Rắc rối hành trình làm mẹ nhờ tinh trùng hiến tặng

24/10/2022 - 06:59

PNO - Ngày nay, nhiều phụ nữ chọn trở thành mẹ đơn thân với sự giúp đỡ từ người hiến tinh trùng. Theo Cryos International - ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới - khoảng 50% phụ nữ nhận tinh trùng hiến từ Cryos là mẹ đơn thân. Tuy nhiên hành trình làm mẹ đơn thân của họ rất khó khăn.

Dự luật gây tranh cãi

Trong nhiều thập niên qua ở Nhật Bản, các cặp đồng tính và phụ nữ độc thân thường dựa vào việc hiến tặng tinh trùng để có con. Tuy nhiên, một đạo luật được đề xuất dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2022 sẽ cấm những người đồng tính nữ và phụ nữ độc thân ở Nhật Bản có con nhờ tinh trùng hiến tặng.

Satoko Nagamura chăm sóc cậu con trai 10 tháng tuổi - đứa trẻ ra đời bằng tinh trùng do một người bạn hiến tặng - ẢNH: AFP
Satoko Nagamura chăm sóc cậu con trai 10 tháng tuổi - đứa trẻ ra đời bằng tinh trùng do một người bạn hiến tặng - Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, dự luật tìm cách kiểm soát quy trình thụ tinh nhân tạo, bảo vệ quyền được biết cha mẹ ruột của trẻ em, giới hạn số người nhận từ một người hiến tặng. Đáng lưu ý, dự luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng đã kết hôn hợp pháp, bị vô sinh được thụ tinh nhờ tinh trùng hiến tặng. Nhật Bản hiện không công nhận hôn nhân đồng tính nên các cặp đồng tính nữ, phụ nữ độc thân muốn sinh con không hài lòng với động thái này. Họ cảm thấy như đang bị cướp đi quyền được sinh con. Các cặp đôi từng có con nhờ tinh trùng hiến tặng cũng lo sợ rằng đứa con của họ có thể bị kỳ thị. 

Kozo Akino - nhà lập pháp tham gia vào việc soạn thảo dự luật - lập luận rằng quyền của trẻ em sẽ được bảo vệ tốt nhất bởi “cha mẹ kết hôn hợp pháp có quyền nuôi con chung”. Một số bác sĩ ủng hộ luật nói rằng phương pháp điều trị vô sinh bằng tinh trùng hiến tặng sẽ được xã hội chấp nhận nhiều hơn. Mamoru Tanaka - giáo sư sản khoa tại Bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo - cho biết: “Hy vọng của tôi là với luật pháp, việc điều trị vô sinh bằng tinh trùng hiến tặng sẽ được coi là hợp pháp hơn và trở thành xu hướng chủ đạo”. 

Ở hướng ngược lại, Satoko Nagamura (39 tuổi) và bạn gái Mamiko Moda (42 tuổi) bày tỏ thất vọng với dự luật. Họ hiện là những bà mẹ đầy tự hào của cậu con trai 10 tháng tuổi, ra đời nhờ tinh trùng do một người bạn hiến tặng. Các tổ chức cung cấp dịch vụ hiến tặng tinh trùng và thụ tinh nhân tạo thường tuân theo hướng dẫn của Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản (JSOG). Các hướng dẫn của JSOG là không ràng buộc, nhưng vẫn đủ sức nặng để khiến các bác sĩ e ngại khi thực hiện thụ tinh nhân tạo cho những người đồng tính nữ và phụ nữ độc thân. Nagamura chia sẻ: “Nếu dự luật được ban hành, một số bệnh viện đã chấp nhận chúng tôi sẽ không thể làm như vậy được nữa”. 

Lựa chọn mạo hiểm 

Ở Nhật Bản, một số phụ nữ và các cặp vợ chồng thường chọn cách nhận tinh trùng hiến tặng ẩn danh không qua kiểm tra để tránh những thủ tục phức tạp và hạn chế của hệ thống hiện có. 

Một động tác tìm kiếm thông thường trên Twitter cho thấy có hàng trăm tài khoản tình nguyện hiến tặng tinh trùng. Người tặng giới thiệu mình là người đẹp trai, có bằng đại học và có tài năng thể thao. Họ thường cung cấp cho người nhận tinh trùng để tự thụ tinh hoặc thông qua quan hệ trực tiếp. Nhiều bài đăng cho biết họ không yêu cầu chi phí nào khác ngoài chi phí đi lại. Điều này đã thúc đẩy cuộc tranh luận về động cơ của những người hiến tinh trùng, bao gồm cả việc họ chỉ đơn giản là muốn thỏa mãn nhu cầu tình dục.

Dù vậy, một người đàn ông quảng cáo “dịch vụ” trên mạng cho biết anh coi việc hiến tinh trùng cũng giống như hiến máu. Họa sĩ tự do 34 tuổi này chia sẻ: “Tôi có một cơ thể khỏe mạnh, vậy tại sao không sử dụng nó một cách tốt đẹp?”. Vợ của anh - một bác sĩ 32 tuổi - cho biết cô ủng hộ việc quyên góp tinh trùng của chồng mình, bởi cô muốn giúp những người khác trong cộng đồng LGBTQ được làm mẹ.

Trên thực tế, ngay cả khi được quản lý, việc nhận tinh trùng từ những người hiến tặng ẩn danh có thể là một lựa chọn mạo hiểm. Khi Wendy và Janet Norman quyết định có con, họ đã đến Xytex - một ngân hàng tinh trùng ở Mỹ. Cặp đôi đã chọn mẫu số 9623. Xytex cho cặp đôi biết rằng người đàn ông hiến tinh trùng có thể nói nhiều thứ tiếng và đang theo học bằng tiến sĩ. Xytex cũng đảm bảo việc sàng lọc cẩn thận tất cả những người hiến tặng bằng cách xem xét tiền sử sức khỏe gia đình, hồ sơ tội phạm, khám sức khỏe và phỏng vấn chuyên sâu để xác minh thông tin. Nhưng sau khi Wendy Norman hạ sinh con trai vào năm 2002, cặp đôi được biết con họ mắc chứng rối loạn máu di truyền mà Wendy không phải là người mang gen bệnh. Qua điều tra, họ biết thêm rằng người hiến tặng - James C. Aggeles - đã nói dối ngân hàng tinh trùng về thông tin cá nhân và Xytex đã không xác minh thông tin đầy đủ. Thất vọng, gia đình Norman đã khởi kiện Xytex. 

Đáng lưu ý, nhiều gia đình khác cũng kiện ngân hàng tinh trùng sau khi những đứa trẻ ra đời bị mắc nhiều chứng rối loạn di truyền từ người hiến tặng. Mặt khác, sự ra đời của các công ty xét nghiệm DNA cho phép truy vấn gia phả, chẳng hạn như 23andMe và Ancestry.com, đã dẫn đến nhiều phát hiện bất ngờ, khi một người hiến tặng ẩn danh có thể là cha của hàng chục đứa trẻ mà không có chỉ dấu xác định huyết thống giữa các anh chị em. Do đó, sự kiểm soát và quản lý về mặt hiến tặng tinh trùng là cần thiết. Tuy nhiên các quy định không nên trở thành trở ngại cho những phụ nữ mong muốn được làm mẹ, bất kể bên cạnh họ có bóng dáng người đàn ông hay không. 

Linh La (theo ABC, Conversation, Cryos, AFP, ACS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI