Pakistan cấm kiểm tra trinh tiết đối với phụ nữ và nạn nhân bị cưỡng hiếp

06/01/2021 - 17:53

PNO - Tỉnh đông dân nhất Pakistan đã có lệnh cấm kiểm tra trinh tiết đối với những nạn nhân bị hãm hiếp trong phán quyết được cho là mang tính bước ngoặt. Đây cũng là phán quyết đầu tiên đứng về những nạn nhân bị tấn công tình dục ở nước này.

Đầu tuần này, Tòa án tối cao Lahore ở tỉnh Punja đã tuyên bố hành vi kiểm tra trinh tiết đối với những nạn nhân bị hãm hiếp là bất hợp pháp. Quyết định cho rằng hành vi trên là "không có cơ sở y tế" và "xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân nữ và do đó chống lại quyền được sống và quyền được nhân phẩm".

Cái gọi là kiểm tra trinh tiết - bao gồm kiểm tra màng trinh hoặc đưa hai ngón tay vào âm đạo - là những cuộc kiểm tra xâm lấn được thực hiện với niềm tin rằng họ có thể xác định xem một phụ nữ có còn trinh hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là một truyền thống lâu đời ở nhiều khu vực trên thế giới - bao gồm cả Pakistan - để đánh giá "danh dự hoặc phẩm hạnh" của một cô gái hoặc phụ nữ.

Các cuộc kiểm tra được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như trước khi kết hôn hoặc thậm chí để đánh giá tính đủ điều kiện tuyển dụng. Nhưng ở một số vùng, cuộc kiểm tra được thực hiện trên các nạn nhân bị hãm hiếp để xác định xem có hay không một vụ tấn công tình dục xảy ra.

Hiện còn 20 quốc gia trên thế giới còn hủ tục kiểm tra trinh tiết với phái nữ
Hiện còn 20 quốc gia trên thế giới còn hủ tục kiểm tra trinh tiết với phái nữ

Liên Hiệp Quốc mô tả các cuộc kiểm tra trinh tiết là không có cơ sở khoa học hoặc y tế và coi đó là hành vi vi phạm nhân quyền. Theo WHO, phụ nữ và trẻ em gái có thể bị ép buộc phải tham gia vào các cuộc thử nghiệm "thường xuyên đau đớn, nhục nhã và sang chấn tâm lý" và có thể phải chịu những hậu quả về tâm lý, thể chất và xã hội, đặc biệt là trong các trường hợp bị hãm hiếp.

Bất chấp những lời kêu gọi từ các cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt hoạt động này, nó vẫn tiếp tục và đã được ghi nhận ở ít nhất 20 quốc gia.

Hồi tháng 3 và tháng 6 năm 2020, có hai đơn kiện được đệ trình tại Lahore do một nhóm các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, học giả, nhà báo, những người ủng hộ và một đại biểu Quốc hội đưa ra, nhằm tìm cách cấm các cuộc kiểm tra như vậy đối với những nạn nhân bị hãm hiếp. Họ cho rằng việc kiểm tra là phi khoa học, mang tính xâm phạm, hạ thấp phẩm giá của phụ nữ.

Trong phán quyết của mình, Tư pháp Ayesha Malik đứng về phía những người khởi kiện, nói rằng các xét nghiệm "không có giá trị pháp lý trong các trường hợp bạo lực tình dục" và phân biệt đối xử với phụ nữ. 

"Khám nghiệm trinh tiết mang tính xâm lấn cao, không có yêu cầu khoa học hoặc y tế, nhưng được thực hiện dưới danh nghĩa các quy trình y tế trong các trường hợp bạo lực tình dục. Đây là một hành động làm nhục, được sử dụng để gây nghi ngờ cho nạn nhân, trái ngược với việc tập trung vào người bị cáo buộc và vụ việc bạo hành tình dục”, Malik nói trong các tài liệu của tòa án.

Sahar Bandial, một người biện hộ cho Tòa án Tối cao Lahore và là một trong những luật sư đệ đơn kiện, cho biết phán quyết sẽ có ý nghĩa văn hóa rộng lớn hơn. “Điều này rất quan trọng bởi vì nền văn hóa của chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều vào việc màng trinh là biểu hiện của sự trong trắng của một người phụ nữ", Bandial nói. Cô cũng nói thêm rằng những phụ nữ bị kiểm tra đã bị buộc tội là "có thói quen quan hệ tình dục" và kết luận được đưa ra về tiền sử tình dục trong quá khứ của họ.

"Có một suy luận rằng người phụ nữ có tính dễ dãi và có khả năng đã đồng ý với hoạt động tình dục", cô nói.

Lệnh cấm đã được áp dụng đối với Punjab, tỉnh đông dân nhất của Pakistan, nơi sinh sống của hơn 110 triệu người. Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng phán quyết này sẽ tạo tiền lệ cho các tòa án trên toàn quốc.

"Tôi hy vọng rằng hệ thống này trở nên nhẹ nhàng hơn với các nạn nhân bị hiếp dâm; việc phải trải qua một bài kiểm tra thâm nhập thêm một lần gây cho nạn nhân cảm giác bị hiếp dâm lần nữa. Tôi hy vọng phán quyết này giúp hệ thống tư pháp trở thành một nơi nhạy bén hơn và an toàn hơn cho phụ nữ. Hãy bước ra và lên tiếng chống lại bạo lực", Bandial nói.

Trong một tuyên bố, những người khởi kiện cho biết đây là một "bước phát triển đáng hoan nghênh và là một bước đi rất cần thiết trong việc cải thiện các quy trình điều tra và xét xử, đồng thời làm cho chúng công bằng hơn đối với các nạn nhân bị hãm hiếp và tấn công tình dục". 

Thảo Nguyễn (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI