Những giằng xé từ nỗi đau cũ

12/10/2022 - 21:14

PNO - Chị cũng không nói với anh nửa lời về nỗi lòng của mình. Đó là một chấn thương sau sinh đã theo chị tới tận khi chị đã trở thành bà nội.

- Cô ấy quá cay nghiệt với nhà chồng!

Anh rể thốt lên trong sự ngỡ ngàng tột độ của tôi. Suốt 30 năm hôn nhân, anh chưa một lời than phiền về vợ. Chị Lan - chị gái tôi - là người vợ mẫu mực. Anh có sự nghiệp, chị sống kín tiếng. Vợ chồng chị là hình mẫu gia đình hạnh phúc mà cha mẹ tôi vẫn đem ra răn dạy con cháu. Thế nhưng lần này, anh thốt lên lời đúc kết nặng nề đó sau buổi sinh nhật tròn 60 tuổi, cũng là ngày anh chuẩn bị về hưu.

Từ đầu buổi tiệc sinh nhật ấy, tôi đã thấy lạ. Chị Lan tuy bận bịu nhưng thỉnh thoảng vẫn chạy ra hỏi chồng: “Ông bà nội sẽ đi bằng gì qua?”. Anh rể nói “chắc taxi", thì chị nằng nặc yêu cầu phải để tài xế của anh qua rước ông bà nội.

Chuyện di chuyển của ông bà trở thành một cuộc cãi vã căng thẳng:
- Xe nhà mình không đủ chỗ chở cả nhà chú Út! Chi bằng để chú kêu chiếc taxi bảy chỗ đưa cả ông bà đi!

Chị cục mịch gằn giọng:
- Đi riêng được thì phải đi riêng, không có chung chạ gì hết!

Chứng kiến cuộc cãi nhau đó, tôi bối rối. Không hiểu tại sao một chuyện nhỏ xíu lại có thể gây căng thẳng dường ấy…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Suốt buổi tiệc, anh rể không có vẻ thoải mái, phóng khoáng như anh ngày thường. Cuối tiệc, tôi nhận ra chị Lan đã bỏ về tự lúc nào. Gia đình nhỏ gồm vợ chồng tôi và cô con gái ba tuổi vô tình trở thành những người thân duy nhất của anh rể, cùng anh tiễn khách và thu dọn quà cáp, tính tiền với nhà hàng.

Lúc xong việc, anh buông câu trách móc kia để mở đầu cho cuộc “tổng than phiền” về vợ. Hóa ra, gần 30 năm nay người ngoài không hề biết anh đã khổ sở thế nào để cân bằng mối quan hệ giữa vợ và gia đình mình. Theo anh, chị Lan tính rất rộng rãi. Với em gái của chồng và cả con của cô ấy, chị đối xử tốt như em/cháu ruột. Nhưng riêng với cha mẹ và chú Út, chị chi li một cách không thể chấp nhận được. Khổ nỗi, chú Út thì sống cùng cha mẹ nên chị “kỵ” cả việc về  nhà chồng. 

“Tất cả những buổi tiệc tùng mà có cha mẹ anh sang, thể nào chị em cũng gây chuyện!”. Anh nói thế, tôi mới nhớ lại những buổi tiệc gần nhất là tiệc tiễn con trai út của anh chị đi du học, rồi trước đó là đám cưới cậu con đầu, chị Lan cũng căng thẳng, bực dọc. Chồng tôi (vốn là bác sĩ thần kinh) những lúc ấy còn lo ngại chị bị rối loạn lo âu trước những buổi tiệc của gia đình. Ai mà ngờ chị căng thẳng chỉ vì sự có mặt của nhà chồng!

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Anh rể kể vô số chi tiết vô lý mà anh phải chịu đựng suốt 30 năm hôn nhân về quan hệ giữa chị và nhà chồng. Những chuyện vụn vặt nhưng khó tin và khó chấp nhận ở một người hiểu chuyện như chị, như: chị kiểm soát từng số tiền anh biếu tặng hay đóng góp với nhà chồng, chị không thích nhà chú Út có mặt trong những dịp quan trọng của con trai chị, chị như phát điên mỗi lần anh về nhà mẹ quá lâu…

Anh nói:

- Anh ra ngoài không thua ai, nhưng về nhà là đau đầu với vợ. Bả hiểu chuyện, lo cho cha mẹ, nhưng luôn làm căng những chuyện rất chi li.

Tôi hoang mang không thể tin chị tôi có thể vô lý như vậy ròng rã 30 năm, với chính người sinh thành của anh. Trong khi, chị vẫn là người hay căn dặn những điều đạo nghĩa về nhà vợ, nhà chồng với những đứa cháu sắp thành hôn.

Tôi gặp riêng chị để trò chuyện. Tôi thắc mắc về việc chị bỏ về sớm, và bày tỏ luôn sự khó hiểu về việc chị “gây" với anh rể chỉ vì phương tiện di chuyển của cha mẹ.

Tưởng phải “mồi chuyện" rất lâu chị mới mở lòng. Chẳng ngờ, tôi vừa nhắc đến buổi tiệc hôm ấy chị đã rấm rứt khóc. Chị nói:

- Chị cũng xấu hổ lắm. Chị biết làm vậy là gây nặng nề cho chồng mà cũng chẳng giải quyết được gì, nhưng cứ vào việc là chị lại không kiểm soát nổi cơn tiêu cực cứ ứ trong người mình.

Lúc này, chị mới bắt đầu kể một câu chuyện mà chị “tưởng sẽ mang theo xuống mồ với nỗi uất hận".

Năm đầu tiên cưới nhau, anh chị còn rất nghèo. Tết năm đó, chị vừa sinh con được hai tháng, phải một mình xoay xở vì muốn ở gần chồng thay vì về quê sinh con để được mẹ ruột chăm. Đến chiều 27 tết, anh đem về 500.000 đồng, tiền thưởng của công ty. Chị chưa kịp khấp khởi vì có thêm chút đỉnh lo tã sữa cho con, thì anh hỏi:

- Tiền thăm nom hổm rày em có dành dụm được đồng nào không?
- Còn hơn 100.000 đồng - chị nói.

Anh ngập ngừng:

- Bố mới gọi, thằng út đã học xong và sẽ hành nghề buôn bán cây cảnh. Bố muốn anh tặng nó một cây kéo xịn. Nếu gom 500.000 đồng của anh với tiền để dành của em thì vừa đủ…

Chị điếng người khi nghĩ đến một cái tết không một đồng trong túi, lại thêm đứa trẻ mới sinh luôn cần tiền, chỉ vì một món quà xịn cho em chồng. Nhưng anh nói luôn:
- Anh sẽ vay đỡ của chị Hoa kế toán (đồng nghiệp của anh) 100.000 đồng để mình sống qua cái tết. Qua tết là anh có lương rồi.

“Chị gom hết tiền đưa ảnh mà lòng lạnh tanh. Không thể nói là thất vọng, mà phải nói là chị đã cắt đứt với họ từ tận đáy lòng - những con người để mặc mẹ con chị với một cái tết túng quẫn, cô độc chỉ vì muốn sắm cho con họ, em họ một cây kéo", chị nói.

Tôi sững sờ với từng lời chắc nịch mà chị nói ra. Sau cái tết ấy, chị dần được chồng cảm hóa bằng sự tử tế, hết lòng của anh với vợ con. Chị không “cắt đứt" với anh, nhưng sự “cắt đứt" với cha mẹ chồng và chú Út thì đã định từ ngày đó. Chị cũng không nói với anh nửa lời về nỗi lòng của mình. Đó là một chấn thương sau sinh đã theo chị tới tận khi chị đã trở thành bà nội. 

Sự việc ấy không quá nghiêm trọng, thậm chí nó đã có thể giải quyết nếu chị chịu nói ra với chồng. Nhưng, tâm lý sau sinh cộng thêm áp lực thực tế của đời sống khiến chị có một kỳ vọng cực đoan về sự thấu hiểu của người thân (đặc biệt là chồng) với mình. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự không thấu hiểu, chị sẽ dễ dàng phản ứng cực đoan, mà “cắt đứt” là một ví dụ. 

Để rồi suốt 30 năm, khi cái nhìn về mọi thứ đã rộng mở hơn, khi chị tiếp nhận sự yêu thương của chồng, của cả mẹ chồng và chú Út - chị lại bước tiếp vào một cuộc giằng xé giữa một bên là cơn đau cũ, một bên là nhận thức của một người hiểu chuyện, thích sống tình cảm. Và chị lại “không thể hiểu mình", để phải đau khổ thêm vì sự khó hiểu đó.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Nếu tôi đã bối rối khi nghe anh rể than phiền, thì lúc này, tôi xót xa và có phần kinh ngạc. Hôn nhân có những “chấp niệm" không thể vượt qua, tưởng chừng nó đến từ tính cách khó ưa hay sự quá quắt của người trong cuộc, nhưng rất nhiều gút thắt xuất phát từ một xung đột trong quá khứ. Chỉ cần thiếu một chút chia sẻ, khuyết một chút thấu hiểu trong một “điểm rơi” tâm trạng nào đó, người ta đã có thể để hạt giống sân hận nảy mầm trong hôn nhân của mình.

Để sau đó, tất cả khúc mắc khiến họ khốn khổ và bế tắc, thực ra chỉ là hậu quả của “gút thắt" lâu đời ấy. Mà nếu không đối diện với xung đột cũ, họ sẽ chẳng thể vượt qua.

Tôi nói với chị rằng, tôi sẽ kể chuyện này với anh rể nếu chị không đủ dũng cảm để kể. Nếu chị cần gặp chuyên gia tâm lý, tôi sẽ đi với chị. Từ giờ đến lúc đó, tôi mong chị sẵn sàng để đối diện với chuyện này, để có thể cùng anh và cả nhà chồng thoát khỏi bóng ma tiêu cực của một chuyện xưa lắc. 

Lý Phan

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh