Ngày càng nhiều phụ nữ Úc chọn làm mẹ đơn thân

24/01/2023 - 17:01

PNO - Ngày càng có nhiều phụ nữ ở Úc chọn làm mẹ đơn thân bằng cách kết nối với những người hiến tặng tinh trùng.

Ở tuổi 30, đôi khi Carrie Cooper-Moore khát khao được làm mẹ, nhưng cô không muốn kết hôn.

Cô Carrie Cooper-Moore và các con
Cô Carrie Cooper-Moore và các con

Carrie Cooper-Moore, 41 tuổi - giám đốc PR ở Geelong - trải lòng: “Khi nhìn lại, khoảng thời gian thú vị và vui vẻ là khi tôi còn độc thân. Tôi rất vui khi được đi du lịch một mình, đi xem phim một mình và ăn một mình. Khi ở trong một mối quan hệ, tôi không bao giờ thấy thoải mái và hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi khao khát được làm mẹ" - Carrie Cooper-Moore nói.

Và rồi, cô quyết định làm mẹ đơn thân.

Hiện Cooper-Moore là mẹ của 2 con, bé Jonathan 3 tuổi và Aisling 6 tháng tuổi. Cả hai đều là những đứa trẻ được thụ thai thông qua IVF, từ tinh trùng hiến tặng. 

Cooper-Moore là một trong rất nhiều phụ nữ ở Úc chọn làm mẹ đơn thân. Tại bang Victoria, vào năm 2022 đã có 804 phụ nữ độc thân sinh con nhờ tinh trùng hiến tặng (tăng 15% so với năm 2015). Tuy nhiên, con số này dường như không thể hiện đầy đủ, đúng mức về xu hướng chọn làm mẹ đơn thân của phụ nữ Úc. 

Giáo sư Luk Rombauts - Chủ tịch Hiệp hội Sinh sản Úc - cho biết, khi ông bắt đầu làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cách đây 20 năm, việc phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân “hầu như không có”. “Bây giờ, xu hướng này đang gia tăng nhanh chóng" - ông nói.

Giáo sư Rombauts - giám đốc y tế và quốc gia của Monash IVF - cho biết, số liệu thống kê của công ty cho thấy, từ năm 2019 - 2021, tỉ lệ phụ nữ độc thân làm IVF hoặc ART đã tăng 65%. Và “Cứ 10 người thì có 1 người chọn làm mẹ đơn thân”.

Single Mothers By Choice Australia (SMC, tức lựa chọn làm mẹ đơn thân), cộng đồng trực tuyến và nhóm hỗ trợ được thành lập vào đầu những năm 2000 bởi 2 phụ nữ đến từ Queensland ban đầu có 30 thành viên, đến nay đã có hơn 2.500 người trên toàn nước Úc tham gia, mỗi năm tăng thêm khoảng 200 thành viên.

Có nhiều lý do khác nhau để phụ nữ chọn trở thành mẹ đơn thân. Như Cooper-Moore, cô cảm thấy không nhất thiết phải kết hôn. Những người khác, như bác sĩ Sydney Lucy Jones, 42 tuổi, cảm thấy mình "quá lứa lỡ thì" mặc dù vẫn hẹn hò. Vì vậy, họ chủ động tự sinh con.

Jones nói: “Tôi bắt đầu hành trình IVF vào năm 38 tuổi. Thời điểm đó tôi vẫn đang hẹn hò và gặp gỡ một số người nhưng họ đã có con và không muốn sinh thêm”.

Giống như Cooper-Moore, cô Jones quyết định trở thành mẹ đơn thân. Tuy nhiên, cô vẫn mong muốn tìm được người phù hợp để xây dựng gia đình.

Với những phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân, điều họ trăn trở nhất là các khoản chi phí. Cooper-Moore ước tính cô đã chi hết 30.000 đô la Úc để sinh con, chi phí mà Jones bỏ ra cũng tương đương.

Ngoài chi phí để thụ tinh nhân tạo, làm IVF, Cooper-Moore còn phải chi tiền mua thuốc men, khám bác sĩ tâm lý. “Nó ngốn cạn tài khoản tiết kiệm của tôi và tôi đã rút hết tiền hưu trí của mình” - cô nói.

Jones cho rằng việc tìm người hiến tặng tinh trùng là vô cùng quan trọng. Lúc đầu, cô tìm đến các ngân hàng tinh trùng địa phương, cô chỉ được đưa ra 2 lựa chọn, cả hai đều không đáp ứng yêu cầu của cô. “Tôi muốn tránh các bệnh di truyền cũng như nắm được hồ sơ sức khỏe của người hiến tặng. Vì vậy, tôi đã đến Mỹ” - cô nói.

Cả Cooper-Moore và Jones đều ổn định về tài chính, có sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Họ cho rằng, việc chủ động trở thành mẹ đơn thân sẽ khiến mình không phải gặp rắc rối, áp lực hay tranh cãi với bạn đời trong việc nuôi dạy con cái. 

Hồng Chi (theo The Age)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI