Đàn ông cần được… khóc

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần đang chịu nhiều thiệt thòi

09/04/2022 - 19:06

PNO - Định kiến xã hội buộc nam giới phải cứng rắn; trơ lì như gạch, đá; không được buồn, khóc, tuyệt vọng… Định kiến cũng bắt họ phải là trụ cột gia đình về kinh tế...

Hai năm dịch bệnh vừa qua với các bấp bênh về tài chính, khủng hoảng y tế, nỗi bất an bao trùm khiến số người bị rối loạn lo âu hay trầm cảm ở mức lâm sàng tăng cao. Trong khi đó, định kiến xã hội buộc nam giới phải cứng rắn; trơ lì như gạch, đá; không được buồn, khóc, tuyệt vọng… Định kiến cũng bắt họ phải là trụ cột gia đình về kinh tế, sao cho vợ con họ phải bằng chị bằng em. Đáng chú ý, khi gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần, tỷ lệ tự sát “thành công” của nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

Sức khoẻ tâm thần không chỉ là vấn đề của các xã hội giàu có 

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, gần đây chúng ta có nghiên cứu hay dữ liệu nào mới về tình trạng sức khỏe tâm thần của người Việt và thế giới không? Những số liệu ấy có tách bạch tình trạng ở nữ và nam giới?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bức tranh về sức khỏe tâm thần không có sự khác biệt giữa các nước, dù phát triển hay đang phát triển. Đó không chỉ là vấn đề của các xã hội giàu có.

Trung bình, trong một năm, cứ 100 người thì có 7 người vướng vào trầm cảm. Trong cả cuộc đời, cứ 100 người thì có 15 người bị trầm cảm viếng thăm vào một lúc nào đó. Đây là những con số rất lớn. Hai năm dịch bệnh vừa qua với các bấp bênh về tài chính, khủng hoảng y tế, nỗi bất an bao trùm khiến số người bị rối loạn lo âu hay trầm cảm ở mức lâm sàng tăng cao, dù chúng ta chưa có nhiều số liệu.

Căng thẳng kéo dài, các sang chấn tâm lý cũng sẽ khiến sức đề kháng tinh thần của chúng ta suy giảm, ta dễ gục ngã khi phải đối diện với sức ép mới. Liên quan tới giới tính, trước thời điểm dậy thì, tỷ lệ bị rối loạn lo âu hay trầm cảm ở trẻ em trai và gái là tương đương. Thế nhưng sau dậy thì, tỷ lệ nữ bị trầm cảm cao gấp đôi nam giới. Hiện vẫn chưa có giải thích khoa học thỏa đáng cho hiện tượng này. Đáng tiếc là tỷ lệ tự sát “thành công” của nam giới cao hơn nữ nhiều, do họ dùng bạo lực với chính mình quyết liệt hơn.

bấp bênh về tài chính, khủng hoảng y tế, nỗi bất an bao trùm khiến số người bị rối loạn lo âu hay trầm cảm ở mức lâm sàng tăng cao (Ảnh minh họa)
Bấp bênh về tài chính, khủng hoảng y tế, nỗi bất an bao trùm khiến số người bị rối loạn lo âu hay trầm cảm ở mức lâm sàng tăng cao (Ảnh minh họa)

* Từ thực tế của ông, sau một năm thực hiện dự án Ngày Mai và đường dây nóng Ngày Mai (ra đời và hoạt động suốt thời kỳ cao điểm dịch COVID-19), xin ông nhận xét về sức khỏe tâm thần mùa dịch ở cả hai phái, đặc biệt là phái nam.

- Cũng từ lý do trên, không ngạc nhiên với số lượng nữ chiếm phần lớn trong các cuộc gọi tới hotline Ngày Mai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ nam giới - từ những nam thanh niên bơ vơ trong gia đình của mình, tới đàn ông khủng hoảng vì ly hôn hay cảm thấy bị bủa vây bởi các khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, định kiến xã hội khiến nam giới, đặc biệt những người ở tuổi trung niên trở lên, cho rằng mình không được phép thể hiện cảm xúc và tìm tới sự trợ giúp. Phá bỏ định kiến này là một trong những mục tiêu của dự án Ngày Mai.

* Đàn ông cho rằng phụ nữ có nhiều kênh để giải tỏa tâm lý, như tám chuyện, mua sắm, làm đẹp, chơi với con còn đàn ông có ít kênh để xả stress, thậm chí họ bị bỏ quên với những định kiến “đàn ông mà yếu đuối”, “đàn ông mà than vãn”… Họ chỉ có thể ra quán bia xả stress cùng bạn bè, nhưng bia rượu có thể khiến nhiều người buồn hơn, rối loạn tâm thần hơn thì phải.

- Như đã nói bên trên, định kiến xã hội bắt nam giới phải cứng rắn, trơ lì như gạch, đá; rằng buồn, khóc, tuyệt vọng là “đàn bà”, là “mít ướt”. Định kiến cũng bắt họ phải là trụ cột gia đình về kinh tế, sao cho vợ con họ phải bằng chị bằng em trong mua sắm, tiêu dùng. Những điều này dễ khiến đàn ông bị bế tắc và tìm tới chất kích thích.

Cần nói rõ, rượu bia là một biện pháp tự chữa chạy và đàn ông tìm tới cách thức tự điều trị này không phải vì họ là những kẻ tồi, kém cỏi về đạo đức, mà vì họ không biết tới những cách khác, không nhận được những trợ giúp khác. Lên án, chỉ trích người lạm dụng chất kích thích không khiến họ thay đổi mà xử lý nguyên nhân khiến họ chạy trốn vào rượu bia mới tạo ra sự thay đổi. 

Nhiều người đàn ông tìm tới chất kích thích khi rơi vào trầm cảm (Ảnh minh họa)
Nhiều người đàn ông tìm tới chất kích thích khi rơi vào trầm cảm (Ảnh minh họa)

Các rối loạn tâm lý là bệnh thật, không phải là thứ "chỉ có trong đầu"

* Xin ông cho một vài gợi ý về cách tự nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nam giới. Khi đã có dấu hiệu trầm cảm, người ta nên làm gì để thoát ra sớm? 

- Với cơ thể mình, chúng ta thường xuyên theo dõi tim mạch; huyết áp; nhiệt độ, tình trạng tiêu hóa; sức bền của cơ bắp; chất lượng của mắt, tai và sớm tìm tới bác sĩ nếu có dấu hiệu đáng ngờ, sau đó điều chỉnh cuộc sống để các triệu chứng không nặng lên. Với sức khỏe tinh thần, chúng ta cũng cần làm như vậy. Nếu thấy mệt mỏi, mất ngủ, lo âu thái quá, dễ nổi nóng hay bỗng nhiên khóc, chán nản, mất niềm vui, suy nghĩ tiêu cực về bản thân… chúng ta cần điều chỉnh cuộc sống để giảm thiểu stress, tìm tới các nguồn năng lượng tích cực, giãi bày, tâm sự với người khác, “nuông chiều” bản thân bằng những điều dễ chịu và tìm tới chuyên gia nếu thấy tình hình không khá lên.

Đáng tiếc là nhiều người, đặc biệt nam giới, vẫn tự buộc mình phải cố gắng, không chịu nghỉ ngơi khi các dấu hiệu của rối loạn, của quá tải tâm lý đã rất rõ. Điều này cũng điên rồ như người sốt cao vẫn đeo 60kg trên lưng vượt núi và cho rằng mình không có quyền nghỉ ngơi; rằng nghỉ ngơi là yếu đuối, ích kỷ.

* Phụ nữ thường gánh nhiều trách nhiệm chăm sóc người khác, nhưng không phải ai cũng đủ tinh tế để nhận ra người thân đang có những bất ổn. Nếu cha, chồng, con trai… không khỏe về tâm thần, người chăm sóc này cần nhận biết qua dấu hiệu gì và nên làm gì; tránh điều gì có thể gây thêm áp lực đẩy người đàn ông lún sâu?

- Xã hội nói chung, không chỉ phụ nữ, đang chỉ chú tâm vào những bệnh thể chất. Người ta có thể dành nửa tài sản để chữa chạy bệnh thể chất cho người thân nhưng vì không hiểu biết và định kiến mà thờ ơ, bỏ qua, coi thường các dạng tâm bệnh, khiến người mắc bệnh bị ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống, tương lai, thậm chí có thể mất mạng. Thông tin về các dạng tâm bệnh hiện đã có rất nhiều trên mạng, ai cũng có thể tìm hiểu như tìm hiểu về mỡ máu hay tiểu đường. Chúng ta cần hiểu sâu sắc rằng các rối loạn tâm lý là bệnh thật, không phải là thứ “chỉ có trong đầu”. Chúng cần được trị liệu, không phải cứ “cố gắng” là giải quyết được và ai cũng có thể mắc chứ không chỉ người “yếu đuối” hay “có gen tâm thần”. Tránh được những suy nghĩ này, chúng ta sẽ hành xử đúng mực, thông cảm, hỗ trợ họ mà không đẩy họ lún sâu vào vấn đề. 

Đừng trách móc, phán xét người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần 

* Nhiều người bị tâm bệnh không biết bám víu vào đâu, họ tuyệt vọng hỏi: “Tôi nghèo, tôi có thể đi khám ở đâu?”, “Tôi sợ uống thuốc lắm rồi, liệu có ai giúp tôi cách khác không?”… Thưa tiến sĩ, còn con đường chữa trị nào khác ngoài việc xếp hàng chờ khám tại các bệnh viện (vốn đã rất ít)?

- Đây là vấn đề, là trách nhiệm của toàn xã hội. Người bị tâm bệnh ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia đang phát triển nói chung đang chịu rất nhiều thiệt thòi bởi hệ thống y tế trong lĩnh vực này kém phát triển. Họ chịu chung số phận với những bệnh nhân ung thư mà không có điều kiện tài chính, những người cần chạy thận mà ở nơi xa xôi, không tiếp cận được dịch vụ.

Thêm vào đó, nếu như người ung thư hay người nghèo vùng sâu nhận được nhiều sự cảm thông, trợ giúp tài chính từ cộng đồng thì người có vấn đề về sức khỏe tâm thần không nhận được gì; thậm chí chỉ nhận được sự trách móc, phán xét. Người bị chẩn đoán ung thư nhận được nhiều lời thăm hỏi của đồng nghiệp trong khi người nhận chẩn đoán rối loạn lo âu không dám chia sẻ với ai. Đã đến lúc xã hội ý thức về trách nhiệm của mình, sao cho người bị tâm bệnh được trị liệu đúng và đủ, tương tự như sao cho trẻ em được tiêm chủng, bà mẹ mang thai được khám định kỳ, người cao huyết áp mua được thuốc vừa túi tiền.

* Những hình ảnh ban đầu về khu Vườn Xả thật đẹp. Thưa tiến sĩ, dự án Vườn Xả sẽ dành cho ai? Cách thức để một người tới đó và chi phí ra sao? Liệu chúng ta có thể nhân lên thật nhiều khu vườn chữa lành như vậy không?

Không gian Vườn Xả - nơi nghỉ chân cho mọi người ở bất cứ lứa tuổi nào đang đi tìm mình, tìm ý nghĩa cuộc đời. Vườn Xả nằm ở ngoại ô Buôn Ma Thuột, bắt đầu mở cửa đón khách từ 1/4/2022
Không gian Vườn Xả - nơi nghỉ chân cho mọi người ở bất cứ lứa tuổi nào đang đi tìm mình, tìm ý nghĩa cuộc đời. Vườn Xả nằm ở ngoại ô Buôn Ma Thuột, bắt đầu mở cửa đón khách từ 1/4/2022

- Vườn Xả là một không gian tại ngoại ô Buôn Ma Thuột, dành cho tất cả mọi người có nhu cầu bước ra ngoài cỗ máy thường ngày quay cuồng, nhiều sức ép một thời gian để tĩnh tâm, quay về với bản thân, với hiện tại.

Vườn hỗ trợ điều này không phải qua cung cấp tiện nghi kiểu resort mà ngược lại, qua việc người lưu trú sống đạm bạc, tiếp xúc với đất, với cây, cảm thấy an toàn để bỏ xuống các mặt nạ và suy nghĩ xem mình là ai, điều gì có ý nghĩa với mình…

Một khung cảnh ở Vườn Xả
Ở Vườn Xả, người lưu trú tiếp xúc với cây xanh, không khí trong lành
Làm vườn và không dùng điện thoại, một liệu pháp giúp tinh thần thư giãn ở Vườn Xả
Làm vườn và không dùng điện thoại, một liệu pháp giúp tinh thần thư giãn ở Vườn Xả

Vườn Xả hoạt động nhờ những đóng góp tự nguyện, tùy tâm từ người lưu trú, cũng như từ hoạt động gây quỹ cộng đồng. Nhu cầu cho những không gian như vậy ngày càng lớn và tôi tin rằng sẽ có nhiều dự án tương tự ra đời. Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng, không ai muốn sống trong nghèo khổ nhưng quay cuồng để có nhà to hơn nữa, xe sang hơn nữa… có lẽ không phải là điều có ý nghĩa nhất trong cuộc sống. 

* Xin cảm ơn tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và những dự án đầy ý nghĩa của ông.

 

Châu Giang (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là tác giả cuốn Đại dương đen - Những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm và cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ về những vấn đề tâm lý của người trẻ.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là đồng sáng lập Ngày Mai - đường dây nóng tư vấn tâm lý miễn phí cho người trầm cảm. Ông cũng đang cùng cộng sự triển khai Vườn Xả - một không gian mang tính chữa lành thông qua việc kết nối với bản thân, với người khác và với thiên nhiên. 

Đại dương đen - một nhịp cầu bắc người đọc tới với thế giới người trầm cảm
Đại dương đen - một nhịp cầu bắc người đọc tới với thế giới người trầm cảm
Một số đầu sách của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Một số đầu sách của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang ký tặng sách độc giả
Tác giả Đặng Hoàng Giang ký tặng sách độc giả

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của ông có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, góp phần phá bỏ định kiến và kỳ thị, xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI