Luật can thiệp, ảnh đánh con dữ hơn

09/05/2018 - 18:21

PNO - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực tròn 10 năm, nhưng trong thực tế, sau cánh cửa gia đình, bạo lực vẫn ngang nhiên diễn ra, vì kẻ dung túng, bao che cho kẻ bạo hành lại chính là nạn nhân.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM nhận được bộ hồ sơ gồm những tờ photocopy giấy khám bệnh, đơn thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115 và hai mươi ba trang giấy học sinh chất chứa dòng tâm trạng căm phẫn của bà mẹ Nguyễn Thị H. (64 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) kể lại “lịch sử” bị bạo hành của con gái mình, tên Huỳnh Thị N., 29 tuổi, suốt 5 năm chung sống với chồng. 

Thắt lòng mẹ già

Nét chữ khó nhìn, ý nọ vắt qua ý kia, khiến người đọc cảm nhận rõ sự rối rắm, căng thẳng và mong mỏi giải thoát con mình khỏi địa ngục trần gian - mong ngóng ấy của bà đang trôi về phía tuyệt vọng. Bà viết: “Mỗi lần nhìn thấy con gái bị chồng đánh tàn nhẫn, tôi đau xót muốn nghẹt thở. Cứ nghĩ đến là tôi khóc. Con tôi đẹp đẽ, đảm đang sao nó vô phước, gặp chồng vô trách nhiệm, còn như thú dữ hành hung vợ suốt”.

Luat can thiep, anh danh con du hon
Chị N. đầu u, mắt bầm đen… sau khi bị chồng dùng đòn để “dạy”

“Thằng manh động đó” cụm từ được bà lặp lại đến trên 15 lần và tuyệt nhiên, bà không gọi một tiếng “rể”. Bởi cái cách mà “thằng manh động đó” đối xử với con gái bà không khác người ta… tra tấn tù binh. Do chị N. thuê mặt bằng buôn bán ở ngoài nên bà không thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành nhưng những dấu vết trên gương mặt, thân thể và trong ánh mắt hoảng loạn của con đã tố cáo tất cả. 

Người phụ bán quán cho chị N. và con chị kể chồng đánh chị không thương tiếc, vớ được gì đánh nấy, có khi là cái remote điều khiển ti vi, nón bảo hiểm, thau rổ, máy quạt hoặc nắm tóc, đập đầu vào tường, vào cửa… Nguy hiểm nhất là giữa đêm, chồng nhốt chị, đánh, cào cấu, bóp cổ. “Ba đánh mẹ, đấm vào bụng mẹ, mẹ khóc quá trời, quỳ lạy ba. Con nói ba đừng đánh mẹ nữa, đau lắm! Ba chối nói đâu có đánh mẹ” - cháu ngoại bốn tuổi rơm rớm nước mắt nói với bà. 

Có lần bé theo chị N. đi đám, nghe chị N. than thở chuyện bị chồng đánh, một người bạn buột miệng: “Thì hồi đó, tao đã cảnh báo thằng đó vũ phu lắm mà mày cãi, mày cưới”. Lời thuật lại bâng quơ, vô tình của bé cho ba nghe khiến mẹ lãnh liền một trận đòn nhừ tử. Bối cảnh ra đòn còn là khi chị N. phản đối chồng lấy tiền ăn chơi, đỏ đen hay chị đặt dấu hỏi trước những mối quan hệ mờ ám của chồng. 

Cam chịu có yên thân?

Cùng bà H. đến gặp chị N. tại quán thừa lúc vắng mặt ông chủ, tôi hỏi về vết bầm to bằng cái chén trên gương mặt chị. Chị N. gượng gạo trả lời: “Không có gì, em bị té thôi”. Bà H. gằn giọng: “Nó lại đánh con phải không? Con nhịn, chồng con ngày càng quá quắt. Con nói đi, còn có pháp luật, báo chí, đoàn thể người ta giúp. Con ly hôn hay ở tiếp cũng được, miễn là con đừng bị đánh dã man vầy nữa. Mẹ đau lòng lắm! Mấy thằng anh mày nhịn lâu rồi. Chúng nó nóng ruột mà xử chồng mày, một ngày sẽ vào đường tù tội. Mày tỉnh ra đi con”. 

Luat can thiep, anh danh con du hon
Bức tâm thư của bà H.

Nước mắt lưng tròng, chị hướng mắt ra cửa dòm chừng chồng về chưa rồi khoát tay xua mẹ và khách: “Con không có gì mà. Mẹ hay người ngoài “xía” vô, nói luật ra ảnh còn đánh con dữ nữa. Mẹ sao cứ hay làm lớn chuyện. Mẹ thương con thì mẹ để con yên”. “Mà con có yên không? Con ơi là con! Mẹ chết không nhắm mắt…” - bà H. nghẹn giọng. Quay sang tôi, bà không giấu được vẻ đau đớn, bất lực khi đã gõ cửa nhiều nơi để trợ giúp và họ cũng vào cuộc trách nhiệm, nhưng con gái bà lại phủ nhận chuyện bị bạo hành, không hợp tác.

Trong hồ sơ bà H. gửi đến cho phóng viên, có cả tờ đơn đơn phương ly hôn của chị N. gửi đến Tòa án nhân dân Q.3 năm trước. Tờ đơn là minh chứng cho việc bà H. trình bày không phải bịa đặt, vu khống cho chàng rể. Đó cũng là tiếng nói thống thiết của chị N. trong một lần hiếm hoi vùng lên. Trong đơn, chị thừa nhận hành vi bạo hành của chồng suốt chặng đường chung sống được hai mặt con, khẳng định từng bị chồng đánh đến phải đi bệnh viện và đã có lần sẩy thai. Tuy nhiên, quyết tâm giải thoát của chị sớm bị dập tắt, bởi trước tòa chồng tỏ ra ăn năn hối cải, hứa sửa đổi và cũng bởi suy nghĩ muôn thuở của người mẹ: muốn cho các con có cha. 

Câu chuyện này minh chứng rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực tròn 10 năm, nhưng trong thực tế, sau cánh cửa gia đình, bạo lực vẫn ngang nhiên diễn ra, vì kẻ dung túng, bao che cho kẻ bạo hành lại chính là nạn nhân. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cũng chưa quy định bất cứ hình thức xử phạt nào cho những hành vi dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật ngăn cản hành vi bạo lực gia đình và kẻ bao che là nạn nhân thì luật càng… chịu thua. 

Tô Diệu Hiền

Cần tăng mức phạt

Nghị định 167/2013/NĐ-CP trên cơ sở kế thừa Nghị định số 110/2009/NĐ-CP, nên mức phạt vi phạm hành chính (thấp nhất 100.000 đồng và cao nhất 30 triệu đồng) đã lạc hậu, cần phải sửa đổi theo hướng tăng lên, mức thấp nhất là 300.000 đồng hoặc 500.000 đồng. Bên cạnh đó, các hành vi bạo lực gia đình khác cũng phải tăng lên cho phù hợp. 

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là làm sao để luật thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều lãnh đạo ở UBND xã, phường than phiền rằng, họ không có thời gian, con người và cũng không có chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Việc đi sâu sát ở cơ sở, đến từng nhà dân để theo dõi, xử lý các hành vi bạo lực gia đình... gần như không tưởng, trừ phi người dân chủ động tố cáo.

Một đặc điểm khác nữa là: giữa nạn nhân và người thực hiện hành vi bạo lực gia đình thường ở chung một nhà, có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng... nên về mặt tâm lý không dễ dàng gì họ tố cáo nhau, một khi pháp luật Việt Nam và cơ chế vận dụng pháp luật chưa đủ mạnh và hiệu quả như các nước tiên tiến (như ở Mỹ, khi có tin báo về bạo lực gia đình, cảnh sát can thiệp ngay tức khắc). Do vậy, đây cũng là điều hạn chế làm cho luật ban hành nhưng chưa thực sự hiệu quả.

 Luật sư Huỳnh Minh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI