Mỹ xuất hiện động vật hoang dã truyền virus SARS-CoV-2

12/11/2021 - 13:38

PNO - Nghiên cứu mới cho thấy loài hươu có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người và sau đó lây truyền cho những con hươu khác.

Khi COVID-19 chuyển sang một giai đoạn mới với tỷ lệ nhiễm và tử vong giảm so với mức đỉnh tháng 9, nước Mỹ lại phải đối diện một mối lo mới: động vật hoang dã truyền virus.

Một nghiên cứu mới cho thấy loài hươu có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người và truyền cho những con hươu khác. Đây được xem là bằng chứng đầu tiên về động vật truyền virus trong tự nhiên. Sự lây nhiễm và lan truyền tương tự có thể xảy ra ở một số quần thể động vật nhất định trên thế giới, với những tác động đáng lo ngại đối với việc tiêu diệt virus và thậm chí có khả năng làm xuất hiện các biến thể mới.

Theo một nghiên cứu trước đây, 1/3 số hươu ở Iowa được lấy mẫu trong 9 tháng đã bị nhiễm trùng. Đỉnh điểm, từ tháng 11/2020 - 1/2021, 80% mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Theo phân tích, virus rất có thể lây từ người sang hươu thông qua một số tương tác khác nhau, và sau đó nó có lan từ hươu sang hươu.

Gần như mọi thứ về nghiên cứu này đều khiến các nhà khoa học bị sốc. Họ biết hươu có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng các nhà khoa học đã bị choáng váng bởi những con số mà theo giáo sư lâm sàng về virus học tại Penn State, Suresh Kuchipudi và đồng tác giả của nghiên cứu thì "4/5 con hươu được thử nghiệm có kết quả dương tính với lượng virus rất cao". Các nhà khoa học cũng rất ngạc nhiên bởi những liên kết khá rõ ràng trong phân tích gen kết nối việc con người truyền virus cho động vật và sau đó là sự lan truyền virus nhanh chóng trên những con hươu.

Vivek Kapur, giáo sư vi sinh vật học tại Penn State và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nếu những con hươu sống tự do bị lây nhiễm, nó sẽ lây truyền cho cả khu rừng". Phân tích này chỉ giới hạn ở Iowa, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng khả năng lây nhiễm sẽ diễn ra trên diện rộng ở những con hươu của các bang khác.

 

Một phần ba số hươu Iowa được lấy mẫu trong 9 tháng bị nhiễm trùng hoạt động, theo một nghiên cứu trước đó. Ảnh: Rory Merry / ZUMA Wire / REX / Shutterstock
Theo một nghiên cứu trước đây, 1/3 số hươu ở Iowa (được lấy mẫu trong 9 tháng) đã bị nhiễm trùng 

Hươu sống nhiều ở Bắc Mỹ và là "con mồi ưa thích" của các thợ săn. Loài động vật này rất dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 và chúng có thể nhiễm khi gặm nhấm thức ăn đã bỏ đi hoặc uống nước thải bị ô nhiễm... Tiếp xúc với virus từ bất kỳ nguồn nào, chúng cũng sẽ bị nhiễm.

"Những kết quả nghiên cứu này cho thấy, có thể các loài động vật hoang dã khác cũng có khả năng lây nhiễm tương tự. Không loại trừ khả năng chúng cũng đang bị nhiễm và lây lan virus SARS-CoV-2 trên khắp thế giới, điều này sẽ gây khó khăn cho việc tiêu diệt virus cũng như ngăn chặn những đột biến có thể sản sinh các biến thể mới", Kuchipudi nói.

Trên thế giới, virus SARS-CoV-2 đã được báo cáo ở mèo, chó, chồn, sư tử, hổ, và khỉ đột. Gần đây, linh cẩu tại vườn thú Denver cũng có kết quả dương tính. Vào tháng 8/2020, một đợt bùng phát đã xảy ra tại một trang trại nuôi chồn ở Utah. Các nhà điều tra đã phải lấy mẫu xét nghiệm loài chồn hoang dã sống gần đó.

Vào tháng 11/2020, Đan Mạch đã phải tiêu hủy 17 triệu con chồn sau khi virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người sang chồn nuôi và lây ngược lại người (trường hợp duy nhất được ghi nhận về việc động vật truyền virus SARS-CoV-2 trở lại cho con người). Virus đã đột biến, nhưng may mắn là không nguy hiểm.

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo về việc động vật có thể nhiễm coronavirus. Ở Mỹ, thường là vật nuôi bắt buộc phải được chủng ngừa các loại coronavirus.

Giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học Stanley Perlman đến từ Đại học Iowa cho biết: “Sẽ khó loại bỏ virus hơn nhiều nếu nó có ổ chứa. Khi con người tăng cường khả năng miễn dịch đối với virus, tỷ lệ tử vong bắt đầu giảm xuống, nhưng virus sẽ không mất đi, điển hình là virus cúm từ đại dịch năm 1918 vẫn còn lưu hành cho đến ngày nay".

"Nó sẽ luôn ở bên chúng ta. Nó ở dạng nào, tôi không biết nhưng hy vọng, nó sẽ là dạng suy yếu”, giáo sư Perlman nói.

"Sự lây lan giữa các virus có thể dẫn đến đột biến - và thật khó để biết liệu những biến thể này sẽ nhẹ hơn hay nghiêm trọng hơn", ông Perlman nói thêm.

Ellen Carlin, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Georgetow nói rằng “bất kỳ loại virus nào lưu hành và di chuyển càng nhiều thì càng có nhiều đột biến". Theo bà, các bằng chứng mới nổi về việc động vật là các ổ chứa virus ngày càng cho thấy cần phải có một số nỗ lực lâu dài để ngăn chặn sự lây lan của nó. 

"Kết quả nghiên cứu trên loài hươu nhắc nhở chúng ta rằng, cần phải nghiên cứu thêm trên nhiều loài động vật hoang dã, không chỉ đối với SARS-CoV-2 mà cả các bệnh truyền nhiễm khác”, Carlin nói.

Trọng Trí (the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI