Nhật Bản giảm rác thải vũ trụ với vệ tinh bằng... gỗ đầu tiên trên thế giới

03/01/2021 - 06:01

PNO - Vệ tinh làm bằng chất liệu gỗ là giải pháp táo bạo mà Nhật Bản mong muốn áp dụng với kỳ vọng sẽ giải quyết được nạn rác thải vũ trụ.

Nhật Bản vừa công bố sẽ sớm sản xuất và đưa vào sử dụng những vệ tinh đầu tiên trên thế giới được làm bằng… gỗ có khả năng tự hủy hoàn toàn bằng cách bốc cháy ngay sau khi rơi trở lại mặt đất. Đây được xem là một nỗ lực nhằm làm giảm lượng rác thải vũ trụ đang tràn ngập không gian với những vật thể có hại cho bầu khí quyển đang là vấn đề lâu nay.

Mô hình vệ tinh làm bằng gỗ do Nhật Bản thiết kế và sản xuất nhằm góp phần giải quyết nạn rác thải không gian - Ảnh: Shutterstock
Mô hình vệ tinh làm bằng gỗ (bên trái) do Nhật Bản thiết kế và sản xuất nhằm góp phần giải quyết nạn rác thải không gian - Ảnh: Shutterstock

Sumitomo Forestry, một công ty của Nhật Bản chuyên chế biến các sản phẩm gia công từ chất liệu gỗ cho biết, họ đang hợp tác cùng trường Đại học Kyoto để nghiên cứu giải pháp ứng dụng chất liệu gỗ phục vụ cho hoạt động không gian. Theo đó, vệ tinh đặc biệt này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2023; tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch hiện vẫn đang được gắn nhãn "Bí mật nghiên cứu và phát triển" nên không được phổ biến rộng rãi.

Các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định rằng, vấn đề hết sức nghiêm trọng hiện nay chính là tình trạng rác thải vũ trụ trong không gian đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống của con người.

“Chúng tôi thật sự quan ngại việc tất cả các vệ tinh được phóng lên quỹ đạo đều bốc cháy và rơi ngược trở lại, tạo ra hàng triệu mẫu vật thể nhỏ li ti trôi bồng bềnh trên bầu khí quyển trong nhiều năm”, Taka Doi, một phi hành gia kiêm giáo sư chuyên ngành Không gian công tác tại trường Đại học Kyoto nói.

Rác thải không gian đang là vấn nạn đáng lo ngại của các quốc gia trên thế giới - Ảnh: Wiki Commons
Rác thải không gian đang là vấn đề đáng lo ngại của các quốc gia trên thế giới - Ảnh: Wiki Commons

Các vệ tinh làm bằng gỗ sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề này bởi chúng sẽ bốc cháy và tiêu hủy hoàn toàn mà không hề tạo ra bất cứ loại rác thải không gian nào, cũng như không còn vật thể nào lẫn vào trong các cơn mưa rơi ngược trở lại mặt đất.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), rác thải gây ô nhiễm không gian chính là những vật thể được tạo ra bởi con người, như: các mảnh vỡ và mảnh vụn sơn trên thân vỏ của máy bay, hỏa tiễn, vệ tinh không còn sử dụng, hay các vật thể còn sót lại sau những vụ nổ trên không gian và tiếp tục quay quanh vũ trụ với tốc độ cực lớn.

Cuối năm 2019, báo cáo của Mạng lưới giám sát không gian Hoa Kỳ cho biết, có gần 20.000 vật thể nhân tạo tồn tại ở quỹ đạo bên trên Trái đất, bao gồm hơn 2.000 vệ tinh đã ngưng hoạt động.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, sự gia tăng không ngừng số lượng vệ tinh trong không gian sẽ khiến tất cả các quốc gia phải nỗ lực hết sức mới có thể kiểm soát được nạn rác thải không gian. Điều này càng trở nên đáng ngại hơn khi nhiều công ty đang có kế hoạch phóng hàng chục ngàn vệ tinh nhằm mục tiêu phủ sóng internet lên toàn bộ mọi ngóc ngách của Trái đất.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk đặt tham vọng đưa 42.000 vệ tinh phát internet siêu tốc Starlink lên vũ trụ, trong khi "ông lớn" Amazon cũng đang thúc đẩy dự án mang tên Project Kuiper với 3.236 vệ tinh sẽ được phóng lên khỏi bề mặt Trái đất trong tương lai gần.

Amazon đang triển khai dự án Project Kuiper với tham vọng phủ sóng internet tốc độ cao cho 95% dân số trên trái đất - Ảnh: Gareth Halfacree/Limemicro
Amazon đang triển khai dự án "Project Kuiper" với tham vọng phủ sóng internet tốc độ cao cho 95% dân số trên Trái đất - Ảnh: Gareth Halfacree/Limemicro

Ngay trong tháng Mười năm nay, 2 mảnh vỡ khổng lồ đã suýt đâm sầm vào nhau khi đang “trôi” trên vũ trụ khiến các chuyên gia phải thót tim với tình huống đặc biệt nghiêm trọng này. Theo đó, 2 vật thể này chính là hệ thống vệ tinh định vị đã bị thải loại của Nga được phóng lên vũ trụ năm 1989 và phần còn sót lại của tên lửa được Trung Quốc được phóng đi năm 2009.

Một thảm họa khủng khiếp chắc chắn sẽ xảy ra cho con người với những hậu quả nặng nề có thể kéo dài đến hàng thập niên nếu tình huống xấu nói trên không được ngăn chặn kịp thời.

Nguyễn Thuận (Theo Independent, BI)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi