Giúp trẻ đến gần hơn với sách

27/09/2014 - 07:00

PNO - PN - Đọc sách cùng con để khơi gợi hứng thú đọc sách cho trẻ là một trong những cách mà TS Trần Lê Hoa Tranh (giảng viên Khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) đã áp dụng cho hai “hoàng tử bé” của mình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cha mẹ kích thích con đọc sách

Theo TS Hoa Tranh, “mỗi lứa tuổi có những hứng thú nhất định với thế giới bên ngoài”, vì vậy phụ huynh cần giúp trẻ hướng đến những phương tiện tiếp cận có ích. Đọc sách là một trong những phương tiện hữu ích nhất mà cha mẹ cần quan tâm.

Ở lứa tuổi mới biết đọc, các em thường thích thú với những dòng chữ ngắn, đơn giản, nhiều hình ảnh bắt mắt. Để trẻ đọc thành thạo, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ đọc những biển hiệu trên phố, những mẩu truyện nhỏ trên tạp chí. Cha mẹ cũng nên mua truyện cổ tích có hình ảnh sinh động đặt ở bàn học hoặc những nơi các em thường ngồi chơi. Đồng thời, cha mẹ cần dành thời gian đọc sách cùng trẻ. Trước khi đi ngủ, đọc một mẩu truyện ngắn, chỉ cho trẻ xem những hình ảnh minh họa, hoặc khuyến khích trẻ đọc truyện cho cha mẹ nghe.

Cha mẹ có thể trò chuyện về nội dung những quyển sách đã mua cho trẻ như: con đọc đến đâu mẹ quên rồi? Ai là nhân vật ác? Tại sao con thích nhân vật đó? Rốt cuộc thế nào? Con thấy quyển truyện có hay không? v.v… Những câu hỏi khéo léo, thể hiện sự tôn trọng ý kiến của trẻ sẽ thúc đẩy trẻ đọc sách, thông qua đó, giúp trẻ có khả năng chọn lọc, phân tích những tình huống đơn giản. Đừng sử dụng giọng điệu tra hỏi, trẻ sẽ bị áp lực và dễ hình thành tâm lý phản kháng.

Nếu có điều kiện, các gia đình có thể sắp xếp phòng ngủ của trẻ như một thư viện nhỏ nhiều màu sắc. Đồng thời, loại bỏ các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính bảng… khỏi phòng để trẻ chú ý đến sách nhiều hơn.

Giup tre den gan hon voi sach

“Con chỉ thích đọc truyện tranh”

Khi trẻ lớn hơn một chút, các gia đình nên hướng con đến những sách nhiều chữ hơn thay cho truyện tranh. Tuy nhiên, không hiếm phụ huynh đã gặp phải trường hợp trẻ nhất mực phản kháng: “Con chỉ thích đọc truyện tranh thôi!”. Thậm chí, có trẻ còn đưa ra lý lẽ, “có nhiều truyện tranh cung cấp kiến thức văn hóa, lịch sử, sao cha mẹ lại không cho con đọc?”.

Trường hợp này, thay vì la mắng, cấm đoán, buộc con không được đọc truyện tranh thì cha mẹ hãy tìm cách thay đổi suy nghĩ của trẻ, đặt bên cạnh truyện tranh những quyển sách có tựa đề gây tò mò, nội dung hài hước và thật sự thú vị để trẻ thấy những truyện ấy cũng không kém phần thu hút. Hiện nay, thị trường không thiếu những quyển sách hay mà tựa đề có khả năng khơi gợi, hình ảnh bắt mắt, như: “Dắt biển lên trên”, “Cedric - tôi không thích nghỉ hè”, “Tại sao con là con gái?”...

Từ tâm lý “cưỡng bức” đến thói quen đọc

Với những trẻ có ý phản kháng, cha mẹ đừng quên yêu cầu trẻ đọc nghiêm túc, theo khung giờ nhất định. Thời gian đầu có thể trẻ chưa quen, nhưng việc lặp đi lặp lại sẽ giúp đọc sách trở thành nhu cầu hằng ngày.

Quan trọng hơn, hãy để trẻ chọn đọc theo ý muốn. Dù trẻ có tự nguyện hay bị ép buộc thì cũng nên để trẻ chọn sách theo sở thích. Mỗi đứa trẻ sẽ có thiên hướng đọc sách khác nhau, các bé nam thường thích những sách về khoa học, giả tưởng, du lịch, trinh thám, còn các bé gái lại lựa chọn những sách có nội dung nhẹ nhàng, lãng mạn. Tùy theo nhu cầu của trẻ mà cha mẹ định hướng cho con những sách phù hợp với lứa tuổi.

Thói quen được hình thành trên sở thích. Cha mẹ cần phải là người tạo đam mê, hứng thú cho trẻ. Nếu cha mẹ vội vàng ép con đọc những sách dùng quá nhiều từ khó sẽ khiến trẻ mau chán. Thông thường, trẻ nhỏ thích đọc truyện tranh, lớn hơn một chút cha mẹ có thể hướng trẻ đến những truyện trinh thám, sách về thiên nhiên, khoa học...

Đọc sách hợp lý

Khi trẻ đã ham thích đọc sách, hãy để trẻ đọc khi nào các em thấy phù hợp. Cha mẹ không nên cực đoan, ép trẻ đọc nhiều. Với những trẻ lớp 6, lớp 7 thì trung bình mỗi ngày trẻ có thể đọc từ 30 phút đến một tiếng.

Gần đây, dư luận lại xôn xao với việc một số truyện cổ tích cho thiếu nhi chứa nội dung nhạy cảm. Điều đáng nói là loại truyện này được bày bán ngay trong nhà sách. Vì vậy, với những trẻ tự hình thành thói quen đọc sách, cha mẹ cũng không nên lơ là. Hãy dành thời gian tìm hiểu loại sách trẻ đang đọc. Không nên để trẻ đọc những sách không phù hợp với lứa tuổi, sách có nội dung lệch lạc, bạo lực… Vì đọc sách còn góp phần định hình nhân cách cho trẻ.

Với những trẻ nhỏ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ chọn nhiều loại sách, bao gồm các thể loại đa dạng như truyện cổ tích, sách khoa học, truyện tranh, văn học thiếu nhi, hạt giống tâm hồn… để giúp trẻ nắm được xu hướng đọc sách của bản thân. Đọc sách không chỉ giúp trẻ khám phá thế giới mà còn tự khám phá chính bản thân mình với trí tưởng tượng, óc sáng tạo và hoàn thiện khả năng ngôn ngữ.

 TUYẾT NHƯ (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI