Lửa ghen

29/09/2013 - 16:28

PNO - PNCN - Trong phòng xử C của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM sáng 23/9, người đàn ông đứng sau vành móng ngựa lí nhí xin tòa giảm án để sớm về làm lại cuộc đời. Đứng cách vài bước chân, một phụ nữ cũng thiết tha xin tòa...

edf40wrjww2tblPage:Content

 1.

Chủ tọa hỏi người đàn ông - bị cáo Đặng Văn Thắng (SN 1970, ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An): “Giờ bị cáo có còn muốn giết người phụ nữ này rồi tự sát nữa không?”. “Hối hận lắm, cũng vì bị cáo quá yêu cô ấy mà hành động dại dột, nông nổi. Đến lúc này, bị cáo mới nhận ra sinh mạng, sự tự do mới chính là điều quý giá nhất”. “Yêu là mang đến hạnh phúc cho người ta, yêu sao lại muốn tước đoạt sự sống của họ”, quay sang người phụ nữ tên Trần Thị Diễm Thúy (SN 1972), chủ tọa ôn tồn: “Chị mong bị cáo ra tù sớm, nếu được vậy, chị có cho bị cáo cơ hội đoàn tụ, hàn gắn không?”. Với giọng nhỏ nhẹ nhưng cứng cỏi, người phụ nữ đáp: “Không có chuyện đoàn tụ. Tôi sợ lắm. Anh ấy nói yêu tôi. Ở với người mình yêu lẽ ra phải được hạnh phúc, bao bọc, chở che, thì tôi lại luôn nơm nớp lo sợ, phải đề phòng cho tính mạng của mình. Khổ vậy thì sống với nhau làm chi?”.

Cách đây ba tháng, TAND tỉnh Vĩnh Long đã mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt Đặng Văn Thắng mức án tám năm tù giam về tội giết người. Ngay sau phiên xử, chị Thúy - nạn nhân của Thắng, đã đi hỏi thủ tục xin giảm án cho người từng cố giết mình. Chị viết lá đơn kháng cáo ngay tại tòa: “Xin tòa giảm cho anh ấy mức án thấp nhất có thể. Lời hối lỗi của anh ấy hôm nay đã làm tan biến nỗi ám ảnh và lòng hận thù trong tôi. Thấy anh bị giam cầm, lòng tôi ray rứt, muốn anh có thể làm lại cuộc đời, chăm lo cho cha mẹ già yếu”.

Trong phiên phúc thẩm này, chị Thúy tiếp tục kể về hoàn cảnh của người đàn ông muốn giết mình, mong sự cứu xét từ hội đồng xử án: “Dù nỗi đau trong lòng chưa nguôi, nhưng tôi thấy anh ấy chịu án… dài quá. Anh ấy là lao động chính trong nhà, phải cấp dưỡng nuôi con riêng chưa đầy 10 tuổi, chăm lo cho cha mẹ tuổi đều trên 80. Không có anh ấy, biết ai lo cho họ?”. Di di những ngón tay lên thành vành móng ngựa, bị cáo cúi gằm mặt, giấu đôi mắt đỏ hoe khi nghe người mình yêu trình bày. Phòng xử án lặng đi trong xúc động...

Lua ghen

Bị hại - chị Trần Thị Diễm Thúy thiết tha xin tòa giảm án cho người đàn ông chị... hai lần yêu thương

2.

Chị Thúy là giáo viên. Giữa chị và Thắng có mối quan hệ khá đặc biệt. Nhà cách nhau chưa đầy năm cây số, thời phổ thông họ học cùng trường, sớm thân thiết rồi yêu nhau. Ngã rẽ chia tay sau đó đưa họ theo hai con đường, mỗi người tạo dựng mái ấm riêng, rồi cùng thất bại trong hôn nhân. Như định mệnh, họ bất ngờ gặp lại. Tình cảm xưa trỗi dậy, họ đến với nhau và chung sống như vợ chồng. Nhưng, hạnh phúc lại sớm kết thúc bằng bi kịch, vì tình yêu bây giờ còn có cả những ghen tuông, ích kỷ, nghi ngờ. Thắng ghen chuyện người tình thường ghé nhà chồng cũ để gặp gỡ, thăm nom con trai.

Có lần, chị Thúy lên TP.HCM một tuần để học nâng cao nghiệp vụ, Thắng lại nghĩ là chị đang phản bội mình, lén lút trở lại chung sống cùng chồng cũ. Nỗi ghen bùng phát thành lửa hận khi Thắng tiếp tục chứng kiến cảnh chị Thúy thường xuyên đi thăm con. Thắng nảy sinh ý định giết chị rồi tự sát. Một lần, Thắng mua xăng về định đốt chết cả hai, nhưng chị Thúy phát hiện, mang xăng cất giấu. Lần thứ hai, trong lúc cãi vã, Thắng bóp cổ người yêu, may mà chị Thúy được hàng xóm giải cứu. Lần cuối là khuya ngày 14/2/2013, Thắng chuẩn bị dây điện làm hung khí gây án. Lúc ra tay, do chị Thúy kêu la nên một tay bịt miệng, tay còn lại Thắng bóp cổ nạn nhân đến ngất xỉu. Có người phát hiện vào can ngăn, chị Thúy mới giữ được tính mạng.

3.

Luật sư của Thắng trình bày, ý định giết người yêu rồi tự sát chứng tỏ bị cáo cảm thấy rất bế tắc, không chịu nổi ý nghĩ người yêu quay về với chồng cũ; qua đó, mong một sự cảm thông, được hội đồng xử án coi là tình tiết giảm nhẹ. Thế nhưng, bên công tố khẳng định, sau ly hôn cha mẹ đều có quyền đến thăm con. “Đó là quyền tất yếu của chị Thúy, được pháp luật bảo vệ và không ai có quyền ngăn cản. Chẳng những bị cáo không cảm thông, tạo điều kiện mà còn ích kỷ, biến nó thành sự ghen hờn rồi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của bị cáo, bởi ý định sát hại được nung nấu từ lâu” - công tố viên nhấn mạnh. Cuối cùng, kháng cáo cũng được tòa chấp nhận, Thắng được giảm một năm tù giam. Sau phiên xử, cũng như lúc đến tòa, chị Thúy ra về trong vội vàng, ái ngại, không muốn tiếp chuyện ai.

Liên lạc qua điện thoại, chị dè dặt cho biết, người đàn ông chị… hai lần đem lòng yêu thương bản chất rất hiền lành: “Chính sự ghen tuông đã biến Thắng thành người khác hẳn. Thắng không biết, không tin, dù hôn nhân đổ vỡ, tôi và chồng cũ vẫn là những người bạn, giữ mối quan hệ tốt để cùng chăm sóc con trai. Chồng tôi đã có mái ấm mới, song vẫn chu toàn với gia đình tôi và ngược lại. Ly hôn là chuyện riêng của hai người, những người xung quanh đâu có lỗi gì để “cắt đứt” với họ”. Chị chùng giọng: “Tôi thấy đau lòng vì mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng tôi luôn bị Thắng hiểu lầm; coi nó như “bóng ma” quá khứ, rồi tự suy diễn, đốt cháy mình trong ngọn lửa ghen tuông”.

TUYẾT DÂN

Án nương tay vì mục đích chưa đạt

Hành vi của bị cáo Đặng Văn Thắng được quy định tại điểm q, khoản 1, điều 93, Bộ luật Hình sự: giết người vì động cơ đê hèn, mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, tòa còn áp dụng điều 18: Phạm tội chưa đạt và xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xét xử. Dù cố ý thực hiện tội phạm, nhưng bị cáo không thực hiện được ý định đến cùng, chưa để lại hậu quả (kết luận giám định cho thấy nạn nhân có tỷ lệ thương tật 0%); bị cáo tỏ rõ sự ăn năn, chưa có tiền án tiền sự… nên tòa đã tuyên phạt mức án nương tay. Đây là điều đáng mừng cho cả bị cáo lẫn bị hại, bởi hành vi cố sát của bị cáo thực sự rất nguy hiểm.

Trong chuyện này, nạn nhân cũng có một phần lỗi. Thời gian sống chung, chị Thúy đã không tự tháo gỡ khúc mắc của mình, dẫn đến nỗi ghen tuông trong lòng bị cáo ngày càng chất chứa. Vụ án cho thấy, hành vi của bị cáo bung vỡ từ một quá trình chồng chất ghen hờn, chứ không phải do bột phát. Ngay cả việc để cho bị cáo nhiều lần thực hiện ý định giết hại mình, có cảm giác thiếu an toàn nhưng chị Thúy cũng không tìm cách giải quyết dứt điểm là điều đáng tiếc. Chính sự chịu đựng đó đã vô tình dung dưỡng cái ác, thách thức bị cáo ra tay.

Luật sư Phan Thị Thanh Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Từ khóa Lửa ghen
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI