Nợ

17/08/2014 - 16:04

PNO - PNCN - Chị nhắn cho em: “Giờ chị chỉ muốn chết” khiến em lập tức thu xếp công việc để về quê với chị. Trên đường đi, em cứ lo lắng suy đoán chồng chị đã gây ra chuyện gì nữa nên chị mới như vậy. Đây là lần thứ ba chị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lần đầu tiên, khi chị vừa nói câu ấy vừa chĩa mũi kéo nhọn hoắt vào ngực, em đã hốt hoảng gào thét ngăn chị lại. Số tiền bồi thường do anh say xỉn gây tai nạn đâu phải quá lớn để chị phải quyên sinh khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Thì ra, đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly chịu đựng trong chị. Anh vốn là đệ tử lưu linh, nhưng không nhậu kiểu “cóc ổi mía ghim” như những người đàn ông thường thấy ở miền quê, mà anh thích được phục vụ bia lon ở nhà hàng máy lạnh hoặc rượu tây ở quán bar sang trọng nhất nhì trong vùng. Tiền anh kiếm được không đủ cho thú vui bù khú đó, nói gì đến nuôi vợ con, chưa kể những hệ lụy sau khi quá chén như gái gú, gây gổ đánh nhau phải bồi thường, lạc mất xe, điện thoại… Chị tức tưởi: “Em có thấy ai nhậu mà đổ nợ chưa? Anh rể em đó”. Em há hốc kinh ngạc khi nghe số nợ chị nêu ra gần bằng giá trị một căn nhà nhỏ ở quê lúc bấy giờ, vậy mà chị cố giấu để đến khi không còn cầm cự nổi.

May mắn đã mỉm cười với gia đình khi có nhiều phần đất trong diện giải tỏa được bồi thường. Nhà chỉ có hai chị em, em còn son rỗi, chị lại gặp khó như thế nên mẹ chia cho chị phần hơn, có sự đồng ý của em. Ngày được mẹ vợ như bà tiên với cây đũa thần, chẳng những hô biến số nợ mà còn hóa phép cho anh trở thành chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng, anh đã không ngại ngần cầm tay mẹ vợ để hôn cảm ơn rồi bế thốc vợ lên, xin lỗi không ngừng, hứa hẹn bao điều. Em cũng rưng rưng xúc động trước vẻ chân thành ấy, tin rằng ông anh rể sẽ không bao giờ làm khổ vợ con nữa.

Cả nhà đều vui vì anh là người biết nghĩ, bỏ hẳn bia rượu, ngay cả trong ngày mừng con trai chào đời cũng chỉ nhấp môi. Trong kinh doanh thì anh nhanh nhạy, giỏi giang nên công việc trôi chảy, thuận lợi. Bốn năm sau, chị yên tâm sinh cho anh thêm một công chúa, quyết định bỏ công việc văn phòng để toàn tâm toàn ý cho tổ ấm. Thấy anh ngày càng chăm lo cho cửa hàng, nhiều hôm không có thời gian về nhà nghỉ trưa, chị thương chồng, định bụng sẽ nấu đồ ăn ngon mang đến nơi cho chồng tẩm bổ, nhưng còn bận bịu hai con. Mãi đến khi nghe bạn bè, hàng xóm xầm xì, chị mới sực tỉnh nhận ra con gái hơn một tuổi rồi mà anh chị chưa mặn nồng chăn gối. Âm thầm kiểm tra điện thoại của anh, chị khóc không thành tiếng khi phát hiện một người phụ nữ khác đã thay chị lo cơm trưa cho anh nên anh cũng lo lại xe cộ, nhà cửa cho cô ta, đến nỗi thâm hụt vốn làm ăn.

No

Số nợ lần hai lớn hơn lần đầu. Em lúc đó đã lấy chồng và lập nghiệp ở thành phố, chạy về, chứng kiến cảnh chị một hai đòi chết. Mẹ lại làm bà tiên tốt bụng, trả hết nợ cho con rể, thuê địa điểm gần nhà mẹ để dời cửa hàng về rồi đón cả gia đình chị về nhà mẹ, tiện việc giúp chị quán xuyến gia đình, trông coi sổ sách mua bán và… quản thúc anh. Trước mặt gia đình vợ, anh đấm ngực nhận lỗi và thề “làm thân trâu ngựa cho mẹ vợ và vợ suốt đời”. Thấy anh cắt đứt ngay lập tức với người phụ nữ đó, giao luôn điện thoại cho chị, làm người chồng ngoan, cun cút nghe lời vợ, chị đã mềm lòng. Không lâu sau, chị cấn thai đứa thứ ba mà theo anh sẽ hợp phong thủy, hợp tuổi và mang lại phúc lộc cho cả hai người.

Em nhớ mãi hình ảnh chị vừa âu yếm xoa xoa chiếc bụng tròn vừa phân trần: “Lúc chưa lập gia đình, chị từng nghĩ, lỗi gì tha thứ được chứ không bao giờ bỏ qua sự phản bội. Ngờ đâu… Có lẽ chị mắc nợ anh từ kiếp trước”. Em chỉ còn biết gật đầu, dù bụng giận sôi. Anh làm khổ vợ con đã đành, khổ lây đến mẹ vợ, có bao nhiêu tiền của đều mang ra giải vây cho anh. Bao lần em muốn khuyên chị ly hôn cho rảnh nợ, nhưng mẹ cứ thủ thỉ dặn dò: “Không được trách thằng anh con, chị Hai con sẽ buồn. Đừng xui ai bỏ vợ bỏ chồng, tội lắm! Đằng này lại là chị và cháu của con”.

Không sôi giận sao được khi ba mất sớm, mẹ một mình lo cho hai chị em, tằn tiện hết mức có thể. Lần nhận số tiền từ việc bồi thường đất, mẹ chia hết cho các con, không dám sắm một bộ đồ sang cho riêng mình. Ở xa thì thôi, giờ sống chung dưới một mái nhà, ba đứa cháu đứa nào cũng tới tay bà ngoại chăm mới được. Nhìn mẹ vợ tóc pha sương, tất bật suốt ngày với bao việc không tên ở cái tuổi bệnh tật đã thường xuyên viếng thăm, chưa một ngày thật sự an nhàn, tất cả cũng vì vun vén cho hạnh phúc của con cái, tôi cứ đoan chắc anh cũng chạnh lòng xót xa mà tu tâm dưỡng tánh.

Nhưng lần này, mọi chuyện tái diễn, anh lại nợ nần, chị đòi chết, nguyên nhân tệ hại hơn lần trước rất nhiều. Sau một hồi giấu giếm không được, chị đã khổ sở thú nhận với em: anh dính vào “bác thằng bần”. Em chỉ còn biết kêu trời, bao nhiêu tệ nạn xã hội, anh muốn thử qua hết mới chịu sao? Số nợ kỳ này phải lớn lắm nên chị mới chưa dám kể thật với mẹ, mới chuẩn bị sẵn cả nắm thuốc ngủ, cho luôn phần của ba đứa con, đứa lớn nhất mười tuổi, còn đứa nhỏ mới lên ba. “Em nuôi mẹ giùm chị…” lời dặn dò có lẽ còn dài nhưng em đã ngắt lời: “Chị và cháu có bề gì, mẹ sống nổi sao?”. Chị nức nở: “Em ơi, chị lấy phải người chồng chẳng ra gì nhưng chị lại ngu dại yêu thương, tin tưởng anh ấy, để phiền lụy đến mẹ và em”.

Hai chị em ôm nhau khóc vì bao nhiêu tài sản của mẹ cho, chị đều đưa cho chồng cầm cố tự bao giờ. Ngay cả giấy chủ quyền căn nhà mọi người đang ở, chị cũng “mượn” của mẹ, nói dối là cần tiền xoay xở làm ăn. Số tiền chị “xoay” được đó, chỉ trong một đêm anh đã nướng sạch vào sòng bạc, với ý nghĩ cố gỡ gạc lần cuối. Thế là nợ nần thêm chồng chất, lãi mẹ sinh lãi con, giờ bán sạch những gì đang có, may ra mới trả nổi.

“Chị còn thương anh nữa thôi?”, em mếu máo trách chị như thế. Sắp đến hạn trả lãi ngân hàng, rồi trả lãi vay bên ngoài, không khéo bị người ta xiết nhà. Mình mẹ, em còn kham nổi chứ làm sao gồng gánh thêm chị kéo theo ba đứa con, chưa kể ông chồng… Nhưng chị vẫn bào chữa: “Ảnh hối hận lắm rồi, quỳ xuống chân chị mà thề độc. Sự “bất quá tam”, không có lần thứ tư nữa đâu. Duyên nợ lắm mới được là vợ chồng của nhau, giờ không lẽ chị nhắm mắt làm ngơ để người ta thuê giang hồ xử anh”.

Mẹ tôi đang loay hoay với ba đứa con nhỏ của chị ngoài sân, mà chị còn không nghĩ đến chữ “nợ”, chữ “ơn” với mẹ, thì trách sao chồng chị quên mau…

TUỆ NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI