PNO - PN - Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân sống với nhau không chỉ bằng tình yêu như thời trẻ mà còn bằng “mùi vị vợ chồng”. Những kỷ niệm tình yêu dù vui hay buồn, dù ngọt ngào hay cay đắng vẫn là những vết khắc trong tâm tưởng mỗi...
Tiếng sét tình yêu và 11 năm chờ đợi
Năm 1982, nhà văn Dạ Ngân mới 30 tuổi, trong khi nhà văn Nguyễn Quang Thân đã ở tuổi 47. Họ gặp nhau tại trại sáng tác văn học ở Vũng Tàu. Mỗi người đều đang có nỗi buồn riêng về gia đình và mang nhiều nỗi niềm tự vấn về thế sự. Lúc ấy, chưa ai đọc tác phẩm của ai. Chị chỉ nghe nói anh là tác giả của truyện ngắn Người không đi cùng chuyến tàu - một truyện ngắn đã bị “đánh” từ năm 1980. Lần đầu tiên nhìn thấy chị, không hiểu điều gì đã khiến anh như gặp tiếng sét, lập tức anh nghĩ “ước gì người phụ nữ này là vợ mình”. Một buổi chiều, chị xuống tắm biển một mình. Mấy người bạn cùng trại sáng tác khích anh: “Ông Thân có dám xuống tắm với Dạ Ngân?”. Anh không ngần ngại quay trở xuống biển dù vừa mới tắm lên… Kể từ hôm đó, anh luôn tìm cách “tiếp cận” chị mọi lúc mọi nơi. Chị bị cuốn hút bởi sự từng trải, kiến văn, cái duyên dáng của ngôn ngữ, vẻ mạnh mẽ đầy nam tính, giọng đọc thơ thật nồng ấm và có lẽ cả tài bơi lội của anh nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng làm chị cảm động chính là tình yêu mãnh liệt và cháy bỏng của anh - một “từ trường tình yêu” khiến chị không thể cưỡng lại được. Nhưng, chị vẫn nói với anh: “Em không chấp nhận kiểu tình yêu mà không đi đến đâu”. Anh thành thật: “Em hãy cho anh thời gian…”.
Kể từ buổi đầu gặp gỡ đó, họ đã đợi chờ nhau ròng rã suốt 11 năm. Chị ở Cần Thơ, anh ở Hải Phòng. Mỗi năm họ chỉ có thể gặp nhau một lần, hoặc anh từ Hải Phòng vào Cần Thơ, hoặc chị đánh đường ra với những “cái trạm” của bạn bè Hà Nội. Bao nhiêu nhớ thương gửi hết vào những lá thư, những bức điện tín. Đến giờ, chị vẫn giữ một “kho” gồm 99 lá thư của anh và 99 bức thư của chị. Mười một năm chờ đợi, biết bao thị phi, ngột ngạt…, chị vẫn luôn xác tín một tình yêu, đơn giản vì chị hiểu tình yêu anh dành cho chị quá lớn, quá mãnh liệt và chính mẹ anh cũng ủng hộ tình yêu đó.
Mãi đến năm 1993, anh chị mới chính thức về với nhau khi các con riêng của anh và các con riêng của chị đều đã lớn. Không muốn con cái buồn, anh chị không tổ chức cưới mà chỉ đeo nhẫn vào tay nhau, làm thủ tục đăng ký kết hôn và phát 50 tấm thiệp báo hỷ cho những người thân.
Tư lệnh và chính ủy
Từ trước khi anh chị chính thức về với nhau, mỗi người đều đã chuẩn bị tâm lý cho các con riêng của mình, để các con không bị sốc. Nhờ vậy, các con hiểu và cũng mong hai người đến được với nhau. Khi đã nên vợ nên chồng, lại là một quá trình anh chị phải bộc lộ những phẩm chất vốn có của mỗi người mà các con linh cảm được. Với hai con riêng của chị, anh đã trở thành người cha thực sự - “một người cha có hương vị”. Chị càng kỳ công hơn trong việc gần gũi ba con riêng của anh. Quan trọng là anh chị luôn công bằng với tất cả các con. Các con riêng của anh và của chị cũng đã rất thương yêu nhau.
Chị sống với họ hàng của anh bằng tất cả tấm lòng. Chị đã hòa nhập vào đại gia đình của anh, trở thành một nhân tố lạ và vui trong đại gia đình ấy. Đã mươi lần chị về cùng anh tận Hương Sơn, Hà Tĩnh giữa mùa gió Lào dự lễ giỗ tổ họ Nguyễn Quang, một lần có cả vợ chồng Thu Uyên, con gái của chị.
Vợ chồng cùng là nhà văn thì có gì thuận lợi, có gì khó khăn? Làm thế nào có thể dung hòa được hai cái-tôi-nhà-văn trong cùng một mái nhà? Chị bộc bạch: cùng là nhà văn, vợ chồng có thể nói với nhau về mọi chuyện, mọi đề tài vào bất cứ lúc nào; có thể thường xuyên cho nhau những phát hiện trong ý nghĩ của mình; có thể đọc liền nhau, chung nhau một cuốn sách… Những khó khăn khi hai vợ chồng cùng là nhà văn là cái tôi của mỗi người quá mạnh; đã vậy, nhà văn nữ thì giàu chữ nghĩa mà thiếu khiêm nhường, đôi khi cay độc, sẵn sàng tranh luận với chồng. Thêm nữa, nếu nội tâm đàn bà vốn đã phức tạp hơn đàn ông thì nội tâm nhà văn nữ lại là “phức tạp của phức tạp”. Một điều đáng lưu ý nữa là khi quan niệm về nghề nghiệp mạnh thì trong gia đình tự nhiên sẽ hình thành hai ốc đảo… Để hóa giải, dung hòa, người chồng cần phải tin cậy vào nội tâm phức tạp của vợ; đồng thời người vợ phải ý thức, cho dù viết văn thì mình cũng vẫn là người phụ nữ của gia đình - người phụ nữ đó cần có trí tuệ, đảm lược và cả sự hy sinh để có thể chu toàn cả việc viết văn và vai trò làm vợ, làm mẹ. Một nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ là người này đừng có nhảy bổ vào trang viết của người kia. Mỗi người cần có phòng làm việc riêng, kể cả nằm riêng và khi người này có nhu cầu viết cái gì dài dài thì người kia phải tôn trọng sự đơn độc của người đang hành xác đó.
Anh chị thật sự đã có sự hỗ trợ nhau về chuyên môn. Anh có kiến văn rộng và bộ nhớ cực tốt… Chị cần gì liên quan đến lịch sử, đến ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh cứ hỏi anh. Anh muốn biết về văn hóa, con người, phương ngữ… của vùng đất Nam bộ, cứ hỏi chị. Anh chị đọc tác phẩm của nhau, thẳng thắn nhận xét, khen và chê. Gần đây, anh chị thường tranh luận về vấn đề nhà văn cần dấn thân như thế nào trong thời điểm hiện tại… để cuối cùng đi đến sự thống nhất về thái độ sống.
Chị tự nhận, giữa hai người thì chị là người ôn hòa, chiều chuộng và nhường nhịn anh nhiều hơn. Tuy nhiên, chị vẫn là người “cầm trịch” - “cầm trịch” một cách có nghệ thuật để anh không nhận thấy vợ đang “cầm trịch”. Tóm lại, nếu anh là tư lệnh thì chị phải là chính ủy.
***
Năm nay nhà văn Nguyễn Quang Thân đã 78 tuổi, nhà văn Dạ Ngân cũng vừa bước qua tuổi sáu mươi. Sau 11 năm yêu trong cách trở, họ đã có được 20 năm hôn nhân, có 10 cháu nội, ngoại. Ở mỗi người đã xuất hiện sự trái tính trái nết của tuổi già để bà phải biết thể tất nhiều hơn về giờ giấc sinh hoạt của ông và ông biết im lặng nhiều hơn những khi bà cáu gắt. Ông bà sống với nhau không chỉ bằng tình ái như thời trẻ mà còn bằng “mùi vị vợ chồng”. Những kỷ niệm tình yêu, dù vui hay buồn, dù ngọt ngào hay cay đắng vẫn là những vết khắc trong tâm tưởng mỗi người. 31 năm về trước, khi mới yêu ông, trong mắt bà, ông là “người đàn ông hấp dẫn và nguy hiểm”. Bây giờ, 31 năm sau, với bà, ông vẫn là “người đàn ông đáng yêu” và bà vẫn mê nghe ông đọc thơ tình. Ông vẫn thường nói: “Dạ Ngân là phần thưởng trời ban cho tôi”. Người viết bài này nghĩ thêm: ông cũng là phần thưởng trời ban cho bà. Sau bao cay đắng, truân chuyên, lầm lạc, họ đã tìm thấy nhau để tình yêu mãi đẹp như cuộc sống vốn không bao giờ hết những điều tươi đẹp.
Nguyễn Diễm
* Nhà văn Dạ Ngân là tác giả của tám tập truyện ngắn, bốn tiểu thuyết và truyện dài, năm tập tản văn, hai kịch bản phim truyện nhựa. Các giải thưởng: giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004; giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2005.
* Nhà văn Nguyễn Quang Thân là tác giả của 15 tập truyện ngắn, sáu tiểu thuyết, hai kịch bản phim truyện nhựa. Các giải thưởng: giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1985; giải A cuộc thi tiểu thuyết lần III Hội Nhà văn Việt Nam 2007 - 2011; giải A kịch bản phim Một ngàn năm Thăng Long.
* Trang web của hai người: http://sites. google.com/site/vanhocfamily.