Những ai ngoài kia tìm hoài không thấy hạnh phúc, hãy về nhà đi!

07/09/2020 - 18:18

PNO - Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi nhận ra khi chúng ta thành hay bại, hạnh phúc hay đau khổ, cô đơn hay bất lực, thì gia đình vẫn luôn bên cạnh, dang rộng vòng tay, là điểm tựa cho ta trên mỗi bước đường đời.

Như chúng ta được biết, nhịp sống thời đại 4.0 luôn thay đổi, thiên biến vạn hóa khiến con người không tránh khỏi những lúc căng thẳng, yếu lòng, thậm chí là vấp ngã hay thất bại. Một câu hỏi đặt ra: “Khi rơi vào những hoàn cảnh như vậy, thì nơi bạn muốn tìm đến trú ẩn là đâu?”. Tôi sẽ lập tức trả lời mà không cần đắn đo suy nghĩ: chính là gia đình.

Tôi là giảng viên một trường đại học với con đường công danh đang rộng mở. Tuy nhiên, vì một tai nạn mà đôi chân tôi không còn đi đứng như trước kia. Khoảng thời gian nằm viện, tôi phải luôn trong trạng thái đau đớn về thể xác, và tinh thần thì xuống dốc.

Tôi nhớ phút gặp mặt đầu tiên ở bệnh viện, mẹ chưa nói được lời gì đã ôm chặt tôi vào lòng, cha thì đứng cạnh động viên: “Có cha với mẹ ở đây rồi, con sẽ không sao đâu!”. Cha tôi là người đàn ông ít học, khô khan, nhà nông chánh gốc, có buông lời an ủi, động viên ai trong gia đình bao giờ...

Có hôm, tôi sốt cao và co giật không kiểm soát, hai hàm răng đánh vào nhau cành cạch, ngón tay co rúm, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, cha mẹ vừa ôm chặt tôi, vừa khóc, và nói: “Con ơi, đừng làm mẹ sợ! Đừng bỏ mẹ An ơi!”, “Con phải cố lên! Có như thế nào thì cha cũng bán hết tài sản để lo cho con”…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi tự thấy mình may mắn, vì khi gặp nghịch cảnh luôn có gia đình bên cạnh. Những ai còn mẹ cha, hãy biết trân quý, quan tâm đến họ, và bằng cách này hay cách khác, hãy làm cho họ vui...

Khi bác sĩ nói: “Bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến xấu và phác đồ điều trị không đáp ứng”, tôi không đủ mạnh mẽ để tin vào những gì mình nghe được. Câu nói ấy như thiêu đốt nguồn hy vọng của tôi. Ngay tức khắc, mọi thứ trong tôi vỡ vụn. Chiếc xe lăn chuyển bánh, tôi ngồi bất động như một cái xác không hồn.

Về đến nhà, nhìn tôi nhợt nhạt nằm trong vòng tay của cha, nước mắt mẹ không ngừng tuôn, như thể những vết khắc rất đậm, rất sâu khứa vào tim đau nhói. Nằm trên giường bệnh, tôi nhìn lên trần, thấy những mảng khói đen loang lổ, tôi hình dung đời mình chẳng khác gì nó.

Chuỗi ngày chống chọi với bệnh tật bắt đầu, với biết bao gánh nặng mưu sinh dồn lên đôi vai cha mẹ, nhưng chưa bao giờ tôi nghe cha mẹ than vãn nửa lời. Họ đưa tôi đi điều trị bằng mọi cách, từ miền Đông đất đỏ, đến miền Tây sông nước, với niềm tin “phước chủ may thầy”.

Mỗi lần đưa tôi đi chạy chữa không thành công, mẹ lại động viên cha rằng: “Chỉ cần con mình có thể sống thôi, mình làm cả đời nuôi nó cũng được”. Nếu tôi buông xuôi, cha mẹ sẽ đau đớn hơn ai hết. Chính vì vậy, tôi không cho phép mình từ bỏ, mà xác định một ngày được sống là một ngày ý nghĩa. Và rồi tôi đã tự tập di chuyển, xoay xở trên đôi chân không còn cảm giác. Từ tập đi lại bằng xe lăn, cho đến việc tập dùng đôi tay để có thể lấy lại sự tự chủ phần nào cho cơ thể.

Mặc dù đôi chân không thể đi đứng chạy nhảy như đã từng, nhưng hiện tại tôi vẫn sống lạc quan trong sự yêu thương, chở che của gia đình.

Ở tuổi 30, trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi nhận ra khi chúng ta thành hay bại, hạnh phúc hay đau khổ, cô đơn hay bất lực, thì gia đình vẫn luôn bên cạnh, dang rộng vòng tay, là điểm tựa cho ta trên mỗi bước đường đời.

Những ai ngoài kia tìm hoài không thấy hạnh phúc, hãy về nhà đi! Một mâm cơm đạm bạc, một vòng tay êm ái, một lời an ủi, động viên, một tình yêu chỉ có cho đi mà không mong đáp lại… đang chờ bạn ở đó. 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI