Có một sự "hồi phục" của du lịch châu Á trong đại dịch COVID-19

12/07/2020 - 16:33

PNO - Trước khi đại dịch phong tỏa hầu hết các chuyến du lịch quốc tế, mỗi năm có hàng triệu người đổ về các bãi biển cát trắng ở Đông Nam Á, thăm thú những ngôi đền cổ và chiêm ngưỡng thế giới động vật hoang dã đa dạng.

Theo CNN, năm ngoái, 133 triệu khách du lịch đã đến thăm khu vực này, với lượng tăng chủ yếu thuộc về du khách Trung Quốc - hiện là thị trường lớn nhất thế giới cho du lịch nước ngoài.

Du khách đổ về thiên đường du lịch Maya Bay ở Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post
Du khách đổ về thiên đường du lịch Maya Bay ở Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Ở một số nơi, đám đông du khách trở nên dữ dội đến mức khiến người dân địa phương, các nhà môi trường và thậm chí cả chính phủ phàn nàn rằng tình trạng quá tải du lịch đang đẩy hệ sinh thái mỏng manh của khu vực đến điểm bị phá vỡ. San hô chết, sinh vật biển biến mất, các di tích văn hóa bị hư hại và những hòn đảo yên bình tràn ngập nhựa và các chất thải của con người mà ai cũng đổ lỗi cho quá nhiều khách du lịch, cũng như sự phát triển không được kiểm soát nhằm thu hút và phục vụ cho du khách.

Sau đó, đại dịch COVID-19 nổ ra khắp toàn cầu, các nước bắt đầu cách ly phong tỏa, du lịch quốc tế giảm đáng kể, khách du lịch biến mất.

Đối với các quốc gia như Campuchia, nơi du lịch đóng góp vào khoảng 30% GDP, tác hại của đại dịch thật khủng khiếp. Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho biết khu vực này ước tính “bốc hơi” 34,6 tỷ USD do đại dịch.

Khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch sẽ cạnh tranh giành du khách để tái thiết nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tạm dừng hoạt động du lịch trên toàn cầu mang đến cho các quốc gia một cơ hội chưa từng có để xây dựng lại ngành công nghiệp du lịch theo cách có lợi cho nền kinh tế, đồng thời tham gia bảo vệ hành tinh.

Philippines là một ví dụ. Là một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á, mỗi năm Philippines đón hàng triệu khách du lịch. Du khách đến thăm các hòn đảo nhiệt đới vì những bãi biển cát trắng và nước biển trong xanh.

Năm 2018, khách du lịch đến thăm đảo Boracay nhiều đến mức Tổng thống Roderigo Duterte đã có một phát biểu nổi tiếng rằng nơi này đã bị biến thành một "hầm phân", và ra lệnh đóng cửa Boracay trong 6 tháng để "dọn sạch". Bùng nổ du lịch đã khuyến khích các nhà khai thác vô đạo đức ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn tính bền vững, khi số lượng du khách tăng lên, các công trình bất hợp pháp được xây dựng gần bãi biển, nhiều công trình có ống nước thải xả thẳng ra biển.

Sau khi đóng cửa dọn dẹp, đảo Boracay mở cửa trở lại vào tháng 10/2018 với giới hạn mới về số lượng du khách là 6.000 người (trước kia là 19.000 người), cấm hút thuốc và uống rượu trên bãi biển. Các khách sạn phải được công nhận và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, bao gồm cả xử lý chất thải thích hợp và khu vực không xây dựng được mở rộng đến 30 mét từ bờ biển.

Cảnh sát tuần tra bãi biển trên đảo Boracay của Philippines - Ảnh: AFP/Getty Images
Cảnh sát tuần tra bãi biển trên đảo Boracay của Philippines - Ảnh: AFP/Getty Images

Một số nơi như Thái Lan, thiên nhiên bắt đầu phục hồi sau thời gian cách ly, phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Người ta nhìn thấy rùa xanh và rùa da làm tổ trở lại trên các bãi biển, con dugong (bò biển) đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển Trang, tỉnh Mueang Thap Thiang, phía nam Thái Lan.

Tổng cục trưởng Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật Thái Lan Thanya Netithummakun cho biết: "Tại bãi biển Maya, chúng tôi thấy các nhóm cá mập san hô đen, tại đảo Similan, chúng tôi thấy cá heo, cá mập voi và ở nhiều khu vực chúng tôi thấy rùa đẻ trứng, ngay cả các công viên quốc gia trong đất liền chúng tôi cũng thấy những động vật quý hiếm như hổ".

Sự phục hồi của động vật hoang dã khiến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan quyết định mỗi năm đóng cửa các công viên quốc gia trong hai tháng. Ngoài ra, từ trước đại dịch, nhà chức trách du lịch Thái Lan đã nỗ lực giảm số lượng du khách trên các hòn đảo nổi tiếng, ví dụ, quần đảo Chumporn chỉ cho phép 400 khách mỗi ngày, quần đảo Similan chỉ nhận nửa số lượng khách so với trước đây.

Một trong những bãi biển nổi tiếng nhất của Thái Lan - Maya Bay – điểm ghi hình của bộ phim nổi tiếng The Beach (Bãi biển) vào năm 2000, nơi mỗi ngày từng đón 5.000 khách, đã bị đóng cửa kể từ tháng 6/2018 để cải tạo môi trường biển (trồng san hô) và khả năng mở cửa sớm nhất là vào tháng 6/2021.

Trong một số trường hợp, truyền thông xã hội thu hút khách du lịch đến một địa điểm cụ thể nhanh hơn nhiều so với mức chính quyền có thể kiểm soát. Ví dụ, những ngôi đền ở Bagan, Myanmar, đã trở nên vô cùng nổi tiếng với người dùng Instagram.

Những ngôi đền ở Bagan, một thành phố cổ và là Di sản Thế giới của UNESCO ở Myanmar – Ảnh: AFP/Getty Images
Những ngôi đền ở Bagan, Myanmar - một thành phố cổ, được UNESCO công nhận là di sản thế giới (Ảnh: AFP/Getty Images)

Công nghệ đã giúp giảm lượng khách đến các địa điểm nổi tiếng ở châu Âu. Các phòng trưng bày và bảo tàng ở các thành phố lớn như Paris, Florence hay Barcelona ​​có các phương pháp kiểm soát đám đông nhằm hạn chế lượng người tràn vào. Các phương pháp tương tự có thể được sử dụng cho các địa điểm du lịch tự nhiên trên khắp châu Á mà trước đây chưa bao giờ cần phải được bảo vệ khỏi những đám đông lớn.

Trong khi bán vé có thể giúp quản lý đám đông, ở một số nơi, các biện pháp kiểm soát cần phải mạnh mẽ hơn. Khu phức hợp Angkor Wat ở Campuchia là một địa điểm quan trọng có ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và lịch sử. Hơn hai triệu người đã đến thăm nơi này năm 2019, và mặc dù con số đó thấp hơn so với các năm trước, lượng khách đến Angkor Wat vẫn đe dọa cảnh quan của địa điểm này.

Chuẩn bị cho sự phục hồi

Đầu tháng này, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã công bố một sáng kiến ​​mới kêu gọi phục hồi có trách nhiệm cho ngành du lịch sau COVID-19. Các biện pháp được đề xuất như thu thuế du lịch (Bali, Indonesia, dự kiến thu 10 USD/du khách), tiến hành đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo, giảm tải du lịch, nhưng việc cắt giảm số lượng khách đến các điểm du lịch nên kết hợp với các chương trình bảo vệ sinh kế của người dân.

Đối với ông Thanya - Tổng cục trưởng Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật Thái Lan – “chìa khóa” là tìm sự cân bằng phù hợp. Ông nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm du lịch thân thiện với môi trường hơn, đồng thời thừa nhận du lịch đóng góp một phần lớn thu nhập quốc dân và tạo ra nhiều việc làm và tiền bạc cho người dân địa phương”.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI