Giúp trẻ sửa tật nói lắp

18/01/2017 - 16:20

PNO - Khi bé được hơn ba tuổi, một hôm tôi phát hiện con ấp úng, líu lưỡi và lắp bắp mãi mới nói xong một câu ngắn.

Giup tre sua tat noi lap
 

Khi tròn 12 tháng tuổi, bé nhà tôi đã biết nói tròn câu, ai cũng khen. Khi bé được hơn ba tuổi, một hôm tôi phát hiện con ấp úng, líu lưỡi và lắp bắp mãi mới nói xong một câu ngắn. Nghĩ con đang tìm từ mới nên nói không lưu loát, tôi không để ý đến nữa.

Nhưng sau đó bé liên tục nói lắp, phát âm rất khổ sở, có khi òa khóc vì sợ. Tôi rất lo lắng, sợ tật này ảnh hưởng lớn đến việc học tập, giao tiếp của cháu. Trong gia đình không có ai mắc tật này. Phải chăng con tôi bị một cú sốc nào đó nên bị như vậy? Liệu tật nói lắp có tự mất đi? Tôi phải làm sao để giúp bé?

Chị Thanh Trà (H.Nhà Bè, TP.HCM)

Ðừng la mắng, trêu chọc trẻ

Xin chia sẻ với chị nỗi lo này. Con trai tôi cũng từng mắc chứng nói lắp khi cháu được bốn tuổi. Một đứa trẻ đang líu lo suốt ngày, bỗng dưng ngắc ngứ mãi mới phát âm được một từ, hẳn nhiên không thể là chuyện “tự dưng”. Trường hợp con trai tôi là do cháu bị bạn bè ở lớp mầm non chọc ghẹo là thằng thò lò mũi xanh (cháu bị viêm xoang), giành đồ chơi vì thấy cháu yếu ớt (do sinh thiếu tháng).

Từ sự chấn động liên tục đó (mà tôi không hay biết) cháu trở nên hoảng hốt, bất an, ức chế và “nói không nên lời”. Cũng may, gia đình phát hiện sớm nên đã kịp thời trao đổi với giáo viên để các trẻ khác không trêu chọc con tôi. Gia đình cũng dành thêm thời gian để nói chuyện với bé. Tôi cùng con hát, đọc thơ, kể chuyện… để tăng vốn từ cho cháu.

Mọi giao tiếp với con, chúng tôi đều nói thật chậm, khuyến khích bé bình tĩnh sử dụng câu ngắn, súc tích, dần dần nói những câu dài hơn. Nhờ tích cực áp dụng nhiều cách như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, con tôi đã phát âm bình thường, tự tin hơn và cháu đọc thơ rất hay.

                                                                                Anh Quach Phu Thinh

                                                                           (đường Lê Thị Riêng, Q.12)

Ðừng bỏ con một mình

Sau thời gian nghỉ hậu sản, tôi phải đi làm và tăng ca liên tục. Hai vợ chồng đều là công nhân nên thời gian dành cho gia đình rất ít, khi về nhà đã mệt nhoài, chẳng ai muốn trò chuyện với ai. Con nhỏ, tôi giao cho bà hàng xóm nghỉ hưu trông nom giúp. Khi bé bắt đầu tập nói vào tuổi lên hai, tôi thấy con “rặn” mãi mới ra một từ.

Càng về sau bé càng phát âm khó khăn hơn, câu nào có hai từ trở lên như “ăn cơm”, “uống nước” là bé lắp bắp mãi. Sợ con bị… câm, vợ chồng tôi đưa cháu đi khám và được chẩn đoán bé tổn thương vùng phân tích vận động của lời nói, có lẽ do một lần ngã.

Bên cạnh đó, do hàng ngày không có người trò chuyện với bé (bà giữ trẻ rất ít nói, lại ở một mình và còn làm thêm công việc may gia công nên ít để tâm đến con tôi ngoài việc ăn, ngủ) nên khả năng ngôn ngữ của cháu cũng bị hạn chế.

Nghe lời khuyên của bác sĩ, vợ chồng tôi đã dành thời gian giúp con tập nói. Bắt đầu bằng các trò chơi đơn giản như khi cho bé đi tắm, tôi bảo: “con đi…” và bé nối từ “…tắm” cho tròn câu. Cùng bé xem truyện tranh, tôi chỉ và nói “con vịt…”, bé tiếp “…bơi”. Tương tự là “con ăn…” - “…cơm”, “em bé…” - “…đánh đàn”, “con bò…” - “…ăn cỏ”…

Dần dà bé được tăng phản xạ nói, tăng vốn từ và đã nói tròn câu. Hiện nay bé đã sáu tuổi và không còn nói lắp. Nhưng tôi nghiệm ra rằng, nếu vợ chồng tôi không bỏ con một mình, yêu thương và quan tâm đến bé hơn, thì cháu đã không bị rối loạn khả năng ngôn ngữ như vậy.

                                                Chị Nguyễn Cẩm Thu

                                   (đường số 9, P.16, Q.Gò Vấp)

Xóa bỏ trở ngại tâm lý, giúp trẻ tự tin khi giao tiếp

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói lắp như di truyền, bị sốc tâm lý, chấn thương hoặc do môi trường sống. Đây là hiện tượng rối loạn ngôn ngữ, bé trai mắc nhiều hơn bé gái. Khi mắc tật này, trẻ bị căng thẳng, lo sợ, thậm chí hoảng loạn. Do vậy, điều trị về tâm lý cho trẻ là điều các bậc cha mẹ có con mắc tật nói lắp cần ưu tiên hàng đầu.

Với trẻ nói lắp, người lớn tuyệt đối không được la mắng, chê cười. Cần tạo không khí gia đình vui vẻ, thoải mái để trẻ cởi mở, không lo lắng. Cha mẹ chú ý lắng nghe bé nói, kiên nhẫn chờ trẻ nói hết câu, không cắt ngang, nói giúp. Nếu chưa hiểu câu bé nói, cha mẹ có thể lặp lại, chậm rãi để bé nắm rõ từ.

Đặt ra các câu ngắn, đơn giản khi nói chuyện với trẻ. Một phương pháp hữu ích cho trẻ nói lắp là xem truyện tranh không lời. Bạn hãy cùng bé lý giải ý nghĩa của các tranh, cảnh, để bé nêu suy nghĩ của mình và đề nghị bé lặp lại, chậm rãi. Cách này giúp trẻ tăng vốn từ, động não suy nghĩ khiến kích thích khả năng ngôn ngữ của bé.

Trò chơi nhóm cũng đặc biệt có ích cho trẻ. Khi đến lượt bé chơi, hãy khuyến khích trẻ nói ngay điều vừa nảy ra trong đầu, bạn chơi cần tôn trọng, không cười trêu bé, động viên để trẻ mạnh dạn phát biểu.

Đọc thơ, hát và diễn kịch cũng là những hình thức giúp trẻ ổn định, phát triển khả năng ngôn ngữ. Cha mẹ nên cùng đọc, cùng hát với trẻ để tạo không khí vui tươi, giúp bé tự tin hơn.

Với những trẻ thông minh, hoạt bát, tật nói lắp đôi khi khởi phát từ việc bé nói quá nhanh, muốn biểu đạt hết những suy nghĩ trong đầu khiến từ bị ríu vào nhau, phát âm không rõ và từ bị dính, lặp lại, lâu dần thành tật nói lắp.

Phát hiện sớm và ngăn chặn nguyên nhân gây nói lắp ở trẻ là việc cha mẹ cần lưu tâm. Nếu trẻ nói lắp quá nặng, bạn cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị thích hợp.

                                           Thạc sĩ tâm lý Le Thanh Ci Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI