Nghệ sĩ Tấn Hoàng: Kiếp sau, nếu làm người, tôi cũng xin được làm diễn viên

11/08/2016 - 09:43

PNO - Tôi thấy mình chỉ có được mà không mất gì. Được phục vụ khán giả và được khán giả yêu mến. Tôi cũng không hối hận vì đã không làm kỹ sư, bác sĩ.

Hơn 30 năm theo nghề diễn, đoạt 2 HCV, 2 HCB trong các cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đóng trên dưới vài chục phim truyền hình, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trong chương trình Tình boléro (Đài Truyền hình Vĩnh Long) từ vài tháng nay, tên tuổi của Tấn Hoàng mới bỗng dưng rất “hot”.

Bị anh mê hoặc bằng chất giọng ngọt buồn trên màn hình vào mỗi tối thứ Hai, khi đến sân khấu Kịch Sài Gòn khán giả đã dọa “không có Tấn Hoàng là trả vé” khiến suất diễn nào anh cũng phải góp một vai. Từ lúc nổi tiếng cùng boléro, anh còn có thêm sô ở phòng trà sau khi tấm màn sân khấu buông xuống lúc 10g đêm. Ngày nào lịch làm việc cũng kín mít từ sáng đến khuya, điện thoại thì réo liên hồi muốn cháy máy, có khi dắt xe ra về lúc nửa đêm, anh ngớ người chợt nhớ cả ngày quên ăn. “Mệt mà không dám than, sợ tổ lấy lại”, Tấn Hoàng cười mà mắt rưng rưng. Anh hạnh phúc vì mấy mươi năm lặng thầm theo nghề diễn, không ngờ lại nhờ tiếng hát mới nhận ra mình được khán giả thương đến vậy.

Nghe si Tan Hoang: Kiep sau, neu lam nguoi, toi cung xin duoc lam dien vien
Nghệ sĩTấn Hoàng trong chương trình Tình boléro

* Thật ngạc nhiên khi thấy nghệ sĩ (NS) hài Tấn Hoàng xuất hiện trong chương trình Tình bolé ro, lại thể hiện một giọng ca hớp hồn người nghe...

- Lúc đầu, khi được mời, tôi từ chối vì nghĩ mình đã qua thời tuổi trẻ, ngại thi đua, nhưng sau mới biết chỉ là cuộc chơi giữa các NS với nhau nên nhận lời. Thực ra, trong máu tôi đã có bolé ro từ lâu. Đi tấu hài, thỉnh thoảng hứng lên tôi ca vài câu, khán giả vỗ tay rần rần nên nhân dịp này cũng muốn thử “chơi” xem sao. Tôi không có thời gian để tập nhiều nên chỉ hát “chay”, đến giờ là ra cầm mic hát, không thích có múa minh họa. Mình từng tuổi này mà hát còn ôm “con”, ôm “cháu” thấy vừa kỳ kỳ, vừa mất tập trung.

* Thuở nhỏ, nghe nói anh là “công tử” bỏ nhà theo cải lương?

- Cũng gần đúng như vậy. Tôi là con thứ sáu trong gia đình có tám anh chị em. Ba tôi là kỹ sư điện máy rất giỏi nghề. Có một thời gian dài, ông lãnh công trình ráp dây chuyền thực phẩm gia súc cho hầu hết các nhà máy từ Nam ra Bắc, xưởng lúc nào cũng có mấy chục thợ. Tôi sống cùng gia đình ở một biệt thự trên đường Điện Biên Phủ, Q.3. Các anh chị em đều theo nghề ba, riêng tôi không biết sao lại mê cải lương từ nhỏ. Năm 17 tuổi, tôi bỏ học đi theo đoàn hát, lưng vốn là một tháng học ca với danh cầm Văn Vĩ.

Ba tôi nói, theo nghề xướng ca tương lai làm sao sống được nên kêu má tôi xuống Sóc Trăng bắt tôi về. Lúc đó, tôi đang sốt nặng. Tôi khóc, má cũng khóc. NS Diệp Lang nói với má tôi: “Nó yêu nghề quá, hồi đó tui cũng vậy, chị về đi, để tui lo”. Từ đó, tôi làm đệ tử Diệp Lang. Ông nghiện cà phê đen, hút thuốc Hoa Mai, cứ đến cữ 6 giờ chiều là tôi phải chạy đi mua. Tôi học ở ông cách đi vào tâm lý nhân vật. Trong đoàn còn có danh hài Tư Rọm nổi tiếng với cách diễn đơn giản, tự nhiên nhưng hiệu quả. Tôi hay mua thuốc lá Smit “nịnh” ông để được truyền bí kíp. Ông hay nói, diễn viên mà diễn xuất thứ nhất và thứ một trăm giống y nhau thì giải nghệ đi, vì đó là cái máy chớ không phải con người. Tôi học ông nên diễn không đêm nào giống đêm nào mà luôn làm mới tâm lý, cho mình và cho cả khán giả.

* Có lúc nào khó khăn quá anh muốn bỏ hết quay về nhà không?

Cực nhất là thời đi theo cải lương (đoàn Sài Gòn 2) khoảng những năm 1979-1980, vừa túng thiếu vừa bị chèn ép, khiến có lúc chán nản nhưng dường như có một lực gì bên trong cứ níu giữ mình lại, dứt khoát không bỏ. Có lần, tối tôi nhậu rồi ngủ ngay trên thớt thịt ở chợ Năm Căn (Cà Mau), sáng dậy ghe đoàn đi mất, trong túi không có đồng nào, phải năn nỉ xin đi nhờ tàu khách Năm Căn - Cần Thơ, chạy hai ngày một đêm mới tới nơi.

Ngồi trên tàu, bụng tôi đói sôi, thấy thằng nhỏ ăn bánh mì mà thèm. Thằng nhỏ kén ăn, bị má nó la, bà đưa khúc bánh mì cho tôi rồi nói “phải ăn như chú nè”, được thể, tôi cầm cắn được một miếng to. Đến tối, thấy má thằng bé nhắm mắt ngủ, dặn “con ăn nghe”, tôi lại lấy ổ bánh mì “dạy” nó ăn, nhờ vậy mà tạm qua cơn đói. Tìm được đến chỗ đoàn hát, tôi suýt bị đuổi vì lý do “sao đoàn đi không có mày”. Tôi quỳ lạy ban phụ trách, nhờ soạn giả Yên Lang lúc đó là phó đoàn thương tình cho ở lại. Những lúc túng thiếu, nếu tôi viết thư về nhà xin là có tiền nhưng lại sợ ba má thấy khổ quá bắt tôi về nên không dám viết, cứ ráng mà chịu. Đã vậy, theo đoàn có được làm kép chính, kép phụ gì cho cam, chỉ làm quân sĩ, bữa nào có vai được vài câu thoại là mừng, 7g30 mới mở màn mà 6g đã hí hửng làm mặt.

* Rồi đến khi nào “đời” mới “gọi tên anh”?

- Thường trước giờ diễn chính, đoàn có tiết mục tấu hài, tôi hay diễn với Giang Thảo. Khi tấu hài có uy tín, đoàn mới cho tôi vài vai phụ trong vở chính và cho lên hình trước mặt tiền rạp. Một lần nhậu hơi sương sương, NS Tư Rọm vỗ vai tôi: “Mày có duyên lắm đó, ráng cố gắng đi”. Nghe vậy, tôi mừng lắm. Rồi vào một đêm cúng tổ ở Cần Thơ, đoàn tuyên bố Tấn Hoàng lên… diễn viên, cùng lúc có hình lên rạp. Tôi ngồi ngắm hình của mình hoài, sung sướng quá chừng. Lúc đó, tôi được giao hai vai nho nhỏ là thiếu úy Vinh trong vở Khách sạn hào hoa và hạ sĩ Bảy trong Tìm lại cuộc đời.

* Ở sân khấu cũng như trên phim truyền hình, anh thường vào những vai có số phận long đong, sao khán giả vẫn gọi anh là NS hài?

- Vì sau khi rời sân khấu cải lương, tôi có đến 25 năm đi tấu hài, lập nhóm lần lượt với các NS: Văn Chung, Kim Ngọc, Duy Phương, Bảo Chung. Suốt mấy chục năm đó, tôi sống nhờ tấu hài, có ngày chạy đến trên mười sô, tiền bạc rủng rỉnh. Đến khi tấu hài thoái trào, tôi mới về đầu quân cho Kịch Sài Gòn, diễn các vở dài. Thật ra, những vai tôi đóng như đã kể trên hầu hết là thuộc loại bi hài. Khán giả không thích cười suông, còn Tấn Hoàng thì diễn theo nhân vật, không bao giờ để cái tôi của Tấn Hoàng vào trong đó. Tôi muốn đem đến cho khán giả tiếng cười thâm thúy chứ không phải chỉ cười giòn tan.

* Là diễn viên chủ lực của Kịch Sài Gòn nhưng tên tuổi Tấn Hoàng dường như không mấy nổi đình nổi đám?

- Vì tôi không muốn chơi nổi mà nương theo diễn viên, vở diễn, nhìn trước, nhìn sau, nhìn anh, nhìn em. Tôi luôn nhường nhịn, để lên cùng lên, xuống cùng xuống. Đối với đàn chị, đàn anh, tôi kính trọng; đối với đàn em, tôi nâng đỡ, có khi quên cả mình. Nhiều lần tôi tập cho mọi người đã rồi quên không biết mình diễn ở đâu, có lúc không có vai, đành phải ra “quậy” chút xíu. Khi có vở mới, tôi thường nói với ban phụ trách “phân cho các em hết đi rồi anh kiếm chỗ nào đó anh nhảy vô”. Vậy mà mấy vở đó đều thành công.

Sân khấu Kịch Sài Gòn thiên về hài, kinh dị nhưng tôi làm đạo diễn bốn vở đều hướng các em trẻ theo xu hướng hài nội tâm để khán giả không quay lưng với mình. Hiện tôi làm quên ăn quên ngủ là để đáp lại cái tình của anh em ở đây. Cuộc sống của Tấn Hoàng lâu nay ổn định là nhờ Kịch Sài Gòn cưu mang. Những lúc đau ốm, khó khăn như vừa qua, anh em ở Kịch Sài Gòn, nhất là NS Mạnh Tràng đã lo hết cho Tấn Hoàng. Ơn đó, Tấn Hoàng không bao giờ quên.

* Thời tấu hài đắt sô tiền nhiều, anh dùng làm gì mà lúc nào cũng thấy anh rất… hoàn cảnh?

- Tôi chia sẻ cho người thân, phụng dưỡng cha mẹ, lo cho em út, các cháu… nói chung là lo cho cả nhà. Tôi không bao giờ có tiền nhiều trong túi. Khi nhận sô, chưa lãnh tiền đã biết phải chi cái gì. Lãnh tiền ra, làm cái rụp là hết luôn.

* Nhìn lại mấy mươi năm theo nghề diễn, cái được, cái mất theo anh là gì? Có bao giờ anh hối hận vì ngày trước đã không nghe lời ba má học một nghề khác cho ấm thân hơn?

- Tôi thấy mình chỉ có được mà không mất gì. Được phục vụ khán giả và được khán giả yêu mến. Tôi cũng không hối hận vì đã không làm kỹ sư, bác sĩ. Tôi thành danh ở nghệ thuật cũng làm cho ba má hãnh diện, tự hào. Càng về sau, ba má càng yêu thương tôi, đứa con đã cãi lời ba má, vì từ chỗ tưởng tôi là đứa con hư, lại là đứa con sống hiếu nghĩa. Cho đến lúc mãn phần, ba má tôi đã rất hài lòng về thằng con “lạc loài” của mình. Kiếp sau, nếu làm người, tôi cũng xin được làm diễn viên.

* Người ta nói “lấy vợ như rợ buộc chân”, Tấn Hoàng lại tự “buộc chân” mình từ tuổi… teen. Thuở mới vào nghề, kinh tế khó khăn mà anh dám lập gia đình, lại “ngoan ngoãn” một vợ, một hồng suốt hơn 30 năm. Điều gì khiến anh làm được điều đó?

- Tính tôi xưa nay thường không nghĩ nhiều, cứ tới đâu hay tới đó. Chuyện lấy vợ cũng vậy. Vợ tôi là hàng xóm cách nhà tôi ba, bốn căn. Chúng tôi là bạn từ nhỏ nên thường xưng hô mày, tao với nhau. Năm tôi 18 tuổi, đi cải lương, nghĩ mình đã thành NS nên về nhà “lối” lắm, ra vào cứ ca vọng cổ lấy “le”, rồi một bữa dõng dạc nói… “yêu” với cô bạn hàng xóm. Lúc đó, cô bạn trừng mắt nhìn tôi, hỏi “mày khùng hả?” vì cô lớn hơn tôi hai tuổi. Vậy mà không hiểu sao, sau đó cô lại chịu.

Ông già cô nói tôi là thứ xướng ca vô loài nên cấm, nhốt con gái lại, bắt cắt đứt quan hệ, nhưng cô quyết theo tôi. Lúc cưới tôi 18, vợ 20. Cũng vì câu nói của ông già vợ mà tôi thề làm ngược lại. Đúng như lời thề, 30 tuổi tôi có sự nghiệp, ngày chạy 13 sô, kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi sống với nhau yên ổn tới giờ, đã hơn 35 năm vẫn không thấy… cũ, có với nhau hai người con, một trai, một gái, giờ lại thêm sáu đứa cháu nội ngoại. Suốt ngày bận bịu bên ngoài, lúc về nhà, chỉ cần bưng tô cơm nguội lên ăn là tôi thấy bình an, hạnh phúc.

* Người ta nói thành công của Tấn Hoàng ở Tình bolé ro là nhờ có giọng ca buồn não nuột. Chắc anh phải từng trải những cuộc “tình đau” chứ?

- Tôi yêu năm 17, 18 tuổi, lấy người mình yêu và yên ổn cho tới giờ, làm sao có chuyện tình đau được. Chỉ là tôi chứng kiến nhiều chuyện thất tình của bạn bè. Cuộc đời tôi không trường lớp, không bằng cấp nhưng trường đời thì trải nghiệm nhiều. Khán giả thường hỏi thầy tôi là ai? Thầy tôi chính là cuộc đời, là ông xe ôm, là bà bán vé số… Bản thân tôi cũng có nhiều nỗi buồn nên hợp với bolé ro. Chuyện thế thái nhân tình thì tôi đau nhiều lắm, cứ nghĩ ai cũng như mình, đến khi bị đá nhiều vố bất ngờ mới thấm thía.

* Giờ anh còn gì để lo, còn gì để ước muốn?

- Lo nhất là sức khỏe vì gan của tôi đã bị yếu. Còn ước muốn là muốn những vở diễn của mình truyền tải được đến khán giả luật nhân quả để đẩy lùi cái xấu, vì khi nghĩ tới luật nhân quả, người ta không dám làm ác. Tôi mong mấy em diễn viên thế hệ sau biết trân trọng khán giả hơn nữa. Khán giả bỏ tiền, bỏ thời giờ đến coi mình diễn mà mình giỡn cợt, coi thường là có lỗi với khán giả nhiều lắm. Tôi ước anh em NS đồng nghiệp có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau, đừng cư xử theo kiểu bằng mặt mà không bằng lòng, sống khiêm hạ, đừng vênh vang nghĩ mình có hào quang, đừng bao giờ cho mình là số 1, vì trước số 1 là số không.

Cát Vũ  (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI