Một vé về Trung thu quê ngoại

12/09/2019 - 18:41

PNO - Đúng sáu giờ tối, đoàn lân xuất phát múa phục vụ Trung thu. Có khi chưa kịp múa gì, bị chó rượt chạy mất dép, phần đứa nào đứa đó chạy.

Tụi tui với mấy đứa nhỏ trong dãy trọ tụ tập lại bày biện ăn uống, rồi dạo mát quanh mấy con hẻm. Đó là cách tụi tui đón Trung thu trên đất Sài thành.

Chẳng có gì vui, không có lân, không có ông Địa, không nghe tiếng trống… Trung thu chi mà đìu hiu vậy không biết. Kể ra giờ này ở quê thì tuyệt biết mấy!

Mot ve ve Trung thu que ngoai
Những chiếc lồng đèn tự làm ngày càng hiếm thấy. Ảnh minh họa

Mới đầu tháng, tụi tui hội họp lại, bàn bạc năm nay phải làm cái đầu Lân thật hoành tráng. Tới ngày Rằm là thôn nọ thi với thôn kia, cố gắng giật cái giải thiệt bự.

Mấy anh lớn khéo tay, sẵn tre đó, tự đan luôn cái đầu Lân, mấy đứa không biết thì mua cái giỏ nuôi gà. Cắt cắt dán dán trang trí nguyên một tuần mà không đâu vào đâu. Đứa thì đi học buổi sáng, đứa thì đi học buổi chiều, nhóm chỉ họp đông đủ buổi tổi, ngồi lại bà tám nên làm được không nhiều. Đứa nọ đốc thúc đứa kia, riết rồi cũng hoàn thành.

Mấy nhỏ con gái khéo tay, trang trí quần áo cho ông Địa và bốn thầy trò Đường Tăng. Làm lồng đèn ông sao và hai ngọn đuốc dầu dẫn đầu cho đoàn.

Kế hoạch đã lên sẵn sàng, tất cả các đoàn lân sẽ diễn từ mùng mười đến ngày Rằm. Nhằm phục vụ bà con, thiệt ra nói cho có hoa văn chứ đây là mùa đi “làm ăn” của tụi con nít chúng tui.

Chỉ có ngày Rằm tổ chức chương trình thi trình diễn múa lân giữa các thôn xã với nhau, còn lại là tụi tui ập vào nhà dân, trường học, chợ,… từ đầu làng đến cuối xóm.

Tới ngày, mấy đứa tụi tui tranh thủ cơm nước sớm, tụ họp lại khai trống, hóa trang, xem lại đèn đuốc, diễn tập. Có mấy đứa nhỏ muốn tham gia đi cùng, phải ngồi chầu chực chờ tụi tui xem xét, phát lồng đèn cho.

Đứa nào tới giờ đó mà ăn cơm, thì sao nuốt nổi, tụi nó bỏ cơm chạy theo đoàn lân, ba mẹ chúng la hét om sòm. Tiếng trống lân vang khắp xóm làng. Tùng .. tùng… tùng, cắc tùng…tùng tùng tùng….. Ruột gan nôn nao, tim hồi hộp, bữa ăn bị bỏ dỡ giữa chừng. Mà cũng chẳng đứa nào than đói, nghe hơi mùa Trung thu, bọn chúng no hết cả.

Mot ve ve Trung thu que ngoai
Rước đèn Trung thu. Ảnh: Internet

Đúng sáu giờ tối, đoàn lân xuất phát, sắp xếp phân vai xong xuôi, đâu vào đấy, cứ y như vậy mà làm. Tụi tui lựa nhà nào vui vẻ, dễ chịu để mở hàng tốt, chứ không cả đêm cả đoàn “chết đói” hết.

Ông Địa chạy trước, lân múa theo sau, tiếp đến là bốn thầy trò Đường Tăng, hai đứa cầm đuốc, đứa xách dầu châm đuốc, tới trống và mấy đứa khán giả. Tụi tui ngân nga miết một câu cho hết mùa trung thu, “Tết trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp muôn nhà …”.

Nhà nào có con nít sợ lân là đóng cửa cài then từ lúc chạng vạng. Mấy nhỏ loắt choắt thấy lân sợ phát khiếp.

Nhớ nhứt là khi lân vào mấy cái xóm heo hút, đèn đuốc lập lòe, thấy nhà nào sáng đèn là tụi tui lén lén chạy vào. Suỵt, không trống, không nói cười, im lặng. Ông Địa vừa chạy vô tới nhà, đèn đuốc châm lên, trống đánh đùng đùng, chu choa, người ta hết hồn. Vui ghê, chưa kịp múa gì, bị chó rượt chạy mất dép, phần đứa nào đứa đó chạy.

Tụi tui chạy tán loạn, nhằm vào xóm mới, nằm trong xóm sâu, mấy đứa nhỏ đi theo chạy lạc, khóc la. Tay tui dắt nhỏ em sau hồi nhìn lại, dắt lộn nhỏ nào đó không biết. Đứa khóc đứa cười cộng thêm tiếng chó sủa ồn náo như cái chợ.

Lại thêm vụ, đoàn này gặp đoàn kia, đụng độ nhau, gây lộn, đánh nhau, đập đầu lân, ta nói cái cảnh như chiến tranh. Mà cũng vì kiếm “miếng cơm manh áo”, chứ xong rồi anh em bắt tay vui vẻ nhau.

Đêm nào, mười một, mười hai giờ khuya tụi tui cũng lủi thủi lết xác về, đứa nào nhìn cũng “thê lương”. Đâu phải mua xong là về nhà liền, còn phải kiểm tra lại tư trang, đồ đạc thiếu đủ gì để chuẩn bị cho hôm sau. Và nhất là xem chiến lợi phẩm của đêm đó được những gì, đó là màn hào hứng nhất.

Đêm nay trăng Rằm sáng quá, mấy nhóc Sài Thành hào hứng nghe tui kể chuyện Trung thu tại quê nghèo. Chúng thèm thuồng mùa Trung thu quê đầy ắp tuổi thơ.

                                                                                                                     Chúc Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI