Đàn ông cần được… khóc

“Không ai có thể nắm tay suốt cả ngày”

10/04/2022 - 05:21

PNO - “Tiêu chuẩn” của đàn ông không cho phép họ gục xuống. Nhưng quả thực, có những lúc họ cần được ngã xuống, nghỉ ngơi.

“Không ai có thể nắm tay suốt cả ngày”. Đó là điều vợ tôi đã nói khi nàng xúi tôi bỏ việc tại một doanh nghiệp truyền thông lớn, bỏ mức lương hấp dẫn nhưng đầy áp lực và những điều bất đắc chí.

Suốt nửa năm sau đó, gã đàn ông là tôi “cơm nhà áo vợ”, ngày ngày chỉ việc ăn, ngủ, chơi game và trồng hoa. Sau đó, tôi được mời về làm việc cho một tờ báo thuộc hàng lớn nhất, nhì; vẫn là nàng nói: “Nếu anh chưa muốn đi làm thì đừng đi”. Tôi đã sống sót qua những ngày trầm cảm như thế.

Kỳ thực, cũng như rất nhiều người đàn ông khác, tôi đã lớn lên với niềm tin rằng mình là đàn ông, mình phải mạnh mẽ, mình phải là điểm tựa cho gia đình vân vân và mây mây… Xã hội đã đặt lên vai chúng tôi những “tiêu chuẩn” của “đàn ông” ngay từ những ngày thơ ấu. Chúng đeo bám chúng tôi, thành chiếc lồng khóa chặt mà gần như chẳng có mấy ông đủ can đảm thoát ra. Thậm chí cả việc nói về các khó khăn, sự bế tắc của mình các ông cũng không dám, bởi điều đó sẽ được định vị là kém cỏi, yếu đuối.

Ngày ấy, việc phải liên tục viết cho kịp deadline những bài ngợi ca các sản phẩm, chương trình mà chính tôi thừa biết là dở tệ khiến tôi bất mãn, cảm giác như thể mình đang lừa dối mọi người. Xung quanh tôi, đồng nghiệp đều làm như thế, thản nhiên, không hề có chút nghĩ ngợi nào. Tôi không muốn làm công việc ấy. Tôi không muốn “bán mình” như vậy. Nhưng đó là công việc có thu nhập cao, dư dả để tôi có thể chăm lo cho vợ con, để hằng tuần có thể đưa gia đình đi chơi, để hiền nội không phải mang cảm giác thua bạn kém bè và đặc biệt là không phải chịu những lời dè bỉu vì đã chọn lấy một ông chồng nghèo, bất chấp mọi sự can ngăn của cha mẹ nàng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Chúng tôi sinh ra với những tiêu chuẩn đàn ông như chiếc lồng khoá chặt (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Ngày chúng tôi kết hôn, tôi đã hứa sẽ bảo bọc cho nàng - cô gái đã từng trải qua tuổi thơ chìm đắm trong trầm cảm, u uất đến mức từng muốn và từng thử kết liễu cuộc đời (nhưng may là không thành). Tôi đã tự vác lên vai mình trách nhiệm che chở, bảo vệ, chăm sóc gia đình, không được lơ là, ngơi nghỉ. Mà, điều đó cũng phù hợp với “tiêu chuẩn” dành cho đàn ông, nên cũng không có gì lạ.

Những ngày tháng nằm vật ra sau khi buông máy, kết thúc ngày làm việc; những khoảnh khắc tôi gây hấn với chữ nghĩa - thứ vốn rất quen thuộc với tôi, thứ mà tôi tin rằng mình đã phản bội chúng - khiến tôi khó chịu, dễ nổi cáu, nhưng phải tự ép mình kiềm chế, cố che giấu chúng trong dáng vẻ, thái độ bình thường nhất có thể. Và tôi lại u uất với chính những màn đóng kịch đó của mình. Tôi về nhà muộn hơn, để tránh cho hiền nội phải thấy vẻ mặt của tôi, để không khí vui vẻ của gia đình đừng bị tôi vùi lấp.

May cho tôi, với “kinh nghiệm” của một người từng phải điều trị trầm cảm thời gian dài, hiền nội đã nhìn thấy những dấu hiệu ấy và đề nghị tôi nói chuyện. Suốt đêm, khi các con đã ngủ, chúng tôi uống trà, nói chuyện, đủ thứ trên đời, cho đến khi tôi trút xả được những ưu tư, thấy rằng việc tôi một mình chịu đựng những khó khăn thực chất có hại cho gia đình nhiều hơn.

“Không ai có thể nắm tay suốt cả ngày”. Tôi xin gửi câu nói của hiền nội đến bạn - những người đang phải chịu đựng các vấn đề tâm lý cũng như người thân của họ. “Em cần anh vui vẻ sống với mẹ con em và đó là điều quan trọng nhất” - vợ tôi nói, đêm ấy. Và đêm ấy, tôi đã khóc trong vòng tay nàng. 

Hoàng Hưng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI