Già mới phải vui: Bỏ ống sức khỏe và tiền bạc từ trẻ để có tuổi già an vui

30/05/2021 - 11:30

PNO - Cuộc sống lung linh sắc màu của ông bà chắc chắn sẽ truyền cảm hứng thật nhiều cho bao thế hệ cháu con.

Người già cô đơn, người già lệ thuộc, người già nhạt nhẽo đời sống vợ chồng… thực sự là những cụm từ đáng sợ, vẽ ra một viễn cảnh chẳng mấy tươi sáng về tuổi già.

Thế nhưng nếu như tình cờ gặp vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Quang - bà Nguyễn Ngọc Sương trong một quán cà phê nào đó vào một sáng cuối tuần, hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi sự tươi trẻ, năng động và tình cảm của một cặp vợ chồng già. Dường như họ đã quên đi tuổi của mình.

Chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già

Họ là một cặp đôi “rổ rá cạp lại” - như lời nói đùa của bà. Tình yêu khi ở độ tuổi chín muồi của cuộc đời và sau đổ vỡ khiến cả hai dường như biết điều chỉnh và chăm chút cho hôn nhân của mình hơn.

Cách đây mấy tuần, họ vui vẻ cùng bạn bè kỷ niệm 30 năm ngày cưới và mừng ông 77 tuổi, bà 71 tuổi - độ tuổi mà với rất nhiều người, chỉ còn đếm tháng đếm ngày. Tuy nhiên với cả hai vợ chồng, cả bốn mùa đều là mùa xuân phơi phới.

Lúc đứng lên để khai tiệc cùng bạn bè, ông chỉ nói ngắn gọn những lời cảm ơn và nhường lời cho “tổng tư lệnh” - lời của ông khi trao micro cho bà. Bà đứng đó, e ấp và dịu dàng bên ông.

Nghe bà nói những lời với học trò cũ của ông, rằng “các bạn, những bài tập các bạn nhờ thầy góp ý, những bệnh khó nhờ thầy tư vấn chính là nguồn động lực cho thầy mỗi ngày sống vui sống khỏe”. Sự khéo léo và dịu dàng đó có lẽ là chất keo kết dính hai người. Và cũng vì những điều đó mà tình cảm của hai người già vẫn cứ lan tỏa an vui.

Tuổi già rực rỡ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang  - bà Nguyễn Ngọc Sương hẳn sẽ truyền cảm hứng thật nhiều cho con cháu và cho cả những ai tình cờ biết đến ông bà - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuổi già rực rỡ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang - bà Nguyễn Ngọc Sương hẳn sẽ truyền cảm hứng thật nhiều cho con cháu và cho cả những ai tình cờ biết đến ông bà - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có lần hỏi ông bà “có phải yếu tố để có một tuổi già vui khỏe liên quan thật nhiều đến tài chính không” - bà khẳng định như đinh đóng cột điều đó là chắc chắn cứ hình dung một hình ảnh đơn giản thế này: nếu bạn đang sống cùng con trai hay con gái, dù các con có yêu thương hiếu thuận thế nào, mình có khi cũng tủi thân và cảm thấy thừa thãi.

Có lẽ vì hình dung cho mình một tuổi già độc lập và khỏe khoắn nên ngay từ trẻ, ông bà đã có kế hoạch cho đời mình.

Kế hoạch từ giữ gìn sức khỏe đến tài chính. Ông bà vẫn thường chia sẻ câu chuyện của chính mình với người thân, bạn bè. Với sức khỏe, cứ hình dung như mình đang bỏ ống, tích lũy dần dần mỗi ngày một chút, tài khoản nhiều lên, khi đến tuổi xế chiều mình mang ra dùng.

Ông là một bác sĩ chỉnh hình nổi tiếng, điều ông hay nói với các bệnh nhân lẫn học trò của mình nhiều nhất luôn là “hãy chăm vận động, luyện tập để có thể tránh xa bác sĩ”.

Câu chuyện độc lập tài chính khi về chiều cũng được ông bà cân nhắc thật kỹ. Tính bà vốn vén khéo, thế nên hồi xưa, lương và thu nhập từ phòng mạch của ông đều được bà tính toán thật chi tiết: khoản lo cho các con ăn học, khoản chi phí gia đình và khoản mang đi đầu tư.

Bà vẫn hay đùa “chắc nhờ trời thương cái tính sợ tuổi già sẽ khó khăn của mình mà cũng dư được chút ít”. Ông bà cũng xem các khoản đầu tư nho nhỏ hồi trẻ chính là bỏ ống cho ngày mai của mình. Tư duy lo xa của người miền Trung dường như chẳng khi nào thừa.

Và vì thế họ thong dong vui sống

Có lẽ niềm vui lớn nhất của ông bà bây giờ là chụp hình vợ chồng. Những bộ ảnh tình tứ của cả hai được thực hiện công phu và chuyên nghiệp khiến ai xem cũng trầm trồ.

Nếu không được giới thiệu, bạn sẽ không bao giờ có thể ngờ rằng họ đều đã ngoài 70 tuổi. Ông bảnh bao, đĩnh đạc và trí thức. Bà e ấp sang trọng và trẻ trung. Đủ mọi khung hình lung linh, đủ mọi góc chụp: lúc hai người nắm tay nhau đi ngắm hoa xuân tận Đà Lạt, lúc nồng nàn nhìn nhau ở công viên.

Nói về hình chụp, bà hồ hởi khoe: “Bây giờ niềm vui của mình là chụp hình. Lúc đầu anh không chịu nhưng mình thuyết phục. Mình bảo xưa giờ em không có một đam mê nào cả, giờ lớn tuổi tự nhiên thích chụp hình, lẽ nào anh lại khước từ niềm vui nhỏ xíu đó. Vậy là anh đồng ý…”.

Ông đồng ý sóng đôi cùng bà trong rất nhiều cuộc chụp hình, có lẽ bởi muốn khiến bà luôn vui. Đi đâu họ cũng cùng nhau chụp hình, đôi khi chỉ đơn giản là nhìn cho vui mắt và thấy mình mạnh khỏe.

Tết rồi, ông bà về Đà Lạt, quê của bà, ăn tết. Những khung hình hoa mai anh đào lung linh dưới góc máy chuyên nghiệp của ông bà thực sự khiến nhiều người ngưỡng mộ. 

Ở tuổi này, bà vẫn đều đặn tập yoga mỗi ngày, đều đặn bỏ ống sức khỏe vào tài khoản của mình; vẫn tự đi chợ nấu cơm cho ông vì ông vẫn thích được ăn món cá kho vợ nấu. Bà hiểu chồng nên tự tay chuẩn bị bữa ăn cho ông như ba mươi năm qua vẫn từng như thế.

Xe máy vẫn tự chạy. Ngân hàng vẫn đi giao dịch bình thường. Văn minh và hội nhập cộng đồng nhanh chóng. Đọc những bài viết lãng mạn của bà trên Facebook, chợt nghĩ với ngồn ngộn những chất liệu tích cực như thế làm sao có thể hình dung về một tuổi già buồn tẻ, cô đơn được.

Nay ông, 75 tuổi, về hưu đã được 15 năm nhưng vẫn làm việc say mê. Hằng tuần, ông đi khám ở các bệnh viện ba ngày, mỗi chiều vẫn làm việc ở phòng mạch. Biết bao lứa sinh viên chuyên khoa, cao học tìm đến ông để được nghe ông góp ý về bài tốt nghiệp. Chưa ngày nào ông ngừng làm việc. Cống hiến trí tuệ và kinh nghiệm của mình chính là cách ông chọn cho bản thân một tuổi già minh mẫn và có giá trị với cuộc đời.

Cứ thế, mỗi ngày qua, ông bà luôn có cách vận hành cuộc sống của mình, đơn giản mà nhịp nhàng. Bà vẫn đóng vai trò một “tổng tư lệnh” quán xuyến mọi thứ trong ngoài, vẫn trong vai một người vợ đảm và đẹp.

Bà hay nói: “Mình có làm gì to tát đâu, chỉ làm vợ mà thôi”. Có lẽ nhờ thế mà ông có thời gian cho nghề với nhiều say mê và nhiệt huyết đến thế.

Hai từ “làm vợ” đôi khi nhẹ như không mà có biết bao nhiêu người lần mò mãi vẫn chưa ra đáp án. Ba mươi năm tròn, bà vẫn làm đúng hai chữ làm vợ của mình, luôn chọn “lùi lại một bước trong bất cứ tình huống nào” như lời bà chia sẻ và giữ cho mình một hình ảnh tươm tất nhất trong mắt ông.

Ông bà nương tựa nhau tuổi già khi con cái đều ở xa - Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông bà nương tựa nhau tuổi già khi con cái đều ở xa - Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Con cái đã trưởng thành và chọn làm việc ở xứ người, xa ba mẹ; ông bà chỉ còn nương tựa vào nhau mà vui sống.

Nếu như những ngày trẻ mang sức khỏe và tiền bạc ra phung phí, chắc ông bà cũng không có được ngày hôm nay. Nếu như ông bà có suy nghĩ sau này nhờ con cháu chắc cũng không có được sự tung tăng, vui nhộn đầy tiếng cười như thực tại. Chẳng có sự chuẩn bị nào vô ích cả - đời sống của ông bà thực sự là minh chứng cho điều đó.

Hỏi bà nghĩ gì về câu chuyện “giữ cháu” - bà cười xòa “con mình mình nuôi, con nó nó nuôi. Quyết định vậy đi cho chúng ta cùng có trách nhiệm”. Giá mà ai trong chúng ta cũng có thể tự quyết định được cho mình một tuổi già vui sống, xã hội sẽ đỡ đi rất nhiều những áp lực giải quyết bài toán an sinh cho người già. 

Cuộc sống lung linh sắc màu của ông bà chắc chắn sẽ truyền cảm hứng thật nhiều cho bao thế hệ cháu con. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI