Khổ vì… giỏi?

30/06/2013 - 07:23

PNO - PNCN - Thưa chị Hạnh Dung! Em có cô bạn chẳng biết nội trợ từ khi con gái, nên lấy chồng đã biến anh chồng thành nội trợ giỏi.

Anh ta thương vợ con gầy yếu nên ra sức chăm sóc, ép ăn cái này cái nọ tẩm bổ. Nhìn cảnh đó, em chạnh lòng lắm. Ai cũng khen em giỏi nội trợ, trừ chồng em. Anh ăn uống cầu kỳ khó tính, lại hay rủ bạn bè về tổ chức ăn ở nhà, vì bạn bè anh bảo em nấu ngon nên anh chiều bạn lắm. Em phải học thêm một số món nhậu để phục vụ bạn của chồng, cũng cực nhưng mấy cô bạn bảo vậy còn hơn chồng cứ biến khỏi nhà đi nhậu ở đâu tối ngày, không sao biết được.

Em thấy ai cũng khuyên phụ nữ tề gia nội trợ, nhiều người trước khi lấy chồng, bà mẹ còn khuyên con gái chịu khó đi học lớp nấu ăn. Các trung tâm phụ nữ cũng đông nghẹt người học nấu ăn, cắm hoa, may mặc, trang điểm. Có nhiều người vào đó tập thể dục, mát-xa nữa chứ đâu có học gì. Nghe mấy cô bạn ngày xưa khi em đi làm, chúng nó bảo thủ trưởng mới bây giờ cho đi chơi nhiều, lại còn tổ chức các nhóm tập yoga, nhảy đầm sau giờ làm việc, chứ không như trước chỉ lo làm. Mọi người đều thay đổi, chỉ có em là vẫn cứ cần cù phục vụ chồng con để nhận tiếng khen từ… bạn bè, chứ không phải chồng.

Vậy em có dại không, phải làm gì cho chồng em hiểu giá trị của vợ?

Hoàng Thu Cúc (Q.4, TP.HCM).

Kho vi… gioi?

Em Thu Cúc thân mến,

Dại khôn bây giờ được hiểu theo nhiều góc nhìn khác lắm. Cho nên, em hãy nhìn vào hiệu quả làm việc của mình. Nấu ngon lành thì ai được hưởng? Chồng con em, rồi đến bạn của chồng. Vậy là gia đình em hưởng chứ ai? Em hy sinh cho gia đình mình chứ cho ai mà dại? Bây giờ nhiều người tính chuyện dại khôn, lợi thiệt ngay với chính chồng con của mình. Con thì tính ít thôi, nhưng tính toán thiệt hơn giữa vợ và chồng thì phổ biến lắm rồi. Cũng có thể được cho là chính đáng, vì bản thân người phụ nữ cũng đòi hỏi được phát triển và bình đẳng. Điều đó ai cũng hiểu, không cần thảo luận nữa. Nhưng phát triển của người phụ nữ không có nghĩa là từ bỏ một nét đẹp: sự chăm chút người khác và biết cách để người khác chăm sóc lại mình.

Chồng em có thể không nói ra, chứ không thể không biết công của em. Cụ thể anh ấy vẫn nghe bạn bè của anh khen ngợi, đòi được ăn món em nấu đó thôi. Cho nên, việc em cho là chỉ có chồng không biết công lao vợ là chưa rõ. Chưa rõ anh cư xử thế nào, lý do gì khiến em chạnh lòng, hay chỉ là vì so với cô bạn chả biết làm gì, được chồng chăm sóc? Cô bạn đó không nấu nướng, nhưng chắc chắn phải có vai trò gì đó trong gia đình mới được chồng con thương quý, chắc chắn thế. Mỗi người có một vị trí riêng, một cách đóng góp riêng, không ai giống ai để mà so sánh. Em hãy tìm hiểu kỹ hơn về cư xử của chồng, thế nào chả có điểm tốt. Việc trong nhà, nếu người này vụng về lười nhác thì sẽ đổ lên vai người kia, chứ nó không tự nhiên biến mất. Em cố gắng, và cũng chú ý đến sở thích của mình, người ta gọi là sự hài hòa đó, không ích kỷ so bì, biết hy sinh nhưng cũng biết sống cho những niềm vui, sở thích của mình, nhờ thế mà người vợ có thêm giá trị. Em cũng nên gần gũi trao đổi trò chuyện với chồng, em sẽ biết nhiều hơn suy nghĩ của anh ấy, và chắc chắn là anh ấy biết mình có người vợ giỏi nhưng không có cách biểu hiện ra đó thôi. Có khi cần nhờ anh ấy giúp đỡ những việc cụ thể để anh đừng nghĩ vợ mình làm hết chẳng cần ai. Nhiều khi lỗi lại do người có tính bao biện ôm đồm làm hết, thấy không ai làm đảm bảo như mình, lâu ngày thành thói quen và vất vả.

Thân chúc em vui mạnh, hạnh phúc.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Từ khóa Khổ vì… giỏi
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI