HIV có thể gõ cửa nhà bạn (2): Hồi sinh sức sống cho con

22/11/2018 - 06:00

PNO - Bị cha dượng nhiễm HIV xâm hại, N. đã cùng mẹ rời bỏ quê vào TP.HCM sống và điều trị bệnh. Hơn hai năm qua, hành trình mưu sinh và chữa bệnh của hai mẹ con N. đong đầy nước mắt.

Chúng tôi tìm đến thăm N. vào buổi chiều đầu tháng 11/2018. Cô bé đang học bài một mình ở phòng trọ thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM). Nhìn thấy chúng tôi, cô bé nhoẻn miệng cười, đôi mắt sáng rỡ, khoe: “Con bán hết 200 tờ vé số từ trưa rồi cô, lát mẹ về chắc mừng lắm”. Chị cán bộ quận Hội xoa đầu cô bé: “Giỏi quá, nhưng phải lo học nha con”. 

N. "dạ" nghe ngọt lịm rồi say sưa kể chuyện cùng mẹ đi lấy thuốc ở Khoa Tham vấn hỗ trợ người nhiễm HIV tại Q.Bình Thạnh ra sao, các cô chú bác sĩ khen mẹ và bé giỏi thế nào… “Bây giờ con khỏe như lực sĩ”, N. tự tin nói.

HIV co the go cua nha ban (2): Hoi sinh suc song cho con
Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông tư vấn cho một người mẹ nhiễm HIV. 

Chị cán bộ Hội kể với chúng tôi: “Hai năm trước, không ai nghĩ con bé sẽ sống vui, sống khỏe thế này. Lúc đó, bé ốm tong teo, 11 tuổi mà như 7-8 tuổi. Thấy người lạ là N. trốn sau lưng mẹ. Chị N.T.M., mẹ của bé N. còn tệ hơn, ngơ ngác, không biết làm việc gì trước, việc gì sau bởi con gái riêng đã bị chồng mới xâm hại, mà anh ta còn nhiễm HIV”. Tìm hiểu hoàn cảnh của chị từ người chủ trọ tốt bụng, chi hội phụ nữ khu phố đã đến phòng trọ khuyên nhủ chị bình tĩnh đối diện với khó khăn. 

Để bảo mật danh tính và đảm bảo bình an cho hai mẹ con, chị cán bộ Hội đã khuyên hai mẹ con tìm đến khoa tham vấn cộng đồng ở quận khác thăm khám và điều trị bệnh. Nghe lời khuyên này, suốt hơn hai năm qua, cuộc sống của hai mẹ con chị đã đi vào quỹ đạo mới. 

“Đó là điều mà bản thân tôi không bao giờ ngờ được khi phát hiện cả hai mẹ con đều nhiễm HIV/AIDS” - chị M. rưng rưng kể. Quê chị M. ở một tỉnh miền Tây. Lớn lên, chị lập gia đình, sinh bé N. Tuy nhiên, chồng chị là người nát rượu, không chịu làm ăn và luôn kiếm cớ bạo hành vợ con. Sau nhiều năm chịu đựng, chị quyết định ly hôn.

Năm 2013, chị M. đi bước nữa với L.V.L., ở H.Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. N. phải theo mẹ về vùng quê hẻo lánh này sinh sống. Khi chị M. đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống chung thì L.V.L. thường xuyên ở nhà vì thất nghiệp. Lợi dụng lúc N. ngủ trên gác, L.V.L. đã ba lần xâm hại bé. Lần cuối cùng, vào tháng 3/2016, khi y đang giở trò đồi bại thì chị M. bất ngờ đi làm về. Bé N. lúc này mới cầu cứu mẹ. Bàng hoàng, đau đớn, chị M. ôm con đi tố cáo người từng đầu ấp tay gối với mình. Càng kinh hãi hơn khi tại cơ quan công an, người đàn ông này thú nhận mình là người nhiễm HIV từ nhiều năm trước đó.

Chị M. suy sụp. Sau vụ kiện, theo lời khuyên của nhiều người, chị ôm con bỏ vùng quê tạm bợ kia về TP.HCM kiếm sống, chữa bệnh cho chính mình và con. “Rất may là trong hành trình đó tôi gặp cô cán bộ Hội và các bác sĩ ở 52 Vũ Tùng, Q.Bình Thạnh. Họ đã cứu cuộc đời hai mẹ con tôi”, chị M nói. 

Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông - Trưởng ban điều hành mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại TP.HCM (trực thuộc Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM) - chia sẻ: “Đôi khi do không hình dung hết, người mẹ tự loan tin con mình nhiễm HIV, sau đó khốn khổ vì phải sống trong sự xa lánh, kỳ thị của mọi người. Có trường hợp vì thiếu hiểu biết, sợ bị lây nhiễm, người mẹ đã tránh xa, bỏ mặc con gái mình. Do đó, với những em gái bị người nhiễm HIV/AIDS xâm hại tình dục, chúng tôi không chỉ tư vấn, tham vấn về sức khỏe, tinh thần của cháu bé mà còn cung cấp cho người mẹ kiến thức cần thiết để hỗ trợ con. Các chuyên viên chăm sóc cộng đồng vừa nỗ lực giành giật sức khỏe, tâm hồn cho từng đứa trẻ vừa phải làm cho người mẹ hiểu căn nguyên của bệnh, các con đường lây nhiễm, sự tiến bộ của y học… mà đồng hành cùng con vượt qua nỗi đau”. 

Trúc Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI