Nhịn mẹ

10/10/2020 - 09:58

PNO - Thời gian mẹ chị Vy - một đồng nghiệp của tôi - bị bệnh, anh chị rước bà lên ở cùng để tiện chăm sóc. Bà rất quý cháu ngoại.

Con bé làm vỡ ly, hay trèo lên tựa lưng của ghế sofa nhảy xuống bị ngã u đầu, hoặc lúc ăn cơm đòi ôm bát ra cạnh ti vi... anh vừa lên tiếng dạy con thì bà đã kéo con bé ra nói: “Cháu còn nhỏ, đã biết gì mà dạy với bảo, trẻ con đứa nào chẳng hư, lớn lên tí nữa ắt khôn. Con nó đang đau mà còn không biết thương. Ra bà mua bánh cho, về đánh chừa cái ghế…”.

Có một thời gian dài, con bé luôn uể oải với bữa tối nhưng lại tăng cân, hỏi thì con bé chỉ nói không thích ăn, anh chị còn tưởng con bị giun sán hay đau ốm gì nên đưa con đi khám. Nếu không phải một lần vô tình anh thấy hai bà cháu rẽ vào cửa hàng gà rán, bà gọi cho cháu phần gà ú ụ với ly nước ngọt, lúc ra về còn thêm mấy cái bánh - thì anh chị còn hành con bé thêm vài chuyến bệnh viện nữa.

Anh về nói chị, chị nói chuyện với bà không nên cho cháu ăn mấy món đó, tối cháu không ăn được cơm, mà đồ chiên nướng ăn nhiều không tốt. Bà thủng thẳng bảo: “Người ta từ nước ngoài vào nước mình đố dám làm không tốt. Nói gì thì nói, thịt vẫn tốt hơn rau”. 

Chị phân tích cho bà hiểu không phải thứ gì nước ngoài cũng tốt, ở tuổi con bé nên ăn những gì thì bà không nghe, bà nói ngày xưa bố mẹ nó nghèo đói rồi thì giờ cháu bà phải được sung sướng. Rồi bà hờn lẫy nói anh chị khinh bà cổ hủ lạc hậu chứ gì, thôi thì con anh chị anh chị quản, mai đưa bà về quê nằm chờ chết chứ ở nhờ trong ghẻ lạnh thế này thì sống làm gì.

Lúc ấy, chị suýt gào lên với bà, may có anh níu lại, lôi chị vào phòng.

Anh khuyên chị nên tìm cách tiếp cận khác, không đi thẳng đối đầu thì mình đi vòng sau lưng: “Đầu tiên mẹ là mẹ, từng nuôi em khôn lớn đến tuổi này nghĩa là mẹ có kinh nghiệm, dù kinh nghiệm ấy bây giờ không còn đúng nhưng mẹ đâu cần biết, bà chỉ nhìn kết quả và cho đó là đúng. Mà thật ra mẹ cũng đâu có sai, và mớ sách vở gọi là khoa học của mình chắc gì đã đúng”. Chị cáu: “Sai không sai đúng không đúng, cứ dở dở ương ương thế à? Người chịu hậu quả là con mình, bà chiều nó đến hư rồi”.

Ảnh minh họa

Sau một ngày bàn tính, anh chị quyết định một mặt thương lượng với bà nên đổi món cho cháu, nay gà rán thì mai sinh tố nước ép gì đó, bà chăm cháu là tốt, nhưng mai kia bà về quê, cháu không được chăm sóc có phải tội nghiệp không? Bà thấy chị xuống nước thì có vẻ hòa hoãn hơn. 

Ở phía sau, anh chị lung lạc ý chí con gái. Chị đưa con xem những hình ảnh em bé bị béo phì, bị bệnh do ăn uống thiếu kiểm soát. Con gái có vẻ sợ, chị giúp con nhớ lại, mấy tháng trước con ăn cơm mẹ nấu rất khỏe khoắn, nay con đi bộ về cùng bà đã thấy mệt phờ, thở hổn hển.

Con gái thấy đúng và đồng ý không ăn gà rán, xúc xích hay mấy đồ chiên nướng mỗi chiều nữa. Nếu bà ngoại có ý muốn mua gì cho con thì con dặn bà ép trái gì đó bỏ vào chai mang đi đón con, không mua đồ ở vỉa hè. 

“Âm mưu” của anh chị bị bà phát hiện vì ngày nào con bé cũng nói con hết thích ăn rồi, con về nhà ăn cơm. Bà nói anh chị "bơm" vào đầu con bé những gì, trẻ con không ăn sao lớn, ngày nào cũng học cả ngày vất vả còn ăn cơm rau thì lớn làm sao? Anh nháy chị im lặng, bà có muốn nhưng con bé từ chối thì bà cũng chẳng làm gì được. Rồi anh cố tình để những tờ báo có bài viết về chứng béo phì ở học sinh, các tác hại khi ăn nhiều thức ăn đường phố dưới gầm bàn nước. Ở nhà một mình, hẳn là bà có đọc nên không thấy rủ rê con bé ăn nữa.

Êm được vụ ăn vỉa hè thì bà lại phản đối anh chị cho con học bài buổi tối, cả những lớp học năng khiếu. Bà nói con nít chỉ nên ăn và ngủ thôi cho nhanh lớn, học nhiều quá mệt não. Và anh chị lại lần nữa hợp mưu, trường có lễ kỷ niệm, con gái anh chị được chọn lên múa, chị nhờ cô giáo quay phim mang về cho bà xem, giữa chục bé gái, bà nhận ngay ra cháu mình, còn khen con bé có thần thái, rất tự tin. Chị nói luôn, là do cháu đi học lớp MC, diễn xuất ở trung tâm đấy. Ngày trước cháu nhát thế nào bà biết rồi...

Lần đầu suôn sẻ thì lần sau cũng dễ dàng hơn, biết bà thương yêu cháu có phần thái quá nên anh chị để con nói chuyện với bà. Anh chị nhận ra, người ta luôn nghĩ mình đúng, niềm tin của mình có cơ sở. Lúc này mà phủ nhận khác nào tạt thau nước lạnh? Phận làm con, trước mắt cứ phải nhịn, rồi đợi cơ hội giải thích, cứ công nhận đúng đi đã, rồi dần dà cho cha mẹ nhận ra cái đúng ấy thật ra chưa đúng lắm, ngày sau nữa thành "sai sai".

Nhưng không được im lặng cho qua chuyện để rồi ấm ức ngày mỗi dâng cao, nhất là người già hay nghĩ quẩn, mặc cảm tuổi tác, nghĩ con cái nay đỏ lông thắm thịt nên coi thường cha mẹ. Đừng nghĩ khoảng cách thế hệ không thể xóa nhòa, không xóa thì cũng phải kéo cho gần lại, chẳng nhẽ cứ nhà ai nấy ở khi thời gian cha mẹ bên mình không còn nhiều.

Có những điều nay đúng mai lại chưa, và ngược lại. Xảy ra vấn đề nên tìm cách giải quyết triệt để. Nên “hiếu” phải đi cùng với “lễ”, tùy từng việc mà ứng xử. 

Ngọc Thanh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI