Phong cách phái mạnh trong mắt phái yếu

10/11/2015 - 07:57

PNO - Cái nhìn của vợ với chồng rất quan trọng. Ngoài việc tạo dựng giá trị cho chồng, cái nhìn đó còn làm tiền đề cho những đứa con nghĩ về người cha.

Đã nhiều năm rồi, tôi vẫn ám ảnh bởi chuyện của một đôi vợ chồng quen biết. Chồng là công chức, vợ là một giám đốc thành đạt. Những khi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, người vợ luôn nói về chồng một cách ấn tượng “bốn rưỡi tan sở, năm giờ kém mười lăm có mặt ở nhà!”.

Rõ ràng, đó là một ông chồng chỉn chu và hiền lành, không la cà tụ tập bia bọt. Hành trình quen thuộc của ông chồng chỉ là đoạn đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Thế nhưng, dưới thái độ nhìn nhận của người vợ, ban đầu câu nói kia có hàm ý khen ngợi, rồi chuyển sang xu hướng chán ngán và dần mang màu sắc mỉa mai.

Phong cach phai manh trong mat phai yeu
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Tôi hiểu, với công việc của người vợ, mỗi ngày tiếp xúc bao nhiêu quý ông sang trọng, hào hoa thì cũng dễ xao lòng khi nhìn lại người chồng ngày qua ngày chỉ quẩn quanh một lối sống đơn giản.

Vài lần, có dịp gặp gỡ cả hai vợ chồng, tôi thấy ánh mắt anh thoáng buồn khi chị nhắc đi nhắc lại cái câu “bốn rưỡi tan sở, năm giờ kém mười lăm có mặt ở nhà”.

Vẻ cười cợt bông lơn của chị như ngấm ngầm chê bai rằng khi chồng người mặc comple bàn bạc dự án tiền tỷ thì chồng mình chỉ hứng thú với cách luộc rau muống sao cho ngon, rằng khi chồng người lái xe hơi bóng loáng thì chồng mình mân mê remote tìm kiếm các chương trình giải trí trên ti vi, rằng khi chồng người ba ngày một tiệc nhỏ năm ngày một tiệc lớn thì chồng mình an phận cơm canh thường nhật… Tôi hiểu thêm, dù cả hai không ai có lỗi gì, nhưng giữa họ đã xuất hiện một khoảng cách vô hình, vừa hững hờ, vừa lạnh lùng, vừa éo le.

Có lẽ sự chịu đựng lâu ngày đã khiến người chồng phát sinh phản ứng tiêu cực. Một buổi chiều, thay vì tan sở về nhà, anh cùng một cô gái lạ đi vào khách sạn. Sau khi thuê phòng, anh chủ động gọi điện cho… công an đến lập biên bản về hành vi mua bán dâm.

Bất ngờ hơn, anh không đưa giấy tờ tùy thân mà yêu cầu: “Đề nghị các anh liên hệ với bà X - giám đốc công ty Y, là vợ tôi, để bảo lãnh tôi!”. Chị đến, im lặng làm các thủ tục cần thiết giải quyết vi phạm hành chính cho chồng.

Tôi không biết vụ “mua bán dâm” trớ trêu đó có khiến người vợ tẽn tò không và có khiến người chồng đắc chí không, chỉ biết không lâu sau đó họ ly hôn. Một đoạn kết không có hậu của một cuộc hôn nhân từng rất hạnh phúc đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều về phong cách phái mạnh trong đánh giá của phái yếu.

Ở đời, chẳng ai hoàn hảo. Mỗi người đàn ông có một quan niệm sống riêng và một cá tính riêng để tồn tại. Khi lấy nhau, sự ràng buộc giữa vợ chồng là phải chấp nhận và tôn trọng phẩm chất vốn có của nhau.

Tôi cho rằng, người vợ muốn thay đổi chồng đã là một điều khiên cưỡng, so sánh chồng với người khác thì lại càng tệ hại hơn. Thật tuyệt vời nếu người vợ có cách giúp chồng tránh xa sự đồi bại và khước từ sự bất lương.

Thật vớ vẩn, nếu người vợ khuyên chồng đừng đọc sách mà đi đánh golf cho ra vẻ thượng lưu, hoặc đừng ca vọng cổ mà nghe nhạc jazz cho giống thiên hạ. Mỗi người đàn ông đều có một chuẩn mực thẩm mỹ để bày tỏ đam mê và có một biên độ nhất định để phát triển khả năng.

Người vợ càng có sự nghiệp thì càng có đòi hỏi cao đối với người chồng. Thế nhưng, đức hạnh cao cả nhất và đẹp đẽ nhất của người vợ là sự thấu hiểu và sẻ chia cùng người đầu ấp tay gối: “Chồng em áo rách em thương. Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Cái nhìn của vợ đối với chồng rất quan trọng. Ngoài việc tạo dựng giá trị và sự tôn nghiêm cho chồng, cái nhìn của vợ còn làm tiền đề cho những đứa con nghĩ về người cha. Với một người vợ tốt, đồng thời là một người mẹ tốt, thì mai sau những đứa con sẽ thấy một ông bố hùng biện trước đám đông và một ông bố lặng lẽ tỉa cây cảnh, đều đáng kính trọng như nhau!

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI