Giữ gìn “gương mặt thứ hai”

08/01/2016 - 11:03

PNO - Có rất nhiều mặt tích cực lẫn hạn chế cùng lúc con được nhận từ mạng xã hội, cha mẹ muốn con tham gia hay không thì cũng khó kiểm soát được.

Chưa hoàn hồn khi đọc bài viết đăng trên facebook của một người bạn với nội dung “Lạy trời đừng bao giờ cho tôi gặp em, chưa bao giờ tôi muốn giết như lúc này…”, chị Huỳnh Anh (kế toán, ngụ Q.7, TP.HCM) tá hỏa khi lướt xuống dưới, lặng người với dòng comment có dòng chữ non nớt của chính con trai 15 tuổi của chị: “Giết được thì giết liền đi chú, để lâu mất hứng. Hihi…”.

Giu gin “guong mat thu hai”
Vi trò của facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung giúp người tham gia hiểu biết và kết nối, giải trí nhưng cũng có những mặt trái nhất định

Chơi trò... cưỡi bom

Chị Huỳnh Anh không dám nghĩ đến viễn cảnh khủng khiếp từ lời khích bác tếu táo, ngây dại của con và những người khác vì họ không biết chủ nhân của trang “phây” nọ là người đang điều trị chứng trầm cảm loạn thần ở BV Tâm thần TP.HCM.

Trước đây, cũng vì chứng này, anh ta từng bạo hành, bạo hành tình dục và có nhiều hành vi mất kiểm soát đến nỗi vợ phải đưa các con bỏ trốn. Nhân vật “em” được nhắc đến nhiều khả năng chính là người vợ mà anh ta sôi sục hận thù. Không biết rõ ngọn ngành, con trai chị đã “châm dầu vào lửa” mà không biết.

Chị Huỳnh Anh gõ ngay bên dưới bài viết của bạn dòng comment dí dỏm, nửa đùa nửa thật có nội dung xoa dịu tình hình: “Cậu cứ giết thời gian đi. Trong trăm thứ giết, giết thời gian là ít phải hối tiếc nhất. Nếu cần, tớ giết phụ cậu với. Hẹn cà phê nhé!”.

Chị chia sẻ: “Thú thật, khi đọc dòng comment của con ở tuổi “dê cỏn buồn sừng”, tôi giận run, chỉ muốn gọi điện mắng một trận và bắt tháo xuống ngay. Nhưng, ngẫm lại, đó là cách giải quyết chỉ trong trường hợp này. Liệu mình và con có còn tiếp tục là bạn trên mạng xã hội và ngoài đời nữa không? Không. Chắc chắn tình bạn này sẽ sứt mẻ.

Tôi quyết định đợi đến sau bữa ăn tối mới đề cập với con về việc cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội và đưa câu chuyện giết chóc ấy vào như một tình huống minh họa. Cuối cùng, chính miệng con đã nói: trò chơi nhỏ mà có thể gây hậu quả nghiêm trọng quá hả mẹ? Tôi thở phào. Sáng sớm hôm sau, dòng comment biến mất”.

Qua những cái chết đau lòng của nữ sinh bị tung clip sex, ảnh sex, hình ghép lên mạng gần đây và những trò đùa nguy hiểm như câu chuyện của con chị Huỳnh Anh, dễ thấy tham gia mạng xã hội không phải chỉ để chơi mà có thể… chuốc họa.

Con bạn là nạn nhân, con bạn là thủ phạm, tất cả đến từ những cái nhấn nút like, tag, comment, share (thích, gắn thẻ, bình luận và chia sẻ) đôi khi rất đỗi vô tình. Mạng xã hội là cuộc chơi vô cùng tự do: cao độ và đường biên đều do tôi làm chủ, ở đó không hề có tiếng còi báo dừng. Thú vị vì thế, nguy hại cũng vì thế!

Cuộc khảo sát trên 9.820 người từ 10 tuổi trở lên của thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, Nguyễn Hải Nga và cộng sự vào năm 2015, cho thấy vai trò của facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung giúp người tham gia hiểu biết và kết nối, giải trí… nhưng khi đụng chuyện thì “dư vị” của nó không hề dễ nuốt.

Cụ thể, với câu hỏi về trạng thái khi bị “ném đá” trên mạng xã hội, gần 40% số người cho biết mình cảm thấy bị mất giá trị, gần 10% có ý muốn chết đi cho xong. Cùng con vào mạng xã hội an toàn là việc không thể thoái thác trong “nghề” làm cha mẹ thời @, nhưng điều này không hề dễ và không phải phụ huynh nào cũng quan tâm.

Chính cuộc khảo sát này cũng nêu những tỷ lệ đáng giật mình: chỉ có 2% người đọc điều khoản sử dụng trước khi tạo tài khoản facebook và các mạng xã hội nói chung, 10% đọc lướt và 88% không đọc. Điều này gợi ngay hình ảnh cả nhà: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu đang cưỡi trên một quả bom mà ngỡ tấm nệm bay?!

Kết thân với "người bí ẩn"

Không thể đổ lỗi cho mạng xã hội. Giả dụ những hành động phô bày clip, ảnh sex hay bêu xấu người khác… diễn ra ở ngoài đời thực chứ không phải đưa lên mạng xã hội thì vẫn có thể gây sát thương. Nhưng mạng xã hội có khả năng khuếch đại vô chừng, khiến người trong cuộc cảm thấy “cả thế giới biết hết”.

Vấn đề ở chỗ khả năng chịu áp lực của con đến đâu và con có luôn được cha mẹ đồng hành, thấu hiểu, đỡ nâng? Con đã đủ trưởng thành, chín chắn để có thể “đăng đàn” hay chính vì con chưa đủ lớn nên cần được học hỏi, rèn luyện trong ngôi trường bao la - mạng xã hội?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI