Mỹ chấm dứt chương trình đào tạo Fulbright với Trung Quốc

26/07/2020 - 13:22

PNO - Mỹ quyết định chấm dứt chương trình đào tạo Fulbright với Trung Quốc sau căng thẳng về vấn đề luật an ninh mới tại Hồng Kông.

Trong một sắc lệnh hành pháp ít được chú ý vào giữa tháng Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu thực hiện các bước để chấm dứt chương trình trao đổi Fulbright liên quan đến Trung Quốc và Hồng Kông.

Hằng năm, chương trình Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ cử hàng ngàn học giả, nghệ sĩ, chuyên gia và sinh viên Mỹ đến hơn 160 quốc gia để nghiên cứu, giảng dạy và đưa hàng ngàn công dân nước ngoài đến Mỹ như một dạng trao đổi nhân lực. Kể từ năm 1946, hơn 390.000 cá nhân đã tham gia chương trình.

Các trường cao đẳng và đại học Mỹ, cũng như hàng trăm tổ chức ở nước ngoài được hưởng lợi rất nhiều từ Fulbright. Đó là một trong những ví dụ thành công về ngoại giao văn hóa Mỹ, tạo ra cầu nối hợp tác xuyên biên giới hiệu quả, gây dựng tình cảm toàn cầu tích cực và mối quan hệ thân thiện giữa người Mỹ và các quốc gia.

Trên thực tế, số lượng người tham gia chương trình Fulbright tại Trung Quốc và Hồng Kông tương đối khiêm tốn. Năm 2017, chưa đến 70 người Mỹ và 130 người không mang quốc tịch Mỹ tham gia chương trình.

Trong bài phát biểu hôm 14/7, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng đối xử đặc biệt với Hồng Kông do những lo ngại về luật an ninh mới của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu hôm 14/7, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng đối xử đặc biệt với Hồng Kông do những lo ngại về luật an ninh mới của Trung Quốc

Động thái chấm dứt các cuộc trao đổi Fulbright với Trung Quốc và Hồng Kông để trừng phạt Bắc Kinh rõ ràng đã loại bỏ một lối đi quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ quốc tế, hiểu biết lẫn nhau và thiện chí giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã đúng về mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Hồng Kông thông qua luật an ninh mới, và mối đe dọa này khó có thể xem nhẹ. Ở Trung Quốc - như được xác nhận trong một báo cáo gần đây của Viện Chính sách công toàn cầu (Đức) và các học giả tại tổ chức Risk Network (Anh) - tự do học thuật không tồn tại bởi Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát mọi thông tin.

Mặt khác, tờ National Pulse tiết lộ, ít nhất hai giáo sư tại Mỹ nhận trợ cấp Fulbright và hoàn thành việc học ở Trung Quốc, đã trở thành người đóng góp cho hoạt động tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc, đưa tư tưởng thân Bắc Kinh đến các lớp học ở Mỹ. Vì vậy, để không tốn thêm kinh phí “nuôi ong tay áo”, chính quyền Mỹ quyết định lựa chọn chấm dứt chương trình.

Tấn Vĩ (theo Natinal Pulse, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI