Nạn bạo lực học đường: Sự hèn nhát, cứng nhắc của người lớn đôi khi trả giá đắt

20/04/2023 - 10:34

PNO - Thông thường, sau một sự việc đã rồi, người ta chép lưỡi “giá như”, “giá mà”… Giá mà thầy cô giành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với học sinh...

Những ngày gần đây, không ít người hoang mang trước cái chết nghi có dấu hiệu bị bạo lực học đường của em N.T. Y. N (học sinh trường chuyên ở Nghệ An). Cô bé 17 tuổi đã chọn hướng giải thoát không ai ngờ.

Từ đó, nhiều người đặt ra vấn đề: Cha mẹ, thầy cô có biết hết, hiểu hết sự nổi loạn trong suy nghĩ và hành động của con trẻ?

Sự ra đi của em N. T. Y. N( học sinh lớp 10 trường chuyên ở Nghệ An) để lại nhiều suy ngẫm.(Ảnh internet)
Sự ra đi của em N. T. Y. N( học sinh lớp 10 trường chuyên ở Nghệ An) để lại nhiều suy ngẫm (ảnh internet)

Có thâm niên đứng lớp gần 20 năm, nhưng mỗi lứa học trò đi qua với tôi là sự trải nghiệm mới mẻ. Khóa sau thay đổi khác hẳn khóa trước. Càng ngày các em biết chú ý đến hình thức sớm hơn, nhạy bén hơn, có chính kiến hơn và sự nổi loạn vì thế cũng trở nên khác biệt.

Nội quy của nhà trường có khi phải nhường chỗ cho sự thỏa hiệp. Một cô bé lớp 10 bị tịch thu điện thoại trong giờ học dám chạy ra khỏi lớp để dọa đâm đầu vào xe tải. Một cậu chàng lớp 12 nhất quyết nghỉ học nếu chủ nhiệm không cho ngồi gần bạn gái. Hay cậu bé lớp 7 ở Đà Nẵng lại tượng tưởng ra cảnh mình bị bắt cóc để phụ huynh và nhà trường có dịp khiếp hồn.

Nói trẻ con bây giờ "gì cũng biết" có lẽ đúng. Biết sớm nên hành động sớm. Các con nói lời yêu nhau khi đọc bảng chữ cái chưa rành. Mới lớp 6 đã đòi báo công an bắt cha mẹ vì “dám la con - đồng nghĩa con bị bạo hành tinh thần”…

Chưa nhận thức đúng đắn trách nhiệm của bản thân, nhưng quyền của mình thì tụi nhỏ lại rất rành. Quyền được tôn trọng, quyền riêng tư, quyền làm chủ tài sản cá nhân… Bởi thế nhiều cha mẹ đã sốc khi con không cho vào phòng riêng của con, không được to tiếng khi chúng đi học về trễ, không được kiểm soát tiền lì xì để sau đó choáng váng vì con dùng tiền ấy chơi tài xỉu, lô đề, nạp tiền game online…

Nhiều tbanj trẻ đang bơ vơ trong thế giới riêng mình (Ảnh minh họa)
Nhiều bạn trẻ đang bơ vơ trong thế giới riêng mình (ảnh minh họa)

Đánh con không được, la con không xong, phụ huynh gửi gắm việc giáo dục con cho nhà trường. Nhưng thực tế thầy cô cũng đang mất dần đi tiếng nói. Thầy cô sợ học sinh, sợ phụ huynh và dư luận xã hội. Nếu không may khẻ chiếc thước mỏng vào tay tụi nhỏ vì tội lười ghi bài, nhưng bị quay clip lại và tung lên mạng, việc tiếp theo của giáo viên là một mớ giải trình, có khi mất việc, bị ném đá trên mạng xã hội…

Quả bóng trách nhiệm luôn được đá qua đá lại sau mỗi vụ lùm xùm. Thầy cô nào cũng muốn trò ngoan, cha mẹ nào cũng mong con biết nghe lời và thành đạt. Tuy nhiên tâm sinh lý phức tạp của các bạn trẻ ngày nay là một thử thách.

Thử thách trước hết với cha mẹ. Bởi vậy có nhiều hội nhóm ông bố bà mẹ được lập ra để bày tỏ sự hoang mang, bất lực. Họ không biết làm gì để tiếp cận gần gũi với con. Rào chắn vô hình giữa cha mẹ và con cái đang bị đóng kín bởi chênh lệch tuổi tác, thế hệ. Dạy con kiểu “thương cho roi cho vọt” đã xưa rồi. Nhưng nói nhẹ nhàng thì “lờn thuốc”, trẻ đâu có nghe...

Thử thách tiếp theo dành cho các thầy cô. Đến trường bây giờ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải chú ý giữ gìn hình ảnh bản thân. Lỡ miệng hay lỡ tay đều có thể trở thành thảm họa.

Từ điển cuộc sống có từ “giá như” để biểu thị sự tiếc nuối. Thông thường, sau một sự việc đã rồi, người ta chép lưỡi “giá như”, “giá mà”… Giá mà thầy cô giành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với học sinh, thay vì chỉ chăm chú truyền đạt kiến thức. Giá như cha mẹ gần gũi tâm sự với con nhiều hơn sẽ đọc được suy nghĩ con đang muốn gì, lo gì…

Suy cho cùng từ suy nghĩ đến hành động là khoảng cách xa vời. Chỉ đến khi bị mất mát, tổn thương chúng ta mới nhìn lại sự việc và nhìn nhận bản thân mình. Nhưng sợ dây kinh nghiệm trong giáo dục con cái và học sinh, cha mẹ thầy cô rút mãi mà vẫn không hề ngắn bớt được.

Thế giới con trẻ vốn đã bao la, nay càng khó đoán trong thời kỳ công nghệ số. Chỉ cần cái nhấp nhuột là có vô vàn chuyện nhà, chuyện trường hiển thị. Chuyện tốt không hiếm nhưng chuyện tiêu cực cũng đầy rẫy. Bảo vệ con trong vỏ bọc vô trùng hay để chúng va đập với cuộc đời mà đánh cược hên xui?

Con trẻ cần được sống hồn nhiên và tràn ngập tình yêu (Ảnh internet)
Con trẻ cần được sống hồn nhiên và tràn ngập tình yêu (ảnh minh họa)

Kể cả nằm mơ cha mẹ, nào cũng muốn con khỏe mạnh trưởng thành. Nhưng tâm thế đón nhận những thay đổi bất thường của con thì vẫn nhiều người e ngại hoặc phủ nhận hoặc không dám đối diện. Sự hèn nhát, cứng nhắc của người lớn đôi khi phải trả bằng giá đắt. Mất tiền còn làm ra được, mất con còn lại duy nhất nỗi đau. Không gì là quá muộn khi gia đình và nhà trường bắt tay nhau thật chặt để hành động vì con trẻ.

Lâm Hoàng

(Giáo viên PTTH tại Thừa Thiên - Huế)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Mẹ 3 con 20-04-2023 21:49:23

    Tác giả viết rất đúng

  • Hồng Hạ 20-04-2023 15:34:29

    Đúng ý tôi, con nít giờ nhiều đứa làm nư dữ lắm

  • Thùy 20-04-2023 12:15:37

    Mình thấy học sinh bây giờ áp lực lắm. Không được hạnh phúc như ngày xưa. Ngày xưa thiếu ăn thiếu mặc nhưng có hạnh phúc đơn sơ của tuổi học sinh. Bây giờ no đủ, trường chuyên lớp chọn, chỉ làm học sinh thêm bất hạnh.
    Ngày ngày Cha mẹ lùa trẻ con chạy theo chương trình - hệ thống GD. Mấy tháng hè con có da có thịt, tụ trường vài tháng sức khoẻ kém đi thấy rõ gầy gò xanh xao. Ngày kiểm tra 15 phút, thi giữa kỳ vẫn phải học thuốc bài, chuẩn bị bài vở các môn khác, chẳng có thời gian nghỉ xen kẽ. Không có thời gian thong thả để ôn môn kiểm tra & nghỉ ngơi đầu óc. Trả bài cho con thì thấy nội dung nhàm chán ...chẳng có ích lợi thực tế, mà tất tần tật phải thuộc trong đầu...đúng là không thể hiểu nổi...

    • Hoài Anh

      xưa cũng có áp lực, mà k bị cái điện thoại cộng hưởng, về nhà có thể phân tán ra. giờ thì con em mình cầm đt suốt, có chuyện gì ở ngoài, về nhà nó tấn công trên mạng nữa là chỉ thêm tồi tệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI