Vượt qua nỗi sợ:

Mạnh hơn COVID-19

08/06/2021 - 07:07

PNO - Khi vắc-xin chưa đủ để ngăn chặn dịch, khi thuốc đặc trị COVID-19 chưa có, những “chiến binh” bé xíu và còm nhom ấy lại khiến người ta dấy lên trong lòng một niềm tin mãnh liệt rằng, đang có một thứ mạnh hơn COVID-19.

Bắc Giang những ngày tháng Năm, khắp nơi đều có bệnh nhân, những đứa trẻ cũng bị COVID-19 lôi vào cuộc. Là N., đứa trẻ bốn tuổi ở huyện Yên Thế, được đưa vào bệnh viện điều trị một mình vì bố, mẹ, chị đều đang phải cách ly tập trung. Đêm đầu tiên N. có kết quả dương tính, bé sốt và sổ mũi, lại không có người thân bên cạnh, nhưng không hề khóc. Bé uống thuốc, ngoan ngoãn làm theo các yêu cầu của bác sĩ và tự dỗ mình ngủ - một giấc ngủ mà đối với người trưởng thành cũng không dễ dàng.

Bé N. ôm sữa, bim bim… là những món quà của người xung quanh khi bé một mình nằm viện
Bé N. ôm sữa, bim bim… là những món quà của người xung quanh khi bé một mình nằm viện

N. gặp lại mẹ sau đó, khi mẹ bé được chuyển về cùng chỗ để tiện chăm sóc con, chiến binh nhí được tiếp thêm sức mạnh cho quá trình đánh bại COVID-19. Là M. (huyện Việt Yên), ba tuổi, vào khu cách ly một mình vì lần lượt mẹ, bố, chị gái và anh trai đều phải đi điều trị. Đứa trẻ xách túi đồ cá nhân bé xíu bước vào phòng cách ly, một mình ngồi ăn hộp cơm được phát. Bé rụt rè và có chút sợ hãi, chui xuống gầm giường trốn vì xung quanh nhiều người lạ, khung cảnh lạ và những thao tác lạ nhưng không hề khóc, không đòi ba mẹ.

Thực tế thì những ngày này, các chiến binh nhí hiện diện khắp nơi, không chỉ trong khu cách ly hay bệnh viện. Biết bao đứa trẻ đang xoay xở một mình với cái ăn, giấc ngủ khi cha mẹ phải lên đường “đi bắt con cô-vít”. Trong đó, nhiều trẻ ngày thường cha mẹ vẫn còn xúc cơm cho ăn, giờ tự tắm và “chiến đấu” với bữa cơm cùng anh chị chỉ nhỉnh hơn mình vài tuổi, vốn cũng thường được bố mẹ lo chuyện tắm, ăn…

Sau ngày đầu tiên một mình chăm sóc em trai năm tuổi, bé Nhung (TP. Bắc Giang) “báo cáo” khi mẹ gọi điện, rằng hôm nay nồi cơm đã không bị nát như hôm qua nữa, và bé đã tự băm được thịt. “Con cho chó ăn, gà ăn, tắm cho Bin, lau nhà, giặt đồ…”, khối lượng công việc của một người trưởng thành giờ trút lên vai bé gái 12 tuổi và bé vẫn vững vàng để chờ ngày bố mẹ về. 

Cả xã hội phải tìm cách thích nghi với bối cảnh và những đứa trẻ bé xíu kia không được đặc cách ở ngoài guồng. Chỉ là, trong khi người trưởng thành đã có “kháng thể” với các yêu cầu về ứng biến trong đời sống, bọn trẻ thì không. Với một đứa trẻ, thích nghi với bốn bức tường nhà vì giãn cách xã hội đã khó, thích nghi với bốn bức tường đó mà vắng bố mẹ càng khủng khiếp hơn, nói gì đến vừa vắng bố mẹ vừa không có người lớn nào khác nên phải tự chăm sóc lấy mình, thậm chí chăm em. 

Dĩ nhiên, không ai đơn độc, những đứa trẻ càng không. Những hộp sữa, bịch bim bim gửi vào khu cách ly; những món đồ chơi cho trẻ đỡ nhớ bố mẹ từ những người các tỉnh khác… và những động viên từ người xa lạ ở nơi cách ly xa lạ ấy chính là “vắc xin” của những đứa trẻ trong lúc này. Người ta chứng kiến nhiều hàng xóm “chia ca”, cách một, hai tiếng lại chạy qua xem bọn trẻ ở cái nhà vắng người lớn kia có ổn không, cần mua gì không.

Trong bệnh viện, các y tá, bác sĩ kiêm luôn vai trò cha mẹ, dùng cả bầu sữa của mình giúp những sinh linh vừa chào đời có bữa ăn, khi đứa trẻ không có cha mẹ kề bên vì COVID-19.

Khi nhiều công nhân ở Q.Tân Phú (TP.HCM) còn chưa biết xoay xở thế nào bởi con nghỉ học còn mình không thể nghỉ làm, người phụ nữ vốn thường càu nhàu khi người thuê đóng tiền nhà trễ, giờ tiếp tục gắt gỏng: “Cúp cầu dao trong phòng hết đi rồi để tụi nó ở đây. Tôi ở nhà cả ngày, tôi không mua được tô bún cho nó ăn, không lâu lâu xuống trông chừng được hay sao mà mấy người cứ lo!”. 

Như một chuỗi liên kết không thể tách rời, tình người với những hoàn cảnh khó khăn trên dải đất hình chữ S này chưa bao giờ rời nhau. Trong bối cảnh khắc nghiệt của thiên tai thì càng chưa. Những đứa trẻ bé xíu được đặt trong một trải nghiệm khốc liệt nhưng chúng cho thấy mình đã vững vàng như thế nào. Những trải nghiệm ấy cho chúng tâm thế đối diện mạnh mẽ với bất trắc ở cuộc đời trưởng thành sau này. Còn hiện tại, hành trình “vượt thác” của chúng cứu rỗi người khác.

Ai cũng có quyền tin rằng, chúng ta rồi sẽ đẩy lùi COVID-19 vì chúng ta đang có một thứ mạnh hơn dịch bệnh này. 

Lương Hàn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI