Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Giúp người, tối về ngủ ngon

16/12/2021 - 05:29

PNO - Ở tuổi 65, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn năng động, sắc bén, tràn đầy nhiệt huyết hoạt động xã hội.

Trong đợt dịch COVID-19 giữa năm 2021, khi luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đến phát lương thực, nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, có một bà già rớm nước mắt, miệng thì rối rít: “Bà cảm ơn con! Bà cảm ơn con!”. Lát sau mới hay bà 62 tuổi, còn thua luật sư đến ba tuổi. Vào thế bí khi bị hỏi tuổi tác, luật sư phải giấu bớt tuổi cho người đối diện đỡ ngại, rồi vội vã… rút êm. 

“Do đeo khẩu trang kín mít, mặc đồ trẻ trung năng động để thuận lợi làm việc nên vô tình mình “ăn gian” được mấy tuổi. Nhiều người cũng nhầm lẫn như vậy, có lẽ họ nghĩ rằng công tác xã hội chỉ dành cho người trẻ khỏe thôi, chứ người cao tuổi (NCT) thì đã ở nhà nghỉ ngơi rồi”- nữ luật sư từng được nhận giải thưởng KOVA năm 2019, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020, tươi cười chia sẻ.

Ở tuổi 65, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn năng động, sắc bén, tràn đầy nhiệt huyết hoạt động xã hội
Ở tuổi 65, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn năng động, sắc bén, tràn đầy nhiệt huyết hoạt động xã hội

 

Cuộc hẹn phỏng vấn của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM với luật sư Ngọc Nữ ngắt quãng vì bà bận rộn khi tranh tụng tại tòa, khi đi giúp các bé mồ côi trong đại dịch, khi tư vấn pháp lý cho phụ nữ yếu thế, khi dạy học trực tuyến hoặc dở tay nấu ăn cho gia đình.

Hiện bà là Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nhưng những dấu ấn của bà vươn xa trải rộng. Không chỉ là “lá chắn thép” trong bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành, tên tuổi của bà còn gắn chặt với những phiên tòa giả định, với các lớp học tiền hôn nhân, đặc biệt là với những chuyến xe chở người mắc COVID-19 đã lành bệnh từ bệnh viện về nhà trong suốt mấy tháng thành phố giãn cách. 

Phóng viên: Lẽ thường “cái tuổi nó đuổi xuân đi” nhưng luật sư vẫn giữ được nguồn năng lượng thanh xuân để làm việc? Đã bao giờ bà cảm thấy cái tuổi cản bước chân mình? 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Trước khi bắt tay làm một việc gì, tôi cũng thường cân nhắc, lượng sức mình xem có đảm trách được không. Có khi tôi phân thân ra tự hỏi: “Bà luật sư ơi! Bà nhắm làm nổi nhiệm vụ này không đó?”. May mắn là ở tuổi này, sức khỏe còn cho phép tôi làm việc, kể cả lăn xả vào vùng dịch, tôi luôn đảm bảo 5K nên vẫn an toàn. Tuổi lớn cơ bản chỉ giảm sút về sức khỏe, còn biết bao vốn quý khác thì đầy lên từng ngày như kinh nghiệm, mối quan hệ, khả năng kết nối hay tình yêu thương, khát khao cống hiến... Việc điều xe chở F0 lành bệnh về nhà, không ai ngờ tôi làm được, bản thân tôi cũng không ngờ mình làm được, vì thường nam giới sẽ thuận tay hơn ở lĩnh vực này, tôi lại đã lớn tuổi. Tôi quyết tâm làm vì không thể không làm. Cứ một rồi hai chuyến xe, rồi mấy chục chuyến xe… Định ngừng chương trình thì ngay lúc ấy tôi lại nhận được tiền lương dạy đại học luật, nên “bơm” tiếp. Cứ vậy lên tới hàng ngàn chuyến, xe đưa người về tới nhà an toàn là tối đó tôi ngủ thật ngon. 

Qua đây, tôi thấy mình cứ tự tin mà làm, miễn là việc tốt, hữu ích thì khó mấy cũng thành công vì sẽ có rất nhiều người xúm vào. Đó nào phải là công sức của một mình tôi mà là cả tập thể cùng đóng góp, san sẻ, điều phối như các chị ở Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, các luật sư trong chi hội, các anh tài xế, các nhà hảo tâm… Tôi thấy có rất nhiều anh chị lớn tuổi vẫn năng nổ, nhạy bén, vẫn cập nhật cái mới, rất đáng khâm phục. Tuổi đã hơn 70 mà ngỡ chỉ 60-65. Trong guồng máy đó, tinh thần làm việc của tôi cũng phấn chấn, sôi nổi và cơ thể dường như cũng không nỡ già mau. 

* Bằng cách nào bà cân bằng và chu toàn, để không ai bị bỏ lại phía sau kể cả người ngoài xã hội lẫn… người nhà của mình?

- Đúng là rất khó để xông pha ra xã hội nếu gia đình không bình yên, với NCT lại càng khó khi vướng víu chồng con. Tôi may mắn đủ ăn đủ mặc, cuộc sống ổn định, không áp lực tài chính; các con cháu khỏe mạnh, tự lập. Đặc biệt là cả nhà ai cũng ủng hộ và tự hào khi tôi giúp ích cho đời. Chồng tôi rất đồng cảm, không bao giờ càu nhàu, thắc mắc khi tôi cứ xách xe đi miệt mài. Thỉnh thoảng có những bài báo viết dạng chân dung nhân vật về tôi, tôi chưa hay thì anh đã âm thầm gửi link bài vào điện thoại.

Không ít NCT “thầu” việc chăm cháu, còn tôi thì tuyên bố “con ai đẻ nấy nuôi”. Đó là câu nói đùa nhưng cũng là nguyên tắc, mỗi lần con sinh em bé, tôi chỉ chăm khoảng một tháng đầu. Sau đó, tôi chỉ đến thăm, chơi đùa và hỗ trợ khi thực sự cần thiết. Tôi không muốn chôn vùi quãng thời gian quý giá còn lại của đời mình chỉ trong vai trò làm bà. Tôi còn nhiều việc phải làm, còn nhiều người khác cần đến tôi.

Một quyết định sáng suốt của vợ chồng tôi là chuyển nhà về sống cùng khu chung cư ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM với con gái. Con ở lầu bảy, bố mẹ ở lầu năm. Theo tôi, sống riêng nhưng sống gần con cháu là chọn lựa lý tưởng, phù hợp giai đoạn NCT còn có thể tự sinh hoạt được, không ai lệ thuộc ai, mỗi người có không gian riêng. Mô hình sống gần thuận lợi hỗ trợ nhau việc trông giữ cháu, cùng chăm sóc mẹ tôi tuổi đã 91. Có món ăn ngon hai nhà lại chia sẻ cho nhau, mỗi cuối tuần cùng nấu một bữa tươm tất hoặc đi ăn quán. 

Khi nhà này có thành viên nào sổ mũi nhức đầu, ới lên một tiếng là nhà kia liền có mặt trợ giúp. Mỗi khi có chương trình thiện nguyện hoặc gặp hoàn cảnh nào khó khăn, tôi chạy lên kể, các con liền góp tay ủng hộ. Tình cảm mẹ con, bà cháu được thắt chặt khi thường xuyên chuyện trò và cùng mối quan tâm. Việc nhờ người giúp việc coi sóc hai nhà cũng tiện và tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập.

Thực ra, lúc đầu tôi muốn sống chung với con, nhưng con lại có cháu nhỏ, sợ các cháu chơi đùa ồn ào, ảnh hưởng ông bà tập trung làm việc, nghỉ ngơi nên sống riêng. Chàng rể từng nói một câu nghe mát ruột: “Tụi con tính bố mẹ về đây ở gần để tụi con chăm sóc cho bố mẹ, ai ngờ bố mẹ còn phải trông giữ con cho tụi con, cũng ảnh hưởng thời gian bố mẹ làm việc”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong tổ ấm thân yêu của bà
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong tổ ấm thân yêu của bà

 

* Theo luật sư, NCT cần thiết kế cuộc sống như thế nào cho hạnh phúc và hữu ích?

- Hạnh phúc là cảm nhận riêng của mỗi người và không có một khuôn mẫu chung. Tuy nhiên, từ trải nghiệm bản thân, từ quá trình hoạt động xã hội, cọ xát với mọi lứa tuổi, tôi nhận thấy NCT còn hoạt động được thì nên tiếp tục cống hiến. Thông qua đó, NCT được luyện não, làm chậm lại quá trình lão hóa. Việc đi tới lui giúp duy trì phản xạ tốt, cơ thể dẻo dai, đem chất xám truyền lại cho thế hệ kế thừa. Công tác xã hội là giúp người, giúp đời nhưng cũng tạo động lực sống cho mình. Công tác xã hội không hẳn là phải bước ra khỏi nhà, lao vào các điểm nóng mà bằng nhiều cách, NCT có thể đóng góp công sức, thời gian, trí tuệ của mình để tạo nên điều tốt đẹp cho cộng đồng. Đừng nghĩ mình lớn tuổi rồi chẳng còn làm gì được nữa.

NCT dễ sa vào trạng thái tự ti, mặc cảm, chạnh lòng, tủi thân. Con cháu nói câu gì, NCT cũng dễ hiểu theo nghĩa tiêu cực, cho rằng con nặng nhẹ mình. Hoạt động xã hội, mở rộng giao tiếp, học hỏi điều hay, điều tích cực ở người khác hoặc có bạn để trút bầu tâm sự sẽ giúp NCT đỡ căng thẳng, tù túng, từ đó thoải mái, tự tin, vui vẻ, yêu đời hơn. 

Để vững bước trên đường dài, NCT nên khám sức khỏe định kỳ sáu tháng một lần. Dù bắt tay vào làm việc sẽ rất cuốn hút, những thành công gặt hái được dễ gây men làm ta say cuồng nhưng cũng đừng chủ quan, lơ là mà hãy luôn quan tâm lắng nghe cơ thể. Khi mệt mỏi nên tạm dừng, nghỉ ngơi, “sạc pin” rồi lại tiếp tục hành trình. Hữu ích là hạnh phúc chứ không phải một thứ áp lực.

* Xin cảm ơn và kính chúc bà luôn vui khỏe, thành công. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI