Nhà hai con trai, tôi đau đầu với chuyện 'thương sao cho đồng'

30/09/2018 - 14:00

PNO - Nhà có hai con trai, cậu anh cách em chỉ 17 tháng, chuyện cãi vã, giành nhau là chuyện thường xuyên mà mẹ phải đau đầu giải quyết.

Chiều đón hai anh em đi học về. Cậu anh ngồi đọc nghêu ngao: Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa… Đọc hết cả bài thơ của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn. Mẹ bèn hỏi: thế con có nhường em không? Anh trả lời phụng phịu: Con lúc nào chẳng nhường em!

Mà quả thật, hỏi con cho có chứ lúc nào cũng thấy anh luôn chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ mang thai em khi anh Khôi mới vừa hơn 7 tháng, lúc mẹ mang thai em cũng không dám ẵm bồng gì anh nhiều vì sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng, dù con khi ấy rất cần được mẹ yêu thương, bồng bế.

Khi em  ra đời, mẹ phải dành nhiều thời gian cho em. Con thì đi học nhà trẻ, em được ở nhà với mẹ. Lúc con đi học về, có khi mẹ cũng phải chăm em. Rồi con lớn hơn một xíu, dù rằng đã cố gắng mua mọi thứ giống nhau, mỗi bạn một phần nhưng vì em thích giành đồ của anh, nên đôi lúc mẹ bắt con phải nhường em. Nhìn mặt con mếu máo lúc đó, mẹ cũng xót xa mà không tìm ra cách nào khác đúng hơn ngoài việc an ủi con.

Mẹ cũng là chị, mẹ cũng đã từng buồn vì thấy bà ngoại không thương mẹ nhiều như thương cậu. Mẹ cũng biết không nên bắt buộc anh nhường em bởi như vậy là không công bằng, mà huống chi con lớn hơn em có 17 tháng. Nhưng khi em khóc lóc, để giải quyết cho nhanh, mẹ luôn muốn con nhường em. Chính vì sự nhượng bộ đó mà em ngày càng ăn hiếp, bắt anh nhường mình nhiều hơn.

Nha hai con trai, toi dau dau voi chuyen 'thuong sao cho dong'
Anh em giành nhau đồ chơi là chuyện cơm bữa ở gia đình có hai cậu con trai

Khi em còn nhỏ, cuộc sống gia đình khó khăn vì cùng một lúc phải chăm hai em bé nhỏ. Anh hai khi đó vẫn còn bé bỏng lắm. Em thì siêu quậy, ngoài việc giành đồ chơi của anh, còn có khi đánh anh nữa. Những lúc ấy mẹ rất buồn và đau đầu vì không biết phải làm cách gì để hai anh em có thể yêu thương nhau hơn.

Cũng may mắn, anh hai là đứa trẻ biết quan tâm đến mẹ, đến em nên khi mẹ nói con nhường em trước đi thì chắc chắn con sẽ nhường. Dù sao đó vẫn phụng phịu: mẹ có thương con không, mẹ mai mốt có tiền mua cho con đồ chơi khác nhé!

Mẹ luôn cố gắng nhắc nhở bản thân phải yêu hai đứa ngang nhau. Nhưng việc này quả là không đơn giản. Có lúc thấy thương con quá vì còn bé mà phải chia sẻ tình thương của mẹ cho em, cũng có khi thấy thương em vì còn quá bé cũng không được mẹ chăm thật trọn vẹn.

Khi đi ngủ, mẹ phải nằm ở giữa, một tay vỗ mông em này, một tay vỗ mông em kia. Hôm nào mẹ quay sang hôn em, anh sẽ nũng nịu: mẹ không thương con gì!

Mới đó mà đã gần bốn năm, bốn năm trôi đi thật nhanh. Anh hai giờ đã là chàng trai 5 tuổi và em trai chuẩn bị 4 tuổi. Anh đã không đợi mẹ bảo nhường em đã biết tự nhường.

Hỏi con có thương em không, con nói con thương em nhưng ít hơn thương mẹ một chút. Còn em dù vẫn nghịch ngợm và quậy phá nhưng rất thương anh, ăn gì cũng kêu anh. Ngày còn nhỏ, em cứ kêu anh: “Khôi ơi”, giờ thì cứ gọi: “anh Hai ơi anh Hai”, có lẽ vì vậy mà anh hai 5 tuổi cũng chững chạc hơn hẳn.

Nha hai con trai, toi dau dau voi chuyen 'thuong sao cho dong'
Cũng có khi hai anh em yêu thương nhau lắm

Sáng đi đường, thấy cậu bé học lớp ba đang nghỉ hè mà phụ mẹ chăm em cho mẹ bán bánh mì ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch. Cậu anh rất ra dáng anh hai, còn cô em nhỏ thì chắc cũng “quậy” cỡ cậu em nhà mình. Nhưng cô bé nhỏ hơn, tầm chừng 2 tuổi.

Cậu anh học lớp ba ấy, đút cho em gái ăn mà nói thật, nhiều khi mình không được kiên nhẫn như thế. Em không chịu ăn, nằm lăn trên vỉa hè, cậu anh cứ dụ em hết cái này đến cái khác. Dẫn cả em đến gần cột ATM gần đó để đút em ăn. Bà mẹ thấy cô em quậy quá, chạy đến,dọa nạt cô bé, mà cô bé rất khôn (hình như đứa con út nào cũng khôn kiểu này), mỉm cười với mẹ. Bà mẹ bồng em lên và hôn, còn cậu anh không quên chớp lấy cơ hội, đút một miếng vô miệng em rồi mỉm cười.

May mắn mà, một sáng được chứng kiến hình ảnh trong veo và đầy tình yêu thương của gia đình ấy nơi góc vỉa hè của Sài Gòn. Để chiều đón hai anh em đi học về, lại nghe anh đọc “Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa/ Với em “bé nhỏ” (cậu đọc vậy vì em cậu không phải bé gái)/ Phải người lớn cơ”.

Việc thương cho đồng không phải là thương hai con như nhau, mà là cùng một thời điểm, có thể thương cậu anh nhỉnh hơn, có thể lúc khác lại thương em hơn một chút. Vì là tình yêu thương thì làm sao cân đong cho bằng.

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI