Ngưỡng chịu đựng của con người

18/07/2020 - 05:38

PNO - Phải chăng chỉ có yêu thương mới có thể đưa con người bước qua những cái ngưỡng khốc liệt ngoài sức tưởng tượng như vậy?

Tin về ca đại phẫu dài 12 giờ với 100 y - bác sĩ tiến hành tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), tách hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, trong những ngày qua gần như phủ khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Mọi người, dù có bật thành lời hay lặng im đọc từng dòng tin, xem từng bức ảnh có lẽ đều chung một xúc cảm: thương quá!

Cha mẹ Trúc Nhi và Diệu Nhi xúc động khi 2 con gái vào phòng mổ
Cha mẹ Trúc Nhi và Diệu Nhi xúc động mạnh khi 2 con gái được đưa vào phòng mổ

Thương cho hai con tí tuổi đầu da còn thơm mùi sữa. Nụ cười, ánh mắt trong veo chưa hiểu được bao nhiêu chuyện đang diễn ra xung quanh mình, chưa biết được mấy người quen ngoài cha mẹ mình, đã nằm trên chiếc băng ca với những đường dao cắt da xẻ thịt. 

Suy cho tận cùng, nỗi sợ hãi luôn được sinh ra từ sự hiểu biết. Vì mình biết nên mình sợ. Trẻ con không biết nên trẻ cứ sóng sánh niềm vui không màng đến hiểm nguy, kể cả là khi đặt chân lên lằn ranh sinh tử. Nhìn hai em vẫn đùa giỡn với nhau, ngồi lên đùi cha miệng toe toét cười, tôi không thể giữ cho giọt nước nằm yên trong khóe mắt mình. 

Những ánh mắt, tiếng cười của trẻ con luôn là thứ níu giữ lương tri con người. Dù cho thế sự đổi dời ra sao thì vị trí của lương tri trong con người vẫn còn mãi và lan tỏa. Có ai đó đã từng nói: “Trẻ con cứu rỗi thế giới”! Điều đó chưa bao giờ sai. Không có lòng trắc ẩn với trẻ con, không có tình yêu thương trẻ con, chữ “người” khâu vá đắp đổi kiểu gì cũng không bao giờ lành lặn. 

Thương và cảm phục đội ngũ y - bác sĩ, với tất cả tình yêu bệnh nhân, đã trải qua những giờ phút căng thẳng nhất.

Thương và khâm phục cha mẹ của hai bé khi đã dũng cảm quyết định giữ con dù chúng không nguyên vẹn hình hài. Nhìn hai vợ chồng còn rất trẻ xoa đầu con, cúi người, đưa tay lau nước mắt khi đưa hai bé vào bên trong phòng mổ, tôi lặng cả người. Có ai hình dung 720 phút trôi qua, bên ngoài cánh cửa im lìm đó, hai trái tim ấy đang rung lên những nhịp như thế nào? Tôi khó nhọc nghĩ đến 720 phút là bao nhiêu lâu để hình dung ra tảng đá nặng khủng khiếp đè lên người cha người mẹ ấy.

Nước mắt lăn dài trên mặt bé 2 bé khi ca mổ thành công
Nước mắt lăn dài trên mặt mẹ của 2 bé suốt ca phẫu thuật dài 

Không dưng tôi nhớ đến mẹ mình ngày ký hoàn tất hồ sơ lúc em tôi mổ sinh em bé. Mẹ cầm cây bút không được, bàn tay phải cứ run lên liên tục như người bị chứng Parkinson. Tôi phải cầm tay, mẹ mới quẹt được một nét bút chẳng ra hình thù gì.

Mẹ tôi ngồi rũ người trên hành lang vắng lặng, chốc chốc hỏi tôi đã mấy giờ. Mặc mấy cái áo mẹ cũng cứ hỏi tôi “con lạnh không con” vì sợ tôi cũng lạnh như mẹ. Chân nọ vắt lên chân kia hết co rồi duỗi. Tôi có cảm giác hai tiếng đồng hồ như 20 năm lướt qua đời mẹ.

Khi người ta báo ca mổ đã xong, em và cháu tôi vuông tròn đầy đủ, mẹ khuỵu xuống nơi bậc cầu thang, tay ôm ngực, nước mắt cứ vậy chảy dài. Tôi chưa từng thấy mẹ khóc nhiều như vậy.

Tôi nhớ đến lời chị đồng nghiệp mới nói với mình hôm qua: “Nó nằm ngoài ghế đá, nhìn vào phòng hồi sức, khóc và cầu nguyện” khi đi thăm cô em đồng nghiệp vừa sinh xong, con cô ấy có vấn đề sức khỏe nên cũng phẫu thuật. Tôi hình dung điều em đang trải qua. Nó tựa như ai đó mang trái tim mình ra để trên bàn bắt mình ngồi nhìn nó đập. Điều ấy kinh khủng và thương cảm đến nỗi bản thân mình chỉ có thể cầu xin đừng có bất kỳ ai phải đi những chặng đường đó. Đừng có bất kỳ ai đứng trước những chọn lựa quá ngưỡng chịu đựng như vậy!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chưa bao giờ như lúc này, tôi thấy rõ hình khối của những thứ quá ngưỡng chịu đựng của con người đang tồn tại trong cuộc sống. Không loại trừ một ai, như một quả tú cầu được gieo từ trên cao, mọi người đều có cơ hội ngang nhau trong hạnh phúc cũng như ngang nhau trong những bất trắc trên đời. Để rồi khi có dịp chứng kiến những điều diễn ra hôm nay, ca phẫu thuật hai bé, chúng ta giật mình nhìn lại những thứ mình đang trải qua, để thấy vấn đề bản thân đối diện không sánh vào đâu so với vấn đề của người khác. 

Chúng ta giật mình tự hỏi phải chăng chỉ có yêu thương mới có thể đưa con người bước qua những cái ngưỡng khốc liệt ngoài sức tưởng tượng như vậy? Chúng ta giật mình như khi nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa để tin vào những điều kỳ diệu luôn hiện hữu. Và phép màu không chỉ có trong cổ tích. Trúc Nhi - Diệu Nhi, mọi người tin các con sẽ mạnh mẽ vượt qua “cái ngưỡng” đầy cam go này, bởi tình yêu thương của bao người.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI