Không dễ làm báo thời nay

20/06/2018 - 11:04

PNO - So với 10 năm trước, kỷ nguyên số tràn ngập thông tin sẵn có, luôn dễ dàng kết nối và truy xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm báo. Điều đó có làm cho vai trò của người làm báo kém đi trong mắt độc giả?

Giáo sư Phan Văn Trường

Sự phát triển của mạng xã hội song hành cùng báo chí tạo điều kiện khai thác thông tin đa chiều. Nhưng lẽ ra, giữa báo chí và Facebook phải bổ túc thông tin cho nhau thì thực tế hiện nay chỉ sao chép thông tin là chủ yếu.

Khong de lam bao thoi nay
Phóng viên tác nghiệp tại một buổi lễ khánh thành ở TP.HCM

Dù làm việc ở lĩnh vực nào, mỗi người đều có thể phát biểu ý kiến về các vấn đề đang diễn ra, nhất là các vấn đề ảnh hưởng đến xã hội. Một người không phải là nghệ sĩ vẫn có thể hiểu biết sâu về nghệ thuật. Một người không phải là bác sĩ đôi khi vẫn có thể nói về các vấn đề y khoa.

Báo có thể phỏng vấn một nghệ sĩ hay bác sĩ về ứng dụng 4.0 chứ không nhất thiết phải là một chuyên gia về công nghệ thông tin như chúng ta đang làm. Có lúc, tôi nhận được cùng một câu hỏi từ nhiều tờ báo. Đây là một lối làm việc quá mòn.

Khong de lam bao thoi nay

Làm báo thời nay không dễ, khi thông tin không còn biên giới. Tôi có thể đọc tin tức các nước trên thế giới vài tiếng trước giờ nhật báo Việt Nam phát hành. Vì vậy, chỉ những bài viết sâu sắc, nêu được lập trường, chính kiến của tác giả mới thu hút người đọc như tôi.

Tôi không nghĩ thông tin nhanh là nhu cầu của bạn đọc báo, vì mạng xã hội đã làm điều đó. Báo chí cần tập trung vào những bài viết đáng đọc, đáng suy ngẫm. Ngoài ra, hình ảnh cũng là yếu tố cần chú trọng. Một bức ảnh đắt giá đủ nói lên nhiều thông điệp, không cần diễn tả bằng lời. 

Nguyễn Dạ Quyên (CEO Công ty CEL Consulting)

Thế giới ngày càng phẳng, công nghệ ngày càng phát triển, việc truy xuất thông tin đáng lẽ dễ hơn, tính minh bạch nhiều hơn thì thực tế lại trở nên phức tạp hơn, rối rắm hơn, vì thông tin quá nhiều nguồn, không biết đâu mà lường. Công việc của người làm báo thời nay, theo tôi, ngày càng khó, vì thông tin được thể hiện đa chiều, đa dạng, đa giọng, đa nguồn, đa nền tảng.

Khong de lam bao thoi nay

Việc của người làm báo là tìm ra sự thật, nhưng trong bối cảnh hiện nay, sau mỗi sự thật dường như lại có một (hay nhiều) sự thật khác. Thông tin tầng tầng lớp lớp như củ hành tây - bóc hết lớp này lại có lớp khác, không biết khi nào mới tới lõi. Tìm cho ra sự thật và bản chất từng vấn đề quả là một thách thức.

Fake news (tin giả) không phải chuyện mới nhưng đang tiếp cận dễ hơn với những độc giả dễ dãi, cả tin nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Kỹ năng bóc tách vấn đề, sàng lọc thông tin tại nguồn là một trong những yêu cầu mà người làm báo ngày nay phải rất giỏi, để không sập bẫy tin giả.

Khủng hoảng niềm tin là một thách thức khác của nghề báo ngày nay. Theo khảo sát tại Mỹ năm 2017, truyền thông và chính phủ là hai đối tượng bị giảm sút niềm tin từ công chúng và ở trong giai đoạn “bị công chúng ngờ vực với các thông tin đưa ra”. Làm thế nào để báo chí lấy lại niềm tin và nâng cao độ tin cậy với công chúng là một thách thức rất lớn.

Ngày nay, chia sẻ thông tin, hình ảnh, thậm chí trực tiếp ngay tại hiện trường là chuyện quá dễ dàng. Người làm báo, ngoài những nội dung chất lượng, đáng tin cậy, còn phải đua thời gian với mạng xã hội. Tính thẩm mỹ, cái nhìn cũng là điều quan trọng trong việc đưa tin, để trình bày vấn đề mạch lạc, hiệu quả cho đủ kiểu độc giả, càng làm cho người làm báo hôm nay giống như những “hoa hậu siêu nhân” - vừa phải giỏi, vừa phải nhanh, vừa phải đẹp.

Càng nghĩ càng thấy thương và cảm cho người và nghề báo thời nay - phải chạy đua ở mọi “mặt trận”, lại càng trân quý những người làm báo chân chính.

Trương Lý Hoàng Phi (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC TP.HCM)

Báo chí luôn giữ vai trò quan trọng trong xã hội - chuyển tải những thông tin mới mẻ, hữu ích đến độc giả. Nhưng nghề báo đang ngày càng chịu nhiều áp lực hơn, bởi người làm báo phải chạy đua với khối lượng thông tin và những sự kiện diễn ra liên tục mỗi ngày.

Khong de lam bao thoi nay

Thời của mạng xã hội, những thông tin mới, những ý kiến đa chiều từ Facebook rất hữu ích cho người làm báo trong việc nhận định các xu hướng mới, những vấn đề đang được quan tâm.

Mặt khác, mạng xã hội biến mỗi người thành một “cơ quan ngôn luận” của chính mình và những phát ngôn của nhà báo trên mạng cũng quan trọng không kém bài viết trên báo. Độc giả khó tính như chúng tôi luôn trông đợi những bài viết sắc sảo từ báo chí, nên rõ ràng, nghề báo không hề dễ, nhất là đối với nhà báo trẻ.

Tôi may mắn gặp được nhiều nhà báo yêu nghề, nghiêm túc và có trách nhiệm từ những ngày đầu lập nên BSSC. Họ đã giúp đưa những thông điệp mới mẻ về khởi nghiệp (startup) đến cho mọi người, giúp cộng đồng hiểu đúng về khởi nghiệp. Có thể nói, báo chí cũng đã góp phần tạo nên một “làn sóng khởi nghiệp” tại Việt Nam. 

Để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tốt hơn, nhiều lần tôi cũng nhờ bạn bè làm báo hỗ trợ về định hướng, chương trình, bởi tôi tin họ có cái nhìn đa chiều, khách quan hơn. Báo chí cũng đã giúp các sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận với cộng đồng, để từ đó người khởi nghiệp nhận được phản hồi từ khách hàng và cải thiện sản phẩm. 

Báo chí hiện đại có trở nên uy tín và cuốn hút hơn đối với người đọc hay không phụ thuộc vào người làm báo. Với tôi, nhà báo cần được đào tạo bài bản, liên tục, đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm và có tâm với nghề, bởi giữa người viết báo và nhà báo thật sự đôi lúc là một khoảng cách.

Khong de lam bao thoi nay
Theo khảo sát tại Mỹ năm 2017, số liệu cho thấy báo chí và chính quyền đang dần đánh mất niềm tin nơi độc giả, người dân

Việc viết báo và làm báo cần nghĩ đến mục tiêu dài hạn chứ không chỉ tìm kiếm người đọc trong ngắn hạn. Nếu báo chí không có sự đầu tư, đổi mới, sáng tạo và người làm báo không liên tục trau dồi, học hỏi để có những bài viết sâu sắc thì khó mà đáp ứng được đòi hỏi của những độc giả trí thức ngày càng cao.

Nguyễn Tiến Huy (Sáng lập và Điều hành Digipencil MVV JSC, khởi xướng dự án Giáo dục giới tính và an toàn thân thể cho trẻ em ANNA)

Gần đây, mạng xã hội, các fanpage, blog... giành nhiều thị phần của báo giấy và các kênh truyền thông đại chúng truyền thống. Báo chí Việt Nam buộc phải thay đổi để tồn tại. Bên cạnh tốc độ và nội dung thông tin, báo chí cũng phải quan tâm tới lượng like, view, share… Xét cho cùng, báo chí là ngành kinh doanh nội dung nên phải có nhiều người đọc, người xem. Việc một số cơ quan báo chí hướng đến những tin giật gân là điều khó tránh khỏi. Nhưng mong rằng, các nhà báo hãy chọn lựa những câu chuyện thu hút một cách tích cực và nhìn nhận vấn đề theo những góc nhìn hữu ích.

Ngôn từ có sức mạnh rất lớn, có thể thay đổi quan niệm sống của người đọc. Tuy ngày nay vị trí về thông tin của báo chí không còn độc tôn, báo chí nên là tiếng nói chính thống vang lên giữa đám đông mạng. Các vấn đề xã hội nóng trên mạng, nếu có sự hỗ trợ từ báo chí, sẽ giúp đưa đến những chính sách đúng đắn. Với ngành giải trí, báo chí nên góp phần định hướng các xu hướng giải trí hay tư duy tôn trọng giá trị sáng tạo mà các kênh mạng xã hội không làm.

Khong de lam bao thoi nay

Nhiều sự việc, nhờ có tiếng nói của báo chí mà sự thật được phơi bày và công lý được thực thi như nạn ấu dâm, vụ án Nguyễn Khắc Thủy… Báo chí cũng góp phần lan tỏa tình yêu nước, tinh thần dân tộc qua sự kiện U23 hay tài năng xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp... Đó là điều công chúng chờ đợi ở báo chí. Mạng xã hội cũng là cơ hội để những nội dung tốt của báo chí lan truyền. Mạng giúp các nhà báo nhanh chóng hòa vào những câu chuyện cuộc sống, nhưng cũng khiến một số nhà báo chủ quan, vội vàng. Từ đó dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc như thông tin về vụ cà phê pin gần đây.

Báo chí có sức mạnh và quyền lực của mình. Nhưng sức mạnh ấy cần được dùng đúng lúc, đúng chỗ; nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội, từ đời sống cho tới chính trị. Mong các nhà báo luôn giữ vững ngòi bút, công tâm, truyền tải những thông tin giá trị và hữu ích một cách khách quan và chân thực. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI