cấp quốc gia tập trung vào sức khỏe, phúc lợi và bình đẳng của phụ nữ.

Báo cáo của MCHRI chủ yếu dựa theo dữ liệu thống kê lấy mẫu đại diện trên toàn nước Úc, từ cuộc khảo sát hàng năm về Hộ gia đình, Thu nhập và Động lực Lao động. Dữ liệu chỉ cập nhật đến năm 2020. Bà Teede cảnh báo rằng các thống kê tương tự trong tương lai sẽ chỉ ra “hậu quả tàn khốc và bất đối xứng của COVID-19 đối với phụ nữ sẽ khiến sự bất bình đẳng càng trở nên tồi tệ hơn”.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI