Đàn ông cần được… khóc: Bờ vai nào cũng có lúc mỏi

09/04/2022 - 14:21

PNO - Danh dự, sự tự tôn, sự tôn trọng của gia đình, sự nghiệp… đối với đàn ông hay phụ nữ đều đáng giá như nhau nhưng định kiến luôn khiến đàn ông phải đặt tất cả những điều này lên trên sức khỏe tâm lý và tinh thần của bản thân. Và…

“Đàn ông phải giống như thép”, “Đàn ông mà yếu đuối thì không đáng một xu”. Chính vì những định kiến về bản lĩnh cần có của phái mạnh đã ăn sâu như thế mà khi gặp khó khăn, nhiều người đàn ông phải tự gồng lên chống chọi.

Sự lo lắng không hoàn thành trách nhiệm, vai trò trụ cột khiến họ stress, lâu dài đã dẫn đến những rối loạn về tâm lý và tìm cách giải thoát tiêu cực. Là mẹ, là vợ, là người yêu, là chị gái, là em gái, là con gái… bạn đã khi nào khuyến khích những người đàn ông trong gia đình tự cho bản thân quyền được thả lỏng khi lo lắng? 

Căng quá, không xẹp thì nổ

“Con là tấm gương cho các em, là niềm tự hào của cả dòng họ, làm gì cũng phải nghĩ đến ông bà tổ tiên” - bác tôi, trưởng tộc, luôn nhắc con trai mình như thế. Anh họ tôi đã làm rất tốt điều này suốt 50 năm - học giỏi đúng chuyên ngành “hot”, có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, nói chung là khiến bố mẹ rất hài lòng. Cho đến một ngày, tôi, cô em họ thân thiết ở xa nhất, té ngửa khi biết anh đang tuyệt vọng vì đứng trước nguy cơ vỡ nợ chỉ còn tính bằng ngày. Một chuyên gia mẫu mực giỏi chuyên môn, thu nhập ổn định, ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng đều có nhà, có căn hộ, con cái đang học trường top cao sao lại đổ nợ và đổ nợ từ khi nào? Câu trả lời được ghép lại từ nhiều chi tiết lộn xộn là anh có góp vốn trong một dự án đầu tư nhiều năm qua bị treo. Anh lặng lẽ đắp thêm vốn bằng tiền vay ngân hàng có thế chấp. 

Giờ thì chuyện không đơn giản chỉ là tiền mà các hồ sơ vay của anh đều có khuất tất, không được đáo hạn, thậm chí có thể còn liên đới đến nhiều sai phạm của các nhân viên tín dụng trong ngân hàng. Nợ của anh là một con số khiến mọi người đều choáng váng nhưng kinh khủng hơn nữa, khi vỡ lở, uy tín, sự nghiệp, gia đình… “sẽ tan nát hết cô ạ, không còn gì”.

Trong cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì thi thoảng anh phải dừng lại khi có người bước vào, tôi nhận ra anh vẫn đang cố giấu gia đình nhưng không còn cố gắng đẩy nỗi tuyệt vọng ra xa nữa. Chỉ trong vòng một tiếng, các cụm từ “thôi, buông xuôi”, “muốn ngủ luôn không dậy nữa”, “muốn chết quách” vì “không còn mặt mũi nào”… được lặp đi lặp lại. 

Ngày hôm ấy, tôi cũng căng thẳng, cố gắng bằng mọi cách, mọi quan hệ, cuối cùng cũng thuyết phục được anh chấp nhận mở lời với vợ con, cùng họ ngồi xuống tìm cách gỡ dần, xem đây là một thử thách trong đó tiền là thứ duy nhất họ mất và còn gia đình là còn tất cả.

Khi mọi chuyện đã ổn, anh thú nhận với tôi, giữa cuộc điện thoại tuyệt vọng, đã có lúc anh vén rèm cửa sổ nhìn xuống đất. Anh đã nghĩ đến một cú gieo mình để chấm dứt những căng thẳng khiến đầu đau nhức như bị khoan, những cơn co thắt lồng ngực, những nỗi đau đớn giằng xé trên cơ thể theo đúng nghĩa đen. Anh chỉ nghĩ đó là cách chấm dứt nhanh nhất, giải thoát nhanh nhất. Còn mọi người ở lại, mọi hệ lụy… làm gì có chỗ trong khoảnh khắc ấy.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Đàn ông khóc được xem là yếu đuối (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Anh tôi (và rất nhiều người đàn ông có thể cùng cảnh ngộ) đã tự ôm những căng thẳng, đau đớn ấy, chính vì luôn muốn giữ hình ảnh, niềm tin được đặt vào mình. Cái bong bóng sĩ diện, tự tôn ở anh may mắn đã xẹp xuống để anh có thể thốt lên với tôi, một người thân ở xa. Còn không, ai biết bong bóng sẽ nổ lúc nào. 

Anh cũng chia sẻ rằng, chính vì tôi, tuy thân thuộc nhưng không ở gần, ít kỳ vọng dựa dẫm, nhờ vả, chỉ tôn trọng và quý mến vừa đủ chứ không thần tượng hóa, không tôn sùng và mang anh ra làm gương cho con cái như những người khác trong dòng họ, đã khiến anh có thể gọi cho tôi.

“Phải rơi đúng hoàn cảnh như anh mới hiểu cô ạ. Vì là thần tượng của xã hội, của người dưng, phải giữ hình ảnh cho đẹp nên rất mệt. Thế nhưng, áp lực ấy không nặng nề bằng những căng thẳng, gắng gồng làm trụ cột, là tấm gương thành công bằng xương bằng thịt ngay trước mặt con cháu, cha mẹ mỗi ngày.

Càng có trách nhiệm, càng cố gắng thành công, càng tỏ ra hạnh phúc… trong khi có khó khăn, có thất bại mà không dám thừa nhận, không dám đối diện, không dám bộc lộ… thì thật sự kinh khủng” - anh tâm sự. Tự tháo bỏ bớt áp lực ấy hoàn toàn không dễ, với ai cũng vậy nhưng với đàn ông có lẽ khó hơn. 

Bờ vai được mỏi

Căng thẳng, bế tắc… là những từ tiêu cực chỉ trạng thái, cảm xúc có lẽ được nhắc đến nhiều hơn trong suốt thời gian kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng vì dịch bệnh và nỗi lo sợ chiến tranh bùng nổ. Đó không hề là những lo lắng vĩ mô xa xôi mà ngay trong khu vực mình sống, ta cũng sẽ nhận ra điều này rõ ràng nếu quan sát.

Ở các chung cư gần sân bay, nơi các tiếp viên, phi công trước đây thường kéo vali vui vẻ, rạng rỡ, đã có lúc rất nhiều cô trong số đó chuyển sang bán trà sữa, các món nhà làm… sang trọng hơn chút thì có quần áo thời trang, mỹ phẩm, nước hoa. Cánh đàn ông ở cùng nhà có thể là các nam tiếp viên, phi công… cũng chịu áp lực, căng thẳng, lo lắng nhưng sự uyển chuyển có lẽ không thể bằng phụ nữ.

Những phụ nữ chuyển nghề tay trái tạm thời có thể vụng về hay khéo léo; hàng hóa, dịch vụ họ cung cấp có thể xuất sắc hoặc chưa ổn… nhưng tất cả đều toát lên sự tự tin, khác hẳn các anh chồng điển trai nếu phải phụ giúp thường sẽ bối rối không rõ mình đang giao hàng gì, giá tiền từng món, số tiền phải thu…

Các anh chồng lúng túng không chỉ vì chưa quen với những công việc làm tạm của vợ, không thích nghi nhanh được như vợ, mà còn vì tâm lý “đàn ông mà phải làm việc vặt, thất thế”.

Nếu không thể cùng sát cánh xoay xở, vợ lao đi làm còn chồng nằm nhà, được vài tháng là tranh cãi, chồng nhậu nhẹt, nghiện ngập. Cách giải tỏa tâm lý tiêu cực này khiến cánh đàn ông càng thêm bế tắc. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Dịch COVID-19 đẩy nhiều người đàn ông vào cảnh bế tắc về kinh tế, dẫn tới bất ổn tâm lý (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Hàng không chỉ là một ví dụ. Điểm danh các ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong hai năm vừa qua, ta sẽ có một danh sách dài.

“Tiệm đóng cửa, con chuyển sang học online nhưng học phí không hề giảm mà vợ nói như chém đinh chặt sắt: “Trách nhiệm đóng tiền học cho con là của ba, mẹ đã lo chi phí hằng ngày của gia đình rồi, dịch nhưng nhà này có nhịn bữa nào đâu” thì danh dự của thằng đàn ông không cho phép mình để con thất học. Học phí cho con mỗi tháng mà không xoay được thì thấy mình rất hèn, nói gì đến sắm nhà sắm xe sắm đồ hiệu… Thế nên, nhiều khi mệt lắm nhưng mình đâu phải là Tấm, đâu thể nào khóc để chờ Bụt hiện lên, vẫn phải cố thôi” - tâm sự này chắc cũng không là cá biệt với nhiều người. 

Danh dự, sự tự tôn, sự tôn trọng của gia đình, sự nghiệp… đối với đàn ông hay phụ nữ đều đáng giá như nhau nhưng định kiến luôn khiến đàn ông phải đặt tất cả những điều này lên trên sức khỏe tâm lý và tinh thần của bản thân.

Phụ nữ chúng ta luôn muốn được bình đẳng nhưng có thể ta lại quên đi gánh nặng của định kiến vẫn đang trĩu trên vai đàn ông. Các bà mẹ dạy con trai rằng đàn ông sống không được quyền sai, không được quyền yếu đuối, không được quyền khóc khi mỏi mệt như phụ nữ; đàn ông là phái mạnh, đàn ông đích thực phải là bờ vai cho phụ nữ. Dĩ nhiên điều này có phần đúng nhưng ta cũng đừng quên: sau mỗi bài tập yoga căng giãn cơ, các yogi thường được hướng dẫn tự xoa bóp cơ cổ và hai vai. Vai cũng là một phần của cơ thể, cũng có lúc cần được thả lỏng để rồi tiếp tục là chỗ dựa. Đàn ông trong nhà cũng vậy thôi. 

Bạn có khi nào thủ thỉ với chồng: “Đừng cố tự gồng lên và chịu đựng một mình. Bờ vai nào chẳng có lúc mỏi mệt, mà vai anh mỏi thì em biết dựa vào đâu?”. 

Lê Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI