Lỏng lẻo như… tình thầy trò

05/12/2013 - 18:06

PNO - PN - Gần đây, dư luận bàng hoàng trước chuyện nữ sinh P.T.T.T., học sinh (HS) lớp 9 Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp, tp.hcm) nhảy lầu tự tử, tự giải thoát mình khỏi những bế tắc của cuộc sống. Hiện tượng HS tự tử...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cha mẹ vô tâm, thầy cô vô cảm

Bà Hoàng Thị Hồng Hải - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dịch vụ giáo dục Trí Đức, nguyên Trưởng phòng giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM) - cho rằng, ở lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt là lớp 8 - lớp 9, tâm sinh lý các em có sự thay đổi rất mạnh mẽ. Các em luôn muốn khẳng định mình, có khuynh hướng gắn với bạn bè nhiều hơn, chất lượng học tập theo đó cũng bị giảm sút. Các em dễ bị tổn thương, suy sụp, có thể dẫn đến tự ti, mặc cảm, trầm cảm, thậm chí có những hành động tiêu cực khi mình bị phê bình hoặc nghĩ là mình bị đối xử không công bằng. Đã có nhiều HS học hành sa sút, bỏ nhà, bỏ học đi bụi.

Cho nên, HS ở lứa tuổi từ cuối lớp 7 cho đến lớp 10 rất cần được sự quan tâm đặc biệt từ người lớn, nhằm giúp các em vượt qua những “khó khăn tuổi dậy thì”. Nhưng, vì không hiểu nên các bậc cha mẹ thường không cảm thông, giúp đỡ mà còn la rầy, cấm đoán các em. Khi thấy các em học hành sa sút, các thầy cô giáo cũng không tìm hiểu nguyên do để điều chỉnh mà thường giáo điều, kiểu như: “Cha mẹ vất vả nuôi em ăn học mà học hành như thế hả? Tôi thất vọng về em quá!”. “Trong lúc các em đang dao động, lại bị những tác động không tích cực, sẽ dễ ngả về hướng tiêu cực”- cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) chia sẻ.

Không phải là tất cả, nhưng những thầy cô giáo mà chúng tôi có dịp trao đổi, đều thừa nhận một thực tế là sự quan tâm của thầy cô đối với HS hiện không được như xưa; trong khi HS lại chịu nhiều áp lực (từ gia đình, nhà trường và xã hội) hơn xưa. Nhiều giáo viên (GV) thấy học trò sai cũng không buồn nhắc. Sự vô cảm ở nhiều GV là có thật. Nhiều GV thì tỏ ra quá nghiêm khắc khiến HS khó gần gũi, chia sẻ.

Long leo nhu… tinh thay tro

Cựu học sinh Trường PTCS Lý Phong (Q.5) về thăm cô giáo cũ nhân ngày 20/11 - Ảnh: Phùng Huy

Một núi "sự vụ"

Bà Hồng Hải lý giải: “Ngày xưa, nhà trường và thầy cô giáo chỉ lo việc dạy học, không bị chi phối bởi thi đua này, thành tích nọ, đến ngày thì lãnh lương. Bây giờ thì quá nhiều chuyện sự vụ khiến nhà quản lý và thầy cô giáo không còn tập trung cao nhất vào chuyên môn”.

Những chuyện “sự vụ” nhiều đến mức nào thì không GV nào có thể nhớ hết được. Một thầy giáo của Trường THCS Bạch Đằng liệt kê sơ bộ: thi tìm hiểu pháp luật, học bồi dưỡng thường xuyên (nghe giảng, tự nghiên cứu và viết thu hoạch), tham gia các phong trào tại địa phương, thi GV giỏi, bồi dưỡng HS giỏi, dự giờ đồng nghiệp (tám tiết/học kỳ) và lên tiết để đồng nghiệp dự giờ (tám tiết/học kỳ), nếu là tổ trưởng chuyên môn thì dự giờ từ 12- 16 tiết/học kỳ, họp hành, thi đua, lo làm sao để đạt tỷ lệ HS lên lớp…

Cô B. - một GV chủ nhiệm giỏi ở Q.5, kể: “Ngoài giờ lên lớp chúng tôi phải soạn bài, chấm bài, phải nghiên cứu sách vở tài liệu để đổi mới phương pháp cho phù hợp với từng lớp, phải làm sổ sách chuyên môn, sổ chủ nhiệm, kế hoạch cá nhân (mục đích từng bài dạy và thiết bị giảng dạy đi kèm). Chương trình thì nặng nề, nhiều HS yếu kém không tiếp thu nổi, nhưng đầu năm chúng tôi vẫn phải đăng ký tỷ lệ lên lớp (bằng hoặc cao hơn năm trước). Tải sao cho hết chương trình và làm gì để đạt tỷ lệ HS lên lớp là nỗi lo thường trực của chúng tôi. Nói thật, dù là GV chủ nhiệm nhưng tôi không có thời gian để tâm sự với HS”.

“Được gần gũi với thầy cô giáo là một nhu cầu của HS, nhưng với áp lực như hiện nay thì thầy cô giáo còn đâu thời gian để gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với HS” - Cô Huệ nói.

Một hiệu trưởng tâm sự: “Chúng ta đã đặt ra rất nhiều thứ khiến người thầy phải đối phó mệt mỏi nhưng chẳng có ý nghĩa gì cả. Ví dụ: để xác định có phải là GV giỏi hay không thì phải xét cả một quá trình giáo dục đạt hiệu quả đến mức nào, trong đó gồm cả việc lên tiết giảng và những hoạt động giáo dục HS ngoài giờ lên lớp, nhưng việc thi và đánh giá GV giỏi hiện nay chỉ qua một hai tiết dạy. Nhiều mặt khác cũng thế. Chúng ta đang dựa vào những thứ mà chúng ta biết rõ chỉ là để đối phó. Những thứ giả dối đó đang làm khổ GV.

Từ đó, GV thường có tâm lý làm cho hết giờ, cho xong chuyện, không còn thời gian và tâm sức để gắn bó với HS. Không có sự gắn bó thì HS không thổ lộ khi gặp rắc rối trong cuộc sống, thầy không nắm bắt được suy nghĩ của HS nên không giúp được các em”. Dễ thấy nhất là vụ ba nữ sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Nông) rủ nhau uống thuốc độc tự vẫn ngay tại trường hồi tháng Ba, nhiều HS biết về chuyện đó trước một tuần nhưng các thầy cô giáo và nhà trường không hề biết gì.

Thầy cần học cách hiểu trò

Ngoài những tác động có tính khách quan, bà Hồng Hải cũng cho rằng, hiện GV được đào tạo ra không chuẩn về chức trách nghề nghiệp. Điều này cũng từng được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định tại Hội thảo khoa học Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cách đây chưa lâu: “Yếu kém của giáo dục phổ thông chính là do yếu kém của đội ngũ GV và hệ thống đào tạo sư phạm”. GS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định: “Công tác đào tạo GV hiện còn tồn tại nhiều bất cập và kém hiệu quả”. PGS Nguyễn Kim Hồng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thừa nhận, lâu nay trong đào tạo GV chưa chú trọng đến việc trang bị khối kiến thức sư phạm.

Dạy học là một nghề đặc biệt, vì đối tượng của nghề này là HS, sự tác động của các thầy cô giáo đến các em không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng nhân cách. Vì thế, bà Hồng Hải cho rằng, việc đào tạo GV đòi hỏi phải thật công phu và cần chú trọng đến chuẩn chức trách và đạo đức nghề nghiệp. Nhìn xa hơn, phải cải tạo chương trình và hệ thống đào tạo sư phạm.

Do hoàn cảnh xã hội đã thay đổi nên đặc điểm tâm sinh lý, suy nghĩ của HS ngày nay đã khác xưa. Để đáp ứng yêu cầu giáo dục mới, các thầy cô giáo cần thường xuyên được bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ sư phạm; tự bồi dưỡng và làm mới mình cả về kiến thức, phương pháp, kỹ năng lẫn hiểu biết xã hội để nắm bắt những diễn biến tâm lý của HS. Ngoài ra, GV cũng cần được bỏ bớt những “sự vụ” không cần thiết để có thời gian kết nối với gia đình các em, quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu HS hơn.

 MINH NHẬT 

Tháng 3/2013, ở Nghệ An, một nữ sinh lớp 9 đã treo cổ tự tử tại nhà vì bị mẹ la mắng chuyện học hành. Cũng trong tháng Ba, ba nữ sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Nông) rủ nhau uống thuốc độc tự vẫn ngay tại trường. Tháng 5/2013, một nam sinh Trường THCS Tân Vĩnh (Hà Tĩnh) nhảy sông tự vẫn. Trước đó, một nam sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhảy lầu vì bị GV tiếng Anh mắng trước lớp; một nữ sinh ở Thái Bình nhảy lầu tự tử khi bị cô giáo lăng mạ; một nam sinh treo cổ trong nhà vệ sinh trường chỉ vì để tóc dài, bị nhắc nhở dưới cờ; hai nam sinh nhảy cầu tự tử vì bị cha mẹ la mắng chuyện bỏ nhà đi bụi, học hành sa sút…
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI