Liên Hiệp Quốc đau đầu với bài toán phân phối viện trợ để cứu đói

22/03/2022 - 06:08

PNO - Liên Hiệp Quốc cho biết đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi buộc phải cắt giảm viện trợ ở những nước nghèo, người dân thiếu đói để chuyển đến giúp đỡ những quốc gia có người dân bị đói đến mức cấp bách.

Các cơ quan viện trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang làm việc với các quốc gia có tình trạng khẩn cấp nhất bao gồm Yemen, Afghanistan, Nam Sudan và Ethiopia trước khi phải ra những quyết định khó khăn về việc cắt giảm mức viện trợ. Dù người dân ở các quốc gia này đang rất thiếu thốn nhưng cơ quan này buộc phải dè sẻn để chuyển bớt một phần cứu trợ sang Ukraine. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc lấy thức ăn từ những người đang đói để nuôi những người sắp chết đói”.

Nhu cầu ở Yemen đang tăng khi chiến tranh cùng khủng hoảng kinh tế đi kèm khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nguy cơ động vật phá hoại mùa màng trong khi chi tiêu từ các nhà tài trợ quốc tế đã bị cắt giảm, nhất là sau hơn hai năm đại dịch COVID-19. Điều này đã buộc các nhà hỗ trợ nhân đạo phải thu hẹp lại những gì họ cung cấp, bao gồm cả khẩu phần thực phẩm.

Nguồn tài trợ giảm sút trong khi nhu cầu cứu trợ thực phẩm của các quốc gia nghèo đang tăng cao là bài toán khó đối với Liên Hiệp Quốc - ẢNH: AFP
Nguồn tài trợ giảm sút trong khi nhu cầu cứu trợ thực phẩm của các quốc gia nghèo đang tăng cao là bài toán khó đối với Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AFP

Số người cần viện trợ ở Yemen đã lên đến 17,4 triệu người trong năm nay và ước tính sẽ tăng thêm hơn 1 triệu người vào cuối năm 2022. Dù vậy, WFP tuần qua cho biết các nhà tài trợ cam kết chi 1,3 tỷ USD cho nước này nhưng vẫn còn thiếu đến 3 tỷ USD so với mức cần có là 4,3 tỷ USD. Ước tính hiện có khoảng 31.000 người đang phải đối mặt với mức độ đói thảm khốc và con số đó có thể tăng lên 161.000 vào tháng Sáu tới. Mặc dù Cơ quan Lương thực của LHQ đã giảm khẩu phần ăn của 8 triệu người để có thể chia sẻ cho nhiều người hơn nhưng số lượng người cần hỗ trợ cấp bách vẫn đang tăng lên trong khi viện trợ thì thiếu. Nếu tiếp tục cắt giảm thêm thì khó có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trong khi đó, việc nhiều khoản viện trợ phát triển cho Afghanistan bị đóng băng kể từ khi Taliban tiếp quản vào năm ngoái đã đẩy nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo tuyệt vọng. Một nửa dân số của quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, trong số đó có 8,7 triệu người có nguy cơ bị đói trầm trọng. Lời kêu gọi cần có 4,44 tỷ USD của LHQ chỉ thu được kết quả có 13% con số đó kể từ khi phát động vào tháng Giêng. Riêng WFP đang thiếu đến 525 triệu USD tài trợ mà tổ chức này yêu cầu khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu chống đói cho người dân Afghanistan trong sáu tháng tới. Theo LHQ, phần lớn đất nước đang lâm vào cảnh nợ nần và 95% gia đình không đủ ăn.

Tại Ethiopia, các cuộc giao tranh ở Tigray đã khiến hơn 2 triệu người phải di tản. LHQ đang thiếu hơn 300 triệu USD so với mục tiêu tài trợ 957 triệu USD. LHQ đặt mục tiêu tiếp cận, hỗ trợ cho 870.000 người mỗi tuần, nhưng từ giữa tháng 10/2021, con số này chỉ đạt 740.000 người. Hầu hết các gia đình ở đây không có đủ lương thực và đang phải đối phó bằng cách giảm bữa ăn, bán hoa màu để trả nợ hoặc đi ăn xin. Có 454.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng và 120.000 phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú bị suy dinh dưỡng.

Nam Sudan cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đói tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay. Tình hình được cảnh báo rằng 70% người dân sẽ phải vật lộn để vượt qua giai đoạn đói nghèo và thảm họa sắp tới khi nguồn cung cạn kiệt. Ước tính có khoảng 8,9 triệu người trên tổng số 11,4 triệu đã cần viện trợ. Tuy nhiên, nguồn tài trợ cho Nam Sudan còn thiếu đến 529 triệu USD. 

Thu Thanh (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI