Lao động nhập cư tại Mỹ đi không được, ở không yên

05/08/2020 - 06:00

PNO - Khi số ca nhiễm COVID-19 bùng nổ , những người lao động nhập cư mắc kẹt . Họ không thể rời đi, trừ phi chấp nhận bị trục xuất.

Khi số ca nhiễm COVID-19 bùng nổ tại các trang trại và nhà máy thực phẩm của Mỹ, những người lao động nhập cư mắc kẹt trong các khu nhà ở đông đúc, nơi bệnh tật lây lan nhanh như cháy rừng. Họ không thể rời đi, trừ phi chấp nhận bị trục xuất.

Mắc bẫy

Chương trình thị thực liên bang của Mỹ dành cho những người nông dân (gọi là H-2A) phát triển nhanh chóng khi lực lượng lao động nông thôn nội địa ngày càng già hóa. Ngay cả khi Nhà Trắng hạn chế cấp thị thực giữa đại dịch, H-2A được xem là ngoại lệ vì những nhân công mà nó đem lại “rất quan trọng trong việc duy trì và đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu của đất nước”. Theo luật liên bang, các lao động nhập cư được đảm bảo điều kiện làm việc tốt, lương công bằng và nhà ở an toàn; dù vậy, họ bị ràng buộc với chủ lao động và phải trở về nước sau khi hết hạn thị thực.

Các công nhân nông trại thời vụ nhập cư đang làm việc tại Greenfield,  bang California - Ảnh: Getty Images
Các công nhân nông trại thời vụ nhập cư đang làm việc tại Greenfield, bang California - Ảnh: Getty Images

Nhưng khi H-2A được mở rộng, nó khiến nhiều người lao động đứng trước nguy cơ bị lạm dụng. Đại dịch tạo ra những mối nguy hiểm mới cho những nông dân này, vốn thường ở trong các ngôi nhà chật chội do người chủ cung cấp, di chuyển bằng xe tải chung. Kết quả, sự bùng phát dịch COVID-19 khiến những người nông dân nhập cư đổ bệnh trên khắp nước Mỹ. 

Tại Oxnard - một thành phố nhỏ ở ngoại ô Los Angeles (bang California) - ổ dịch bùng phát trong một ký túc xá nơi người lao động chen chúc bảy người/phòng. Cách đó khoảng 150km, tại Santa Maria, ít nhất 85 người nhiễm bệnh ở các khu nhà chung trong vòng vài tuần qua.

Không còn sự lựa chọn

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các nông dân làm việc tại nông trại, những nhân viên có thị thực H-2B (cấp cho công việc phi nông nghiệp tạm thời) cũng đối mặt với nguy cơ cao. Mặc dù Bộ Lao động Mỹ không yêu cầu nhà ở cho các đối tượng này, chủ lao động hoặc nhà thầu lao động vẫn thường cung cấp chỗ ở và đôi khi trừ tiền thuê nhà từ lương.

Ở Crowley, bang Louisiana, Reyna Alvarez cảm thấy không khỏe. Người mẹ ba con 36 tuổi đến từ một ngôi làng ở phía tây bắc Mexico làm việc tại một nhà máy chế biến tôm cho đến khi dịch bệnh quét qua hai ký túc xá của cơ sở. Reyna đến điều trị tại một bệnh viện gần đó mà không nói với chủ. Khi bình phục và sẵn sàng trở lại làm việc, cô phát hiện mình đã bị sa thải và báo cáo với cơ quan di trú.

Từ nhà riêng ở Mexico, cô kể: “Tất cả chúng tôi đều bị bệnh, một trăm công nhân, và họ chẳng làm bất cứ điều gì để hỗ trợ chúng tôi”. Mọi việc bắt đầu chỉ với một người bị bệnh, nhưng tất cả đều mắc kẹt ở ký túc xá, với nhà bếp và phòng tắm chung. Căn bệnh lây lan nhanh chóng, và Reyna nói rằng “các công nhân sống như thây ma trong nhà máy”.

Những người lao động nhập cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất ở Mỹ dù Mỹ rất cần họ. Năm 2019, Mỹ đã cấp 205.000 visa H-2A cho công nhân nông trại thời vụ, tăng hơn 300% so với một thập niên trước. Cùng với đó là 98.000 thị thực H-2B cho công nhân thời vụ trong chế biến thực phẩm và các ngành nghề khác, tăng gấp đôi so với năm 2009.

Cần một lối thoát 

Các nhóm vận động về quyền của người lao động như Centro de los Derechos del Migrante, và Polaris - tổ chức từ thiện chống buôn người - đang giải quyết rất nhiều hồ sơ khiếu nại về môi trường làm việc. Một số công nhân lo lắng về việc trao đổi với nhà tuyển dụng khi họ xuất hiện các triệu chứng bệnh, sợ rằng họ sẽ mất việc và buộc phải trở về nhà.

Evy Pena - Giám đốc truyền thông của Centro de los Derechos del Migrante - cho biết: “Người lao động phải đưa ra quyết định khó khăn giữa làm việc trong điều kiện nguy hiểm hoặc trở về nhà với khoản nợ không thể vượt qua”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cùng Cơ quan Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp đã đưa ra các khuyến nghị về an toàn cho công nhân nông trại và ngành thực phẩm, nhưng chúng chỉ mang tính tự nguyện. David Michaels - giáo sư y tế công cộng tại Đại học George Washington - nhận xét: “Hàng chục ngàn công nhân ngành sản xuất thực phẩm nhiễm bệnh là bằng chứng cho thấy khuyến nghị chưa đủ sức bảo vệ. Nếu không có quy tắc bắt buộc, mọi thứ sẽ càng tệ hơn”. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI